Samanta
KINH VÔ NGÃ TƯỚNG

TƯƠNG ƯNG BỘ KINH (22. 2. 1. 7)

Vô Ngã Tướng: Anattalakkhaṇasuttaṃ (59)

HT Thích Minh Châu dịch

Cư sĩ Tuệ Kiến Nguyễn Anh Tú hiệu chỉnh (chỉnh sửa lỗi chính tả, thêm dấu cho các từ Pāi, đánh lại Pháp số, bổ sung các trích đoạn lặp lại (thường hay bị lược bớt và đánh dấu bằng dấu …) …)

  1. Một thời Thế Tôn ở Bārāṇasī (Ba-la-nại), tại Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.
  2. Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. – “Thưa vâng bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
  3. – Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
  4. Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy, sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: “Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
  5. Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các thọ như sau: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”
  6. Và này các Tỷ-kheo, vì thọ là vô ngã. Do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”
  7. Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu tưởng là ngã, thời tưởng không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các tưởng như sau: “Mong rằng tưởng của tôi là như thế này! Mong rằng tưởng của tôi chẳng phải như thế này!”
  8. Và này các Tỷ-kheo, vì tưởng là vô ngã. Do vậy, tưởng đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các tưởng: “Mong rằng tưởng của tôi như thế này! Mong rằng tưởng của tôi chẳng phải như thế này!”
  9. Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi là như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!”
  10. Và này các Tỷ-kheo, vì các hành là vô ngã. Do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các các hành: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!”
  11. Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các thức như sau: “Mong rằng thức của tôi là như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”
  12. Và này các Tỷ-kheo, vì thức là vô ngã. Do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thức: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”

13-17. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc…; thọ…; tưởng…; các hành…; thức là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

  1. – Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
  2. Phàm thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thọ cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
  3. Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả tưởng cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
  4. Phàm các hành gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả các hành cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
  5. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
  6. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
  7. Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.