Samanta
Bảo dưỡng hình thể

TINH HOA VĂN HÓA DƯỠNG SINH

CHƯƠNG I: BẢO DƯỠNG HÌNH THỂ

 

1. COI TRỌNG THÂN MÌNH, QUÝ BÁU CUỘC SỐNG, KHÔNG CÓ GÌ QUÝ BÁU BẰNG NGƯỜI

Trời đất che chở, muôn vật có đủ, không gì quý bằng con người (Hoàng Đế Nội Kinh).

Bốn lớn: Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Mênh mang vũ trụ có bốn cái lớn mà con người là một. (Lão Tử)

Năm phúc, sáu cực:

5 phúc:

1. Thọ

2. Giầu

3. Khỏe mạnh, yên ổn

4. Làm việc tốt lành, có kết quả

5. Tuổi cao trọn vẹn

6 Cực

1. Chết yểu (chưa tới 20 tuổi)

2. Ốm đau

3. Lo buồn

4. Nghèo

5. Làm điều ác

6. Ngu đần

(Thượng thư Hồng Phạm)

Nắm được bí quyết trường sinh, quý hơn nghìn vàng

Bão Phác tử nói: (Cát Hồng) người đời cho cái hay của một câu nói, quý hơn ngàn vàng, nhưng cũng chỉ liên quan tới sự thành bại của việc nước, việc quân hoặc lời nói việc làm hay dở của một người. Còn như bảo người ta bí quyết trường sinh thì không giống như một câu nói hay của một người, và giá trị đâu chỉ là ngàn vàng. Ví như có người bệnh năng sắp nguy, mà có người cứu cho khỏi và sống lại, thì ân huệ dầy nặng biết bao nhiêu.

Coi trọng thân mình

Bây giờ sinh mệnh (cuộc sống) của ta là sở hữu của ta, sinh mệnh đối với ta là cực kỳ trọng đại. Bàn tới sự sang hèn (của sinh mệnh) thì ngôi cao như thiên tử, không đủ để so sánh. Bàn về khinh trọng, giầu có cả thiên hạ, chưa dễ mà đổi được. Bàn về yên nguy, lầm lỡ một sớm, suốt đời không lấy lại được. Ba điều ấy người có đạo phải cẩn thận.

Quý trọng cuộc sống

Phàm động tác của thiên hạ, phải xét cả cái dùng để làm và cái đạt được.

Nay có người dùng viên ngọc của Tuỳ hầu[1] để ném con sẻ cao nghìn nhận,[2] sẽ bị đời cười. Vì sao? Vì cái dùng để ném thì trọng, cái cần có thì khinh. Cuộc sống (sự sống) há chỉ quý trọng như viên ngọc của Tuỳ hầu ư? (Lã Thị Xuân Thu)[3].

Qúa yêu hẳn phí lớn, chứa nhiều sẽ mất lắm.

Danh với thân mình cái nào quý hơn? Thân mình với hàng hoá cái gì nhiều hơn? Được và mất cái gì lo hơn? Thế cho nên rất yêu sẽ phí lớn, chứa nhiều sẽ mất lắm. Cho nên biết đủ không nhục, biết dừng không nguy hiểm. (Lão Tử)

Khéo giữ gìn thân và tâm

Người ta đối với các ngoại vật phụng dưỡng cho thân, mọi thứ đều cần tốt, chỉ có “thân” và “tâm” của chính mình, lại không cần tốt. Nếu lúc được các vật bên ngoài tốt, lại không hay rằng chính thân và tâm mình trước đã không tốt rồi (Hà Nam Trình thị)[4].

Đời người chỉ có một lần

Cái chết của người thiên hạ là chuyện lớn, một chết, ngàn đời không thể nhìn thấy trời đất, nhật nguyệt, xương thịt thành bùn đất, chết là chuyện quan trọng. Người ta sống ở trời đất, mỗi người chỉ có một lần sống, không thể không coi trọng cuộc sống.

