Chuỗi sự kiện “Đạo Phật trong cuộc sống” tiếp tục với sự kiện thứ hai “Thiền trong giải tỏa căng thẳng tâm lý” đã diễn ra vào ngày 15/6/2014 tại Hội trường Công ty CP Truyền thông VMG, tầng 7 tòa nhà Viễn Đông, 36 Hoàng Cầu, Hà Nội. Diễn giả là sư cô Pháp Hỷ. Ban Phục vụ xin gửi tới Quý vị bản tóm tắt nội dung của buổi hội thảo để tiện theo dõi.
Đây là buổi Hội thảo giới thiệu phương pháp đã được giáo sư Jon Kabat Jin sáng tạo và ứng dụng thành công trong hơn 35 năm qua. Tiếp sau buổi hội thảo, các bạn quan tâm có thể đến tham dự khóa tu hướng dẫn chi tiết phương pháp này tại Thiền đường chùa Linh Thông, ngõ 25, Lê Văn Lương, Hà Nội vào 19h tối thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Khóa Thiền này sẽ kéo dài trong 6 buổi, mỗi buổi 2,5h, buổi đầu tiên sẽ bắt đầu vào Thứ ba ngày 17/6/2014.
Xuất phát từ những kinh nghiệm riêng tư của bản thân mình, của các vị thầy cũng như của các Phật tử mà Sư cô tiếp xúc trên con đường học đạo và hoằng pháp, Sư cô đã minh họa rất cụ thể những sự vô lý trong suy nghĩ và nhận thức sai lầm của chúng ta, những lợi ích thiết thực của thiền và giới thiệu qua cách thực hành thiền bằng ngôn từ đời thường.
Do đã từng sống, tu học và hoằng pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau như Việt Nam, Miến Điện, Srilanka, Úc, Mỹ, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như học viện, thiền viện, tu viện trong rừng hay sống tại nước có nếp sống nhanh, nhiều áp lực như Mỹ, Sư cô đã nêu ra nhiều nét văn hóa mới, những cái nhìn đa chiều về cuộc sống và thiền học. Các đạo hữu mong muốn nhận được những lời hướng dẫn bài bản như cách ngồi thiền, cách thở, các tác động yoga cụ thể, hẳn sẽ bất ngờ khi không thấy những hướng dẫn này ở đây. Thay vào đó, Sư cô Pháp Hỷ nhấn mạnh vào sự thay đổi nhận thức, thái độ và lối sống của mình với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Chính những gánh nặng do níu kéo quá khứ, lo lắng về tương lai, những mong muốn, áp đặt về xã hội bên ngoài, về chính bản thân là những tác nhân dẫn đến bất an, căng thẳng tâm lý. Bằng chánh niệm hay sự quay trở lại với thực tại, với thân thế, cảm giác, tâm lý, với những gì đang diễn ra tại đây và bây giờ, chúng ta có thể thoát ra khỏi ngục tù khổ đau do tâm thức mình tự tạo ra, để chuyển hóa, để sống thanh thản, hạnh phúc và hữu ích hơn.
Các đạo hữu thấy phương pháp này phù hợp và hữu ích với bản thân mình có thể tham gia khóa thiền cùng tên tại Thiền đường chùa Linh Thông (đi cổng 2 thẳng vào Thiền Đường ở ngõ 25, phố Lê Văn Lương (lịch đã ghi ở trên)).
Sau đây là một số trích đoạn trong bài giảng của Sư cô và phần hỏi đáp:
Phần 1: Chia sẻ của sư cô Pháp Hỷ (Dhammananda).
– Mở đầu, sư cô chia sẻ kinh nghiệm từ thuở thơ ấu của mình khi xác định mục đích sống và ý nghĩa cuộc đời. Những căng thẳng do phải lựa chọn giữa mục đích sống của mình và an vui của gia đình, nên sống vì sự an vui cho mình hay hi sinh cho gia đình, cho người khác. Những căng thẳng đó khiến cho Sư cô mong muốn tìm ra cách làm chủ cảm xúc và suy tư của mình. Khi được người anh trai nói có thể các nhà sư biết điều này, sư cô đã mong muốn được theo học với các nhà Sư và thật may mắn đã thực hiện được mong ước này của mình. Chính vì vậy, đối với Sư cô đến với đạo Phật là để tìm con đường sống cho mình, và cô thấy đạo Phật chính là con đường giáo dục. Sư cô chú trọng vào tính ứng dụng của đạo Phật, và đối tượng là con người hiện đại chứ không phải cho những con người sống khép kín của nền văn minh cũ. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, bộ não của con người chưa quen để xử lý nhiều thông tin như vậy. Do đó hầu như tất cả chứ không chỉ những người làm việc trí óc đều căng thẳng, đều có nhiều chọn lựa và phải lựa chọn sao cho ít rủi ro nhất. Do phải chọn lựa nên phải căng thẳng hơn, phải cố gắng cạnh tranh giữa cái tốt và cái tốt hơn. Điều này đặc biệt khó khăn nếu chúng ta không biết cái gì là tốt nhất và cố gắng lựa chọn cái tốt nhất theo tiêu chí của xã hội hay của những người khác. Thực ra, tốt hay không tốt là tùy cách sử dụng và nhìn nhận của mình và cần lựa chọn cái nào phù hợp nhất cho chính bản thân mình.
– Tuy cuộc sống nhiều căng thẳng như vậy, nhưng có nhiều người có thể làm được nhiều việc mà vẫn sống an vui, thanh thản, không có dấu hiệu căng thẳng, bất an hay lo lắng. Một ví dụ thực tế là Thầy Viên Minh – Sư phụ của sư cô – người có thể làm việc nhiều bằng 3,4 người mà vẫn thanh thản. Đó là bằng chứng chứng tỏ thiền khg phải là lý thuyết mà có thể ứng dụng được vào thực tế. Hầu như tất cả mọi người có thể làm được nếu biết ứng dụng những lời dạy minh triết theo một cách phù hợp, sáng tạo chứ không phải rập khuôn, giáo điều.