Samanta

Thân gửi các quý đạo hữu, doanh nhân và độc giả quan tâm,

Nhân dịp đại lễ Vesak 2014 (kỷ niệm ngày Bồ tát đản sinh, Bồ tát thành Đạo và Phật nhập Niết bàn), Doanh nghiệp Xã hội SAMANTA đã khởi động chuỗi sự kiện Đạo Phật và Cuộc sống với mong muốn phổ biến việc ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống đem lại lợi ích cho nhiều người và toàn xã hội. Sự kiện đầu tiên với chủ đề “Kinh doanh và Đức Phật” với sự trình bày của Sư cô Liễu Pháp đã diễn ra vào chiều chủ nhật 11/5/2014 tại Công viên nhỏ, 36 ngõ 76, An Dương, Tây Hồ, Hà Nội và đã thành công tốt đẹp. Ban Phục vụ xin gửi tới Quý vị bản tóm tắt nội dung của buổi hội thảo để tiện theo dõi. Chương trình được bắt đầu vào hồi 14h35,

PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ CHUỖI SỰ KIỆN VÀ CUỐN SÁCH “KINH DOANH VÀ ĐỨC PHẬT”

Mở đầu, cư sĩ Pháp Minh Trịnh Đức Vinh (Giám đốc SAMANTA, dịch giả cuốn sách) giới thiệu qua về chuỗi sự kiện, diễn giả và cuốn sách “Kinh doanh và Đức Phật” cùng tác giả Lloyd Field.   Hai thông điệp được nhấn mạnh là: tầm quan trọng của việc ứng dụng đạo Phật qua lời nói của Đạt lai Lạt ma thứ 14: “Tôi không quan tâm đến số lượng những người tự nhận mình là Phật tử, nhưng tôi nóng lòng muốn xem giáo lý của Đức Phật được ứng dụng vào đời sống như thế nào” và việc gặp gỡ giữa hai luồng tư tưởng khác biệt là đạo Phật và kinh doanh sẽ hứa hẹn nhiều ý tưởng thú vị qua lời nói của Werner Heisenberg, cha đẻ của vật lý lượng tử: “Nhìn chung, có lẽ đúng là trong lịch sử của tư duy loài người, những phát triển mang nhiều thành quả nhất thường xảy ra tại nơi mà luồng tư tưởng khác biệt gặp nhau. Những luồng tư tưởng này có thể bắt rễ trong những thành phần hoàn toàn khác nhau của văn hóa con người, trong nhiều thời đại khác nhau, hoặc môi trường văn minh khác nhau hoặc truyền thống tôn giáo khác nhau: vì thế nếu chúng thực sự gặp gỡ nhau, hay ít nhất chúng liên hệ được với nhau để có một sự tác động lên nhau, thì ta có thể hy vọng những phát triển mới mẻ và thú vị sẽ kéo đến sau.” “Tôi cho rằng khát vọng vượt qua những điều đối lập, bao gồm sự tổng hợp cả hiểu biết duy lý và trải nghiệm tâm linh về tính thống nhất, là một nét đặc trưng nhất, dù được thể hiện ra hay không được nói ra của thời đại chúng ta.”

Tác giả Lloyd Field cũng là người thấm nhuần những thông điệp này. Ông là một người thành công trong kinh doanh, là phó chủ tịch nhân sự của Johnson & Johnson nhưng sau khi gặp bất hạnh của cuộc đời là cái chết của người con gái, ông nhận ra về hiện hữu của đau khổ phổ quát trong cuộc sống này và tìm thấy giải pháp nơi đạo Phật. Sau đó, ông ứng dụng đạo Phật vào công việc và trở thành nhà tư vấn quản trị nhân sự và viết cuốn sách “Kinh doanh và Đức Phật”.   Trong cuốn sách tác giả đưa ra một số hạn chế trong kinh doanh và kinh tế hiện nay như chỉ chạy theo lợi nhuận và mặc nhiên coi lợi nhuận đồng nghĩa với hạnh phúc, sự chạy theo lòng tham và những tác hại của nó, và những khiếm khuyết trong các lý thuyết kinh tế học vẫn là nền tảng của Chủ nghĩa tư bản. Ông nhấn mạnh hạnh phúc tùy thuộc vào những lựa chọn đạo đức của chúng ta trong hiện tại và giới thiệu việc ứng dụng đạo Phật (Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Nhân Quả) vào cuộc sống.

PHẦN 2: ỨNG DỤNG ĐẠO PHẬT   Đây là phần trọng tâm của buổi hội thảo do Sư cô Liễu Pháp trình bày. Sư cô là tỳ kheo ni đầu tiên của Việt Nam theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, là đệ tử của Hòa thượng Viên Minh và là tiến sĩ Phật học chuyên ngành Pali. Sư cô đã trình bày súc tích những vấn đề trọng tâm của đạo Phật và liên hệ với công việc kinh doanh và kiếm sống:

  • Tứ Diệu Đế: đây là giáo lý trọng tâm của đạo Phật và cũng chính là thông điệp giác ngộ mà Đức Phật đã giảng cho nhóm năm tu sĩ đầu tiên khi Ngài bắt đầu chuyển bánh xe pháp. Trong kinh doanh, nó chính là việc nhận ra vấn đề, tìm thấy nguyên nhân của vấn đề đó, thấy hướng giải quyết và thực hiện các giải pháp.
  • Trung Đạo – Bát Chánh Đạo: Giải pháp ở đây chính là Trung Đạo, con đường trung dung giữa hai cực đoan thỏa mãn lòng tham và khổ hạnh ép xác. Trung Đạo được diễn giải chi tiết thành Bát Chánh Đạo và được chia thành ba nhóm: Giới – Đạo đức (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng), Định (Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) và Tuệ (Chánh Kiến, Chánh Tư duy). Đây là những điều mà chúng ta cần thể hiện trong cuộc sống của mình chứ không phải dành riêng cho các tu sĩ. Ví dụ: nếu bạn có sự tập trung (Chánh Định) vào công việc thì sẽ làm việc hiệu quả hơn. Nếu bạn thiếu sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) về công việc mà mình đang làm thì việc kinh doanh sẽ khó có thể duy trì lâu dài và hiệu quả …
  • Nhân quả: Sư cô nhấn mạnh cần có sự hiểu biết rõ ràng về thiện ác và thái độ dứt khoát trong quyết định của mình: không làm điều ác và gây hại.

PHẦN 3: WE MUST BE THE CHANGE WE WISH TO SEE IN THE WORLD. (Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trên thế giới này) Để kết thúc phần trình bày, Cư sĩ Pháp Minh nêu ra các ví dụ thành công trong việc ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống như Steve Jobs, Whole food và gửi đi thông điệp nên chủ động ứng dụng đạo Phật để có cuộc sống tốt đẹp hơn, đừng chờ đợi sự thay đổi bên ngoài còn mình lại không chịu thay đổi bằng câu nói nổi tiếng của Gandhi:

“We must be the change we wish to see in the world”

(Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trên thế giới này).

PHẦN 4: CHIA SẺ KINH NGHIỆM ỨNG DỤNG ĐẠO PHẬT Trong phần này, hai vợ chồng anh Frank và cô Christine – Phật tử người Đài Loan – vừa tham dự đại hội Vesak Liên Hiệp Quốc tại chùa Bái Đính có đến dự và cùng Sư cô Liễu Pháp trả lời câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng đạo Phật của bản thân mình cho thính giả. Xin tóm tắt một số ý chính trong phần trả lời của hai vị khách và Sư cô Liễu Pháp:

  1. Đạo đức kinh doanh: Đức Phật không đưa ra sự áp đặt nào cho con người, không bao giờ đe dọa hay ngăn cấm chúng ta. Đức Phật chỉ chỉ ra quy luật nhân quả của cuộc sống. Làm việc thiện, sống theo đạo đức, trí tuệ thì sẽ dẫn đến hạnh phúc. Làm việc ác, hành động theo tham, sân, si sẽ dẫn đến đau khổ. Sống đạo đức hay không là tự do lựa chọn cá nhân của mỗi người. Kinh doanh phi đạo đức thì không bền, về lâu dài uy tín giảm sút, bị pháp luật trừng trị, chịu đau khổ theo đúng luật nhân quả. Kinh doanh đạo đức: chân chánh, bền vững và tốt cho cả hiện tại và tương lai. Hãy chờ câu trả lời của thời gian vì nhân quả cần thời gian để phô diễn sức mạnh của mình. Hãy hiểu rõ về thiện ác và dứt khoát trong quyết định hướng của mình.
  2. Nhân sự: Muốn người ta đối xử với mình như thế nào thì mình hãy đối xử với người như vậy. Ai cũng muốn được hạnh phúc, được tôn trọng. Hãy tôn trọng và mang lại hạnh phúc cho người khác. Hãy quan sát trong từng hành vi, cử chỉ của mình để điều chỉnh. Khi mình tôn trọng và mang lại hạnh phúc cho người khác thì mình cũng được tôn trọng và hạnh phúc: luật Nhân quả. Có thể tìm trong Kinh điển những bài kinh nói về mối quan hệ con người với nhau, những đức tính mà người lãnh đạo cần có. 
  3. Chánh Mạng: Ý định hay động cơ hành động chính là Nghiệp. Nên sử dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình để đem lại lợi ích cho người khác thông qua chính nghề nghiệp của mình. Nếu công việc nào làm bạn bất an, khiến bạn phải làm các việc bất thiện thì nên thay đổi công việc đó.
  4. Học đạo Phật: Tam tạng Kinh điển đã được dịch ra tiếng Việt và có thể tham khảo trên trang web Buddha Sasana. Tam Tạng chính là nguồn tài liệu giá trị và đáng tin cậy nhất. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu cả pháp học và pháp hành. Nên tham dự một vài khóa thiền và đọc sách của các học giả. Việc phân biệt trường phái không quan trọng và nên có thái độ cởi mở khách quan. Tuy nhiên cần chọn lọc khi tìm hiểu, không đọc sách tràn lan. Nên đọc những sách vở có chứng minh cụ thể, trích dẫn rõ ràng, tránh các sách vở chỉ nói theo ý kiến chủ quan của tác giả mà không có chứng minh, trích dẫn cụ thể. Ví dụ tác giả nói Đức Phật nói rằng: “…” thì phải trích dẫn được câu nói đó là từ Kinh nào.

Chương trình đã khép lại trong niềm hoan hỷ của tất cả, mọi người cùng nhau chụp ảnh lưu niệm và ra về vào hồi 17h35.   Trân trọng cảm ơn các cá nhân, tổ chức đã tham gia tài trợ, lan tỏa truyền thông và công tác trong ban phục vụ sự kiện, các quý vị đã tới dự, đã quan tâm tới chương trình. Xin chúc mọi người sức khỏe, bình an và xin hẹn gặp lại trong các chương trình tới. SAMANTA PHỤC VỤ ĐỂ HOÀN TOÀN – HOÀN TOÀN ĐỂ PHỤC VỤ

 

10402643_1428926894060233_8221381998290844521_n