Samanta
KINH TRẠM XE

KINH TRUNG BỘ

  1. Kinh Trạm Xe
    (Rathavinītasutta)

HT Thích Minh Châu dịch

Cư sĩ Tuệ Kiến Nguyễn Anh Tú hiệu chỉnh (chỉnh sửa lỗi chính tả, thêm dấu cho các từ Pāi, đánh lại Pháp số, bổ sung các trích đoạn lặp lại (thường hay bị lược bớt và đánh dấu bằng dấu …) …)

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá) tại Veḷuvana (Trúc Lâm), Kalandakanivāpa.
  2. Lúc ấy một số đông Tỷ-kheo người địa phương, sau khi an cư mùa mưa tại địa phương xong, liền đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

– Này các Tỷ-kheo, ai ở tại địa phương được các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: “Tự mình thiểu dục và giảng về thiểu dục cho các Tỷ-kheo; tự mình tri túc và giảng về tri túc cho các Tỷ-kheo; tự mình độc cư và giảng về độc cư cho các Tỷ-kheo; tự mình không ô nhiễm và giảng về không ô nhiễm cho các Tỷ-kheo; tự mình tinh cần, tinh tấn và giảng về tinh cần, tinh tấn cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giới hạnh và giảng về thành tựu giới hạnh cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu Thiền định và giảng về thành tựu Thiền định cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu trí tuệ và nói về thành tựu trí tuệ cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát và nói về thành tựu giải thoát cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và nói về thành tựu giải thoát tri kiến cho các Tỷ-kheo; vị giáo giới, vị khai thị, vị trình bày, vị khích lệ, vị làm cho phấn khởi, vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ?”

  1. – Bạch Thế Tôn, Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta là Tỷ-kheo địa phương được các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: “Tự mình thiểu dục và giảng về thiểu dục cho các Tỷ-kheo; tự mình tri túc và giảng về tri túc cho các Tỷ-kheo; tự mình độc cư và giảng về độc cư cho các Tỷ-kheo; tự mình không ô nhiễm và giảng về không ô nhiễm cho các Tỷ-kheo; tự mình tinh cần, tinh tấn và giảng về tinh cần, tinh tấn cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giới hạnh và giảng về thành tựu giới hạnh cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu Thiền định và giảng về thành tựu Thiền định cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu trí tuệ và nói về thành tựu trí tuệ cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát và nói về thành tựu giải thoát cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và nói về thành tựu giải thoát tri kiến cho các Tỷ-kheo; vị giáo giới, vị khai thị, vị trình bày, vị khích lệ, vị làm cho phấn khởi, vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ”.
  2. Lúc bấy giờ, Tôn-giả Sāriputta ngồi cách Thế Tôn không xa. Tôn-giả Sāriputta suy nghĩ như sau: “Hạnh phúc thay Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta! Chơn hạnh phúc thay Tôn-giả Puṇṇa-mantāṇiputta! Tôn-giả đã được các vị đồng phạm hạnh có trí tán thán từng điểm một trước mặt bậc Ðạo Sư, và được bậc Ðạo Sư chấp nhận; có thể chúng ta sẽ gặp Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta, tại một chỗ nào, trong một thời gian nào, có thể sẽ có một cuộc đàm luận với Tôn-giả.”
  3. Thế Tôn trú tại Rājagaha (Vương Xá) lâu cho đến khi vừa ý, rồi khởi hành đi Sāvatthī. Ngài tuần tự đi và đến Sāvatthī. Ở đây, Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika.
  4. Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta được nghe: “Thế Tôn đã đến Sāvatthī, trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika”. Rồi Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta thâu dọn lại sàng tọa, cầm y bát, khởi hành đi Sāvatthī. Tôn-giả tuần tự đi đến Sāvatthī, Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika, đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, từ tạ đi Andhavana để nghỉ trưa.
  5. Rồi một Tỷ-kheo khác đến chỗ Tôn-giả Sāriputta ở, sau khi đến, thưa với Tôn-giả Sāriputta: “Hiền-giả Sāriputta, Hiền-giả luôn luôn tán dương Tỷ-kheo Puṇṇamantāṇiputta, vị này được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, từ tạ đi đến Andhavana để nghỉ trưa”.
  6. Rồi Tôn-giả Sāriputta vội vã đem theo tọa cụ, đi theo sau lưng Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta, đầu hướng về trước mặt (để theo dõi). Rồi Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta đi sâu vào rừng Andhavana, và ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây. Tôn-giả Sāriputta, sau khi đi sâu vào rừng Andhavana, ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.
  7. Rồi vào buổi chiều, Tôn-giả Sāriputta từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đến tại chỗ Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta, sau khi đến nói lên với Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta những lời chào đón, hỏi thăm, xã giao rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn-giả Sāriputta thưa với Tôn-giả Puṇṇa-mantāṇiputta:

– Hiền-giả, có phải chúng ta sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?

– Thật như vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tâm thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là mục đích kiến thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

– Hiền-giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?

– Không phải vậy, Hiền-giả.

  1. – Hiền-giả, khi hỏi: “Có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Khi hỏi: “Có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tâm thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Khi hỏi: “Có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích kiến thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Khi hỏi: “Có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Khi hỏi: “Có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Khi hỏi: “Có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Khi hỏi “có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?”, Hiền-giả trả lời “Không phải vậy”. Như vậy, Hiền-giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?

– Hiền-giả, với mục đích vô thủ trước Bát Niết-bàn, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn.

  1. – Hiền-giả, có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

– Hiền-giả, có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát Niết-bàn?

– Hiền-giả, không phải vậy.

  1. – Hiền-giả, khi hỏi: “Có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy. Khi hỏi: “Có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát Niết-bàn?”, Hiền-giả trả lời: “Không phải vậy.” Hiền-giả, vậy ý nghĩa lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?
  2. – Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát Niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát Niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát Niết-bàn. Hiền-giả, và nếu Thế Tôn tuyên bố cái gì ngoài các pháp ấy là vô thủ trước Bát Niết-bàn, thì kẻ phàm phu có thể Bát Niết-bàn, vì này Hiền-giả, phàm phu là ngoài các pháp ấy.
  3. Hiền-giả, tôi sẽ cho Hiền-giả một ví dụ, ở đây, một số kẻ có trí, nhờ ví dụ để hiểu ý nghĩa của lời nói. Hiền-giả, như vua Pasenadi xứ Kosala trong khi ở tại Sāvatthī, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Sāketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho vua giữa Sāvatthī và Sāketa. Hiền-giả, rồi vua Pasenadi xứ Kosala, từ cửa nội thành ra khỏi Sāvatthī, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm thứ nhất đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, leo lên trạm xe thứ hai, nhờ trạm xe thứ hai đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai, leo lên trạm xe thứ ba, nhờ trạm xe thứ ba đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba, leo lên trạm xe thứ tư, nhờ trạm xe thứ tư đến được trạm xe thứ năm; từ bỏ trạm xe thứ tư, leo lên trạm xe thứ năm, nhờ trạm xe thứ năm đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm xe thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu, leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy đến được Sāketa, tại cửa nội thành. Khi vua đến tại cửa nội thành, các bộ trưởng, cận thần, các thân thích cùng huyết thống hỏi như sau: “Tâu Ðại vương có phải với trạm xe này, Bệ hạ đi từ Sāvatthī đến Sāketa, tại cửa nội thành?” Hiền-giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế nào mới gọi là trả lời đúng đắn?

– Hiền-giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế này mới trả lời đúng đắn: “Ở đây, trong khi ta ở Sāvatthī, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Sāketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho ta, giữa Sāvatthī và Sāketa. Ta từ cửa nội thành ra khỏi Sāvatthī, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm thứ nhất đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, leo lên trạm xe thứ hai, nhờ trạm xe thứ hai đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai, leo lên trạm xe thứ ba, nhờ trạm xe thứ ba đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba, leo lên trạm xe thứ tư, nhờ trạm xe thứ tư đến được trạm xe thứ năm; từ bỏ trạm xe thứ tư, leo lên trạm xe thứ năm, nhờ trạm xe thứ năm đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm xe thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu, leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy đến được Sāketa, tại cửa nội thành”. Hiền-giả, vua Pasenadi nước Kosala trả lời như vậy mới trả lời một cách đúng đắn.

  1. – Cũng vậy, này Hiền-giả, giới thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) kiến thanh tịnh; kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đoạn nghi thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tri kiến thanh tịnh; tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) vô thủ trước Bát Niết-bàn. Này Hiền-giả, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với mục đích vô thủ trước Bát Niết-bàn.
  2. Khi được nói vậy, Tôn-giả Sāriputta nói với Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta:

– Tôn-giả tên là gì? Và các vị đồng phạm hạnh biết Tôn-giả như thế nào?

– Hiền-giả, tên tôi là Puṇṇa và các vị đồng phạm hạnh biết tôi là Mantāṇiputta.

– Thật hy hữu thay, Hiền-giả! Thật kỳ diệu thay, Hiền-giả! Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư, và vị đệ tử ấy là Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta. Thật hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh! Thật chơn hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh được thăm viếng, được thân cận Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta! Nếu các vị đồng phạm hạnh đội Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta trên đầu với một cuộn vải làm khăn để được thăm viếng, để được thân cận, thì thật là hạnh phúc cho các vị ấy, thật là chơn hạnh phúc cho các vị ấy! Thật hạnh phúc cho chúng tôi, thật chơn hạnh phúc cho chúng tôi được thăm viếng, được thân cận Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta!

  1. Khi được nói vậy, Tôn-giả Puṇṇamantāṇiputta nói với Tôn-giả Sāriputta:

– Tôn-giả tên là gì, và các vị đồng phạm hạnh biết Tôn-giả như thế nào?

– Hiền-giả, tôi tên là Upatissa, và các vị đồng phạm hạnh biết tôi là Sāriputta.

– Tôi đang luận bàn với bậc đệ tử được xem là ngang hàng với bậc Ðạo Sư mà không được biết là Tôn-giả Sāriputta. Nếu chúng tôi được biết là Tôn-giả Sāriputta, thì chúng tôi đã không nói nhiều như vậy. Thật hy hữu thay, Hiền-giả! Thật kỳ diệu thay, Hiền-giả! Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một, bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư. Và vị đệ tử ấy là Tôn-giả Sāriputta. Thật hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh! Thật chơn hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh được thăm viếng, được thân cận Tôn-giả Sāriputta! Nếu các vị đồng phạm hạnh đội Tôn-giả Sāriputta trên đầu với một cuộn vải làm khăn để được thăm viếng, để được thân cận, thì thật là hạnh phúc cho các vị ấy, thật là chơn hạnh phúc cho các vị ấy! Thật hạnh phúc cho chúng tôi, thật chơn hạnh phúc cho chúng tôi được thăm viếng, được thân cận Tôn-giả Sāriputta!

Như vậy, hai bậc cao đức ấy cùng nhau thiện thuyết, cùng nhau tùy hỷ.