 

2. THÂN NGƯỜI – TRỜI ĐẤT NHỎ, NGƯỜI THIÊNG HƠN MUÔN LOÀI

Trong sự vận động của trời đất, nói theo đạo, thì thân người được khí Chính – Trung của trời đất – Đầu (tròn) như trời, Chân (vuông) như đất. Cho nên nói: Thân người – trời đất nhỏ. Tạo hóa của trời đất sinh người, sinh vật, mà tạo hóa của người sinh Phật, sinh Tiên. “Linh Bảo Pháp Hoa” nói: Đạo sinh muôn vật, trời đất là thứ lớn nhất trong mọi vật, người là thứ thiêng nhất trong mọi vật. Tin ở đạo, người cùng trời đất, tim sánh trời, thận sánh đất, gan là dương, phổi là âm, một lên một xuống, ngẩng nhìn cúi xét, có thể thấy được bộ máy sâu sắc; một đầu một cuối, độ số tính toán, có thể hiểu đượccái lẽ của nó.

Thân ta vận hành cùng quy luật với trời đất

Tấm thân bảy thước, sao có thể dám bàn lớn nhỏ cùng với trời đất. Hạn độ trăm năm, sao có thể bàn dài ngắn cùng trời đất. Huống nữa, tấm thân này chỉ là mình vỏ, nếu như nghiên cứu tinh tế được xương tuỷ, phủ tạng, kinh lạc, huyết mạch, không giữ đúng theo y lý, thì sao mọi thứ so sánh được với trời đất! Ôi chao! Đó chỉ là tự mình coi nhỏ cái thân mình.

Vì tự coi nhỏ thân mình, nên mới loanh quanh trong tấm thân bảy thước, thèm muốn như kiểu giun kiến, say mê sống chết trong khoảng trăm năm, cùng ngắn ngủi sớm chiều như con vờ vờ (phù du), còn có ai đáng thương hơn thế chăng? Há không biết được trời đất chẳng to, thân người  chẳng nhỏ, muôn thuở không dài, trăm năm không ngắn. Sự vận hành của trời đất với sinh mạng của con người có cùng chung một quy luật. Bởi âm dương, ngũ hành ở trời, đất, người là giống nhau. (Chương Hoàng đồ thư biên)

Người và trời đất giống nhau

Ngoài là biểu[5], trong là lý[6], đầu tròn giống trời, chân vuông giống đất. Trời có 4 mùa, 5 hành, 9 (chín) sao, 360 ngày. Người có 4 chi, 5 tạng, 9 lỗ, 360 đốt. Trời có gió, mưa, lạnh, nóng; người có lấy, cho, mừng, giận. Mật là mây, phổi là khí, tỳ là gió, thận là mưa, gan là sương. Người với trời đất giống nhau mà tâm làm chủ, tai mắt là mặt trời, mặt trăng; huyết khí là gió mưa. Mặt trời, mặt trăng không thường, đất nước chịu tai hại. Đạo của trời đất rất rộng và lớn, còn tiết kiệm ánh sáng, nhân sự thần minh, tai mắt con người sao có thể sưởi hun lâu mà không nghỉ, thì tinh thần sao có thể rong ruổi hoài mà không thiếu thốn (Tân Khai: Văn Tử).

Khí dương như trời và mặt trời

Khí dương như trời và mặt trời, mất cái chỗ thì tổn thọ mà không rực sáng. Cho nên vận động của trời lấy trời sáng tỏ, vì thế dương bốc lên trên, mà bảo vệ bên ngoài (Hoàng Đế Nội Kinh Tố vấn).

Mỗi thân thể là một mái nhà

Thân thể người ta, cõi trên gọi là nhà. Tai, mắt, mũi, miệng, là cửa lớn, cửa sổ. Tay chân, đốt xương là rui mè, kèo cột. Râu tóc, da dẻ, là tường vách, ngói bạch. Mỗi bộ vị trên thân có một tên gọi khác nhau, và cùng chung một chủ. Ngôi nhà có khi lung lay vì gió bão, có khi cũ mục vì sâu bọ, có lúc tổn hại bởi chuột, chó, trộm cướp. Nếu nghe vậy mà không phòng ngừa, thì tháng ngày dồn lại, sạt lở bốn bên, không còn chỗ mà trú ngụ. Tâm là chủ của ngôi nhà. Người chủ luôn giữ được thế làm chủ, thì ngôi nhà luôn giữ được kiên cố, cũng như tuổi thọ được gìn giữ vậy. (Lý Bằng Phi – Tam nguyên diện thọ tham tán tư).

 

Thân thể một người, hình tượng một nước

Thân thể mỗi người là hình tượng một quốc gia. Ngực bụng, như là cung thất. Tay chân, tựa đất bao quanh. Đốt xương phân chia, như trăm quan vậy. Thần là vua, huyết là tôi, khí là dân. Biết trị thân thì có thể trị nước. Dân loạn thì nước mất, khí kiệt thì thân mất. (Cát Hồng – Bão Phác tử nội thiên – Địa Chân).

Trị thân như trị nước

Thái Ích nói: Giữ được thần, có thể củng cố nguyên khí, khiến bệnh không sinh. Nếu suốt ngày rối rít, thì thân dong duổi ở ngoài, khí tan ở trong, các bệnh sẽ tấn công. Thần có thể sai khiến tai mắt, chân tay, nhìn, nghe, cầm, đi; Khí lập tức theo vận động; cho nên an thần là dưỡng khí bảo tinh đó. Thân người như một nước, thần như vua, vua giỏi thì nước trị, khí như dân, dân đoàn kết thì nước mạnh. Tinh như của cải, của cải tích luỹ thì nước giàu. (Từ Văn Bật – “Thọ Thế Truyền Chân”).

Đạo dưỡng thần

Thân người phép tắc giống như một nước, Thần là vua, khí là dân. Dân có đức, có thể tôn quý, vua có đạo, có thể cai trị thiên hạ lâu dài. Thế nên có công phu dưỡng khí, có đức dưỡng tinh, có thể hoá làm tinh, có thể hóa làm thần, dưỡng thần có đạo, có thể làm cho thân mình sinh tồn lâu dài. Nguyên khí luận).

Người ta lấy hình làm nhà, lấy tâm làm chủ

Thông Huyền kinh chép: Người ta lấy hình làm nhà, tâm làm chủ. Chủ ở nước có phận vua tôi, chủ ở nhà có lễ cha con. Tâm là vua, cha; khí là tôi, con, Thân như quốc gia, tâm khí nhất trí, làm gì cũng được. (Hồ âm)

 

3. HÌNH THẦN HỢP NHẤT

Tinh thần với hình hài

Này, đạo trời đất đã rộng lại lớn, thế mà còn tiết kiệm ánh sáng, yêu tiếc thần minh; tai mắt con người, sao có thể mệt nhọc mà khôngnghỉ ư? Tinh thần sao có thể mệt nhọc mà không nghỉ thôi ư? Cho nên khí huyết là “hoa” của người, mà ngũ tạng là “tinh’ của người. Khí huyết mà chuyên ở ngũ tạng, thì ngực bụng ổn định mà tình dục bớt, nghe nhìn thấu đáo. Tai mắt thông tỏ, nhìn nghe thấu đáo. Tai mắt thông tỏ, nhìn nghe thấu đáo, gọi là “sáng”. Thắng được tình dục trái với ý chí, thì hành vi không xa rời chính đạo, thì tinh thần thịnh mà khí không tán. Tinh thần thịnh, khí không tán, bình quân thì thông suốt, thông suốt thì tài trí kĩ năng vượt hơn lên. Đạt tới mức đó (thần) thì nhìn gì cũng thấy, nghe gì cũng tỏ, làm gì cũng thành. Vì vậy, lo buồn không thể xâm nhập, tà khí cũng không thể xâm nhập. Vì vậy, về sự vật có thứ tìm tòi ở ngoài bốn biển lại không thể đạt được, có thể ở ngay trong thân thể của mình có thể đạt được, lại không phát hiện ra. Nhân thế, cái cần tìm thì nhiều, nhưng cái đạt được thì ít, sự vật nhìn thấy thì rộng dài, nhưng cái hiểu tỏ được thì ít.

Bảy khiếu lỗ trong cơ thể là cửa sổ của tinh thần. Khí huyết trong cơ thể là kẻ bảo vệ cho ngũ tạng. Nếu tai mắt quá đắm đuối thì ngũ tạng bị dao động mà không ổn định, khiến cho khí huyết tản mát mà không ngưng tụ. Khí huyết không ngưng tụ thì tinh thần vượt khỏi hình thể mà không giữ gìn được nội thân, khiến cho tai hoạ tuy dồn dập tới, sừng sững như đồi gò mà người chẳng nhận ra. Làm cho tai mắt thông sáng mà không mê đắm, ý chí điềm đạm yên vui mà bớt ham muốn, ngũ tạng ổn định đầy đặn mà không tản mạn ra ngoài, tinh thần giữ vẹn trong hình hài mà không thoát ly, thì không khó gì trông việc trước mà thấy việc sau. Khi ấy, đoán được họa phúc là điều dễ.

Vì vậy, có câu rằng: người viễn vông thì biết ít, để nói rằng, chớ nên để tinh thần hướng ngoại quá nhiều. Năm màu loạn mắt, làm mắt tối mờ; năm thanh rộn tai, làm tai không rõ: năm vị rối miệng, khiến miệng mất ngon. Lấy nọ bỏ kia làm loạn trí mê tâm. Năm sắc, năm thanh, năm vị, lấy – bỏ, đó là 4 cách dưỡng sinh của nhân gian, cũng là những phiền luỵ khiến người đời khổ, sở. Dục vọng khiến thần khí tán loạn, yêu ghét làm lòng người vất vả. Không mau bỏ đi, chí khí ngày một tiêu ma. Con người không thể trọn mệnh tới cùng đường, mà hay gặp kiếp nạn giữa chặng, tại sao như vậy? Bởi con người hưởng thụ vật chất quá nhiều. Người nào không mưu cầu vật chất để mong trường sinh, người ấy sẽ trường sinh. (Hoài Nam Tử)[7]

Hình là cỗ xe chuyên chở thân thể

Con người ta chỉ biết đạo Dưỡng Hình, mà không biết đạo Dưỡng Thần. Không biết yêu Thần, chỉ biết yêu Thân. Không biết hình thể là cỗ xe chuyên chở thân thể. Thần lìa rời khỏi hình thể, người sẽ tử vong. Cỗ xe hư hỏng, ngựa không kéo đi được. Đó là lẽ tự nhiên của đạo lý. (Chu Thủ Trung – Dưỡng sinh loại toản)

Hình thần hợp đồng

Lão Tử nói: “Tinh thần sinh từ hình thể, hình thể nhờ tinh thần mà tồn tại. Hình thể không có tinh thần, không thể tồn tại độc lập; tinh thần không có hình thể, không thể tự mình sản sinh. Hình và Thần là cái thống nhất, chúng sinh ra nhau, hình thành lẫn nhau. (Tây Thăng Kinh tập chú)

Hình thể là nơi tập họp của khí

Hình thể là tập hợp của khí, khí hư thì hình thể yếu; hình là sinh thành của tinh, tinh thiếu thì thần tiều tuỵ. Hình thể là người, người là thứ có linh tính nhất trong muôn loài. Thần là sinh mạng, là đức tính đặc biệt trong trời đất. Người có linh tính đứng đầu muôn loài. Thần có đức hạnh là căn bản của trời đất. Muôn vật lấy dưỡng dục là trước hết, trời đất lấy sự thanh tĩnh là trước hết. Bởi vậy, bậc quân tử bảo dưỡng hình thể của chính mình, yêu tiếc tinh thần của chính mình, kính trọng nhân sinh, coi trọng sinh mạng. Không làm hình thể quá mệt nhọc. Không liều lĩnh làm rối loạn tinh thần. (Chu Thủ Trung)

Sinh là gốc của Thần, Hình là công cụ của Thần

Được bẩm thừa linh tính bởi chân khí nuôi nấng, con người là vật quý báu nhất trên đời. Thứ quý báu của người là sinh mạng. Sinh mạnh là căn bản (gốc) của thần, hình thể là khí cụ của thần. Tinh thần hao phí quá độ thì suy kiệt, hình thể mệt nhọc quá độ thì tử vong. Nếu làm cho tâm trí bình tĩnh thanh tịnh vô vi, sau giờ Tý lặng đón nguyên khí, thường thường ở phòng rộng làm phép đạo dẫn (rung lắc), bảo dưỡng tinh thần không để hao mòn, đồng thời dùng các thuốc hay về dưỡng sinh, thì có thể sống lâu trăm tuổi. Đó là chuyện rất bình thường. (Đào Hoằng Cảnh)[8]

Hình và thần thân nhau. Trong với ngoài đều thông suốt

Trong thời vua Thang nhà Thương, mùa màng gặp đại hạn, ruộng lúc nào được tưới nước một lần, tuy không tránh được héo khô, nhưng sẽ khô sau cùng. Nhưng có người nói, ở đời giận bực một lần, không đủ hao tổn sinh mạng, thương đau một lần, không đủ nguy hại đến thân thể, nên buông thả mặc sức, chả khác nào để cả cánh đồng khô hạn mà mong lúa tốt. Bởi thế, bậc quân tử hiểu được hình thể dựa vào tinh thần mà tồn tại, tinh thần cần giúp đỡ hình thể mà tồn tại, hiểu được chỉ một lần lầm lỗi cũng có thể tổn hại tới sinh mạng. Vì vậy rèn luyện tính tình để bảo dưỡng tinh thần, yên định tâm trí để làm khỏe thể phách. Không để yêu ghét lo buồn vương vấn trong tình cảm ý niệm, điềm tĩnh đạm bạc, không chút động tâm. Do đó, thân thể khỏe mạnh, khí huyết điều hòa, lại kiên trì tập luyện các phép hô hấp, thổ nạp dùng các thứ thuốc dưỡng sinh, làm cho hình thể và tinh thần kết hợp chặt chẽ, trong ngoài điều hòa giúp đỡ lẫn nhau. (Kê Khang)[9]

4. HÌNH THỂ VÀ THỌ YỂU

Hoàng đế hỏi:

– Người ta lúc tuổi già không sinh con đẻ cái, là do tinh lực suy kiệt, hay do số trời (quy luật tự nhiên)?

Kỳ Bá thưa:

– Con gái khi 7 tuổi, thận khí thịnh lên, thay răng sữa, tóc đầu mọc tốt. 14 tuổi có kinh nguyệt, mạch Nhâm thông, mạch Thái Xung vượng, kinh nguyệt hàng tháng có theo định kỳ, do đó, có khả năng sinh con. 21 tuổi, thận khí dồi dào, răng thực mọc đầy đủ. 28 tuổi gân xương mạnh mẽ, là lúc tóc dài nhất. Lúc này thân thể hết sức mạnh khỏe. 35 tuổi, mạch Kinh Dương minh, khí huyết dần dần suy giảm, da mặt bắt đầu tiều tuỵ, tóc đầu bắt đầu rụng. 42 tuổi, kinh mạch Tam Dương khí huyết suy nhược, mặt mũi khô sạm, đầu tóc đốm trắng. 49 tuổi, mạch Nhâm khí huyết suy nhược, khí huyết mạch Thái Xung cũng kém đi, nước kinh (thiên quý)[10] khô kiệt, không có kinh nguyệt. Vì vậy, hình thể già nua, mất khả năng sinh dục.

Con trai khi lên 8 tuổi, thận khí đầy đủ, tóc bắt đầu tốt, răng sữa thay. 16 tuổi, thận khí cường thịnh, thiên quý xuất hiện, tinh khí dồi dào tiết ra ngoài, giao hợp với phụ nữ, có khả năng sinh con đẻ cái. 24 tuổi, thận khí dồi dào, gân cốt cường tráng cực kỳ, da thịt chắc nịch. 40 tuổi, thận khí suy thoái, tóc bắt đầu rụng, răng khô. 48 tuổi, dương khí phía trên dần dần suy nhược, mặt mũi tiều tuỵ, tóc râu đốm bạc. 56 tuổi, can khí suy nhược, hoạt động của gân kém linh hoạt. 64 tuổi, tinh dịch khô ít, thận tạng suy, răng bắt đầu rụng, hình thể mệt mỏi. Thận chủ về “Thuỷ” tiếp thụ các tạng, phủ khác mà dự trữ. Vì vậy ngũ tạng có thịnh vượng, thì thận mới tiết được tinh khí ra ngoài.

Hoàng đế hỏi:

– Những người biết cách dưỡng sinh sống lâu 100 tuổi, còn có thể đẻ con được không?

– Có thể được

(Hoàng đế – Nội Kinh – Tố Vân)[11]

Không cùng giống loại, không cùng tuổi thọ.

Bản tính của hình khí là tự nhiên. Hình là mùa xuân, khí là mùa hạ. Con người nhờ vào khí tốt mà sống lâu, hình theo khí mà hoạt động. Về hình thể mà nói, khí không một loại; tuổi thọ của trâu, chỉ bằng một nửa ngựa; tuổi thọ của ngựa chỉ bằng một nửa con người. Vì trâu ngựa không giống người. Với hình thể của trâu ngựa, thì có tuổi thọ của trâu ngựa. Trâu ngựa không thể biến thành người, mà tuổi thọ nhất định không dài bằng người. (Vương Sung – Luận Hành)[12]

Hình khí thọ yểu

Hoàng đế hỏi Báo Cao rằng:

– Ta nghe nói Hình có chậm nhanh, Khí có thịnh suy, Xương có lớn nhỏ, Thịt có rắn mềm, Da có dầy mỏng, như vậy chúng có quan hệ với tuổi thọ của con người thế nào?

Bá Cao đáp:

– Hình với Khí mà trong ngoài tương xứng thì sống lâu. Hình với Khí không tương xúng thì dễ yểu vong. Da với Thịt ngang nhau thì sống lâu, không ngang nhau thì yểu vong. Huyết khí, kinh lạc hơn hẳn hình thể thì sống lâu.

Hoàng đế hỏi:

– Vì sao ngoại hình có chậm mau?

Trả lời:

– Hình thể đầy đặn, da dẻ mềm mịn thì sống lâu. Hình thể đầy đặn mà da căng nhăn thì dễ yểu vong … đó đều là sự tạo thành “Tiên Thiên” thể chất có sự phân biệt: kiên cường và suy nhược; thọ mạnh cũng có sự khác nhau dài ngắn.

– Sự tương xứng hay không tương xứng giữa hình thể và khí mạch, sao lại quyết định được sự thọ yểu của sinh mạng.

Bá Cao đáp:

– Thọ yểu của con người, lấy khí làm chủ. Người bình thường nếu khí đầy đủ, thần trọn vẹn hơn hẳn hình thể thì sống lâu. Nhưng nếu có bệnh thì máu thịt mất đi, dẫn tới yểu vong. Có khi da thịt chưa gầy mòn, nhưng khí và thần yếu suy, cũng khó trường thọ.

Khí và thọ

Bẩm sinh có khí đầy đủ thì thân thể cường tráng, thân thể khỏe mạnh thì tuổi thọ lâu dài và ngược lại, người đoản mạng vì nhiều bệnh.

Trẻ em sơ sinh, tiếng khóc to vang thì sẽ trường thọ, tiếng khóc nghe yếu sẽ không thọ. Mạng người thọ dài hay ngắn, là do nguyên khí nhiều hay ít. Phụ nữ sinh nở ít thì con cái dễ nuôi, và ngược lại. Vì sao? Vì ít sinh nở, thì con cái đầy đủ bẩm khí, do đó thân thể khỏe mạnh. Sinh nở nhiều, con cái bẩm khí bạc nhược, nên thân thể cũng suy nhược.

Ở đây muốn nhấn mạnh sự liên quan mật thiết giữa tuổi thọ và di truyền, hơn nữa lại chỉ rõ đàn bà ít sinh đẻ thì có lợi cho tuổi thọ của con cái, và chú ý tới tâm tư tình cảm của người phụ nữ đang có thai, bởi sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Đây là những lý luận của thuyết “ưu sinh”.

Đời vui thái bình, nhiều người sống lâu

Có người nói: Khi thiên hạ thái bình, con người cao lớn, tuổi thọ trên dưới 100. Đó là kết quả do khí huyết con người phát triển hòa bình. Khí huyết con người hoà bình có thể coi như tượng trưng cho quốc gia ổn định hòa bình, vì vậy khi đất nước thái bình thì nhiều người sống lâu. Cũng như hoa cỏ, thường tới mùa thu thì khô héo, đó là chu kỳ sinh mạnh thông thường của hoa cỏ. Thứ nào tới mùa thu không chết, cũng giống như con người sống tới 100 tuổi hoặc 300 tuổi.

Tuổi thọ và nhân tố xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Thái bình thịnh thế, nhân dân an cư lạc nghiệp, điều đó đảm bảo cho tuổi thọ dài lâu. (Vương Sung – Luận Hành)

Xem tướng

Về cách xem tướng, có người căn cứ vào bộ mặt, hoặc ở chân tay, hoặc cử chỉ, hoặc ở nói cười. Bộ mặt cần rộng, nở, sáng sủa, chân tay cần dài, thẳng, tế nhị, đi bước cần vững chắc, nói cười cần ấm áp, thanh, gọn. Ngũ quan đầu, mặt, chân tay tứ chi, hình dáng xương vóc, toàn bộ cần đều đặn cân xứng. Đó là những điểm chủ yếu của phép xem tướng. (Vương Phù – Tiềm Phu luận)

Nhìn sắc mặt có thể hiểu được hư thực, nặng nhẹ của căn bệnh

Mặt người cũng giống như cổng lớn của căn nhà. Khi sắp vào nhà, trước nhìn cổng lớn. Người gặp người, trước hết nhìn bộ mặt. Do đó căn cứ vào cảnh tượng của cổng lớn, có thể biết được nhà đó sang hèn, nghèo giàu. Nhìn sắc mặt, có thể hiểu được sự hư thực, nặng nhẹ của căn bệnh, cũng theo lô gích này. Mặt có các bộ phận, có liên quan tới năm tạng. Trán là thiên đình, thuộc “tâm”. Cằm là địa các, thuộc “thận”. Nửa má trái thuộc “gan”, nửa má phải thuộc “phổi”. Mũi ở giữa, thuộc “tỳ” (lá lách). Nhìn sắc mặt có thể biết được bệnh tật ở tạng nào.

Tuy vậy, năm sắc chỉ có thể căn cứ ở Minh Đường để phán đoán sự tiến triển của bệnh. Minh Đường là mũi. Mũi có màu xanh đen là đau, màu đỏ vàng là bệnh loại nhiệt, màu trắng là bệnh loại hàn. (Thẩm Kim Ngao – Thẩm thị tôn sinh thư)

Ngũ quan vuông lớn là trường thọ

Minh Đường là mũi, cửa là vị trí giữa hai lông mày, sân là đầu trán, dậu là bên ngoài má, nơi ngăn cách là vị trí trước lỗ tai. Những điểm đó cần đầy đặn, ngay thẳng, rộng lớn, ngoài mười bước mà vẫn nhìn thấy rõ ràng, những người như thế sẽ sống lâu trăm tuổi. (Hoàng đế – Nội Kinh)

Tướng sống lâu

Sống mũi cao đầy đặn mà không gẫy; ấn tượng sáng sủa như gương; tai dầy mà chắc, trong tai có lông tơ, hai tai đỏ trắng; lông màu dài quá mắt, lông mày có sợi bạc; dưới cổ có ngấn; nhân trung rõ ràng, dài mà không che mất răng; “pháp lệnh” dài tới “thừa tương” (một rãnh từ gò má xuống tới cằm dưới); địa các cao đầy; trước ngực đầy đặn mịn màng; hình như hình rùa; gầy mà không lộ xương; béo mà không lộ thịt; thần sắc thanh sáng; thanh âm tròn trong. Những điều kể trên là tướng sống lâu.

Xương là dương, thịt là âm. Xương không nên nhô gồ. Da mặt đừng mỏng dính và nhăn nheo. Nhân trung ngắn ngủi tối tăm; hoặc nông, hẹp mà lệch; hoặc ngắn lộ răng; môi vênh lên, môi trên hớt mà dày; pháp lệnh không rõ, tai dài mà mỏng, lộ con ngươi, thần khí hôn ám; người béo cổ ngắn, mắt có mạch đỏ, xương to nhô lên, người béo chợt gầy, người gầy chợt béo, sắc mặt như cát bụi, mắt lờ đờ, thần sắc như kẻ say, thanh âm vỡ vụn, mắt vàng chạy mạch đỏ lộ con ngươi; long mày nhọn như đinh; mỗi bên một kiểu. Đàn ông kỵ tướng người đàn bà, mặt mỏng trắng quá. Đàn bà kỵ mặt như mỡ dê, mắt lồi to. Đó đều là loại tướng yểu. (Chu Quyền – Thọ Yểu Thần Phương)[13].

Tự nhiên đạo trời, tự mình đạo người

Những nhà theo thuật Dưỡng sinh nói rằng: người trong thiên hạ, đều phải thuận theo quy luật tự nhiên của trời đất. Nhưng nên nhớ rằng, trong quy luật tự nhiên thì cái đạo người phải nắm vững điều tự mình.

Đại Hữu Kinh chép: có người ngỡ rằng thoạt tiên cùng khởi đầu ở bên ngoài, sau đó chịu khí ở âm dương, chở hình phách ở trời đất, nhờ sinh trưởng ở ăn uống, hít thở; tại sao lại có ngu có khôn, có mạnh có yếu, có yểu có thọ. Đó là do trời định sẵn hay do người tạo nên?

Người rành hiểu trả lời: sự ngu ngốc hay thông minh là do trời phú cho, còn thể chất khỏe yếu, tuổi thọ ngắn dài, thì do người tạo nên. Quy luật của thiên nhiên là khách quan, còn con đường của người thì do mình hoạt động. Khi mới sinh thai nhi đầy chắc, giai đoạn trưởng thành nhờ chuyện bú mớm   đầy đủ, sau lúc khôn lớn, không cần sử dụng quá mức thức ăn vị béo. Tới độ trưởng thành, cần tiết chế đối với sắc dục, lại biết cách luyện tập thể dục, phòng chữa ốm đau thì có thể cường kiện trường thọ. (Đào Hoàng Cảnh – Dưỡng Sinh Diên Mạnh)

Tâm hùng chí mạnh

Rùa thần tuy thọ

Cũng có lúc thôi

Rồng thiêng cưỡi ráng

Tro bụi – có thời

Ngựa già nằm lán

Chí vẫn xa xôi

Tráng sĩ cao tuổi

Lòng hùng ngời ngời

Ngắn dài năm tháng

Đâu chỉ do trời

Chăm vui phúc đạo

Giữ được lâu dài

May thay chí lớn

Hát ca yêu đời”.

(Tào Tháo – Bộ xuất Hạ môn hành)[14]

 

 

5. PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH

Rèn luyện khi không có bệnh

So với có bệnh rồi mới chữa trị, không bằng chú ý dưỡng sinh từ khi chưa có bệnh. Khi chưa có bệnh mà biết dự phòng, đó mới chính là hiểu rõ được đạo lý bảo dưỡng thân thể. Nếu được được như vậy, đó là luyện cách dự phòng từ trước, thì có gì mà lo ngại. Đấy là ý thức của các thánh nhân: phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Tôi từng nói tới chuyện phải chuẩn bị sẵn đất đá, để phòng ngừa lũ lụt, nếu không dùng những đất đá ấy để dần dần lấp ngăn dòng chảy nhỏ trước đi, mà tới khi lụt dâng ngang trời thì không sao ngăn chặn nổi. Chứa sẵn nước để dập tắt những đốm lửa nhỏ li ti trước đi, nếu để tới lúc lửa bốc ngút trời thì không thể dập tắt được. Lụt lớn cũng như cháy to, còn không thể khống chế được nữa, nói gì đến việc chữa bệnh? (Chu Chấn Hưng – Đan Khê Tâm Pháp)[15]

Sớm biết dự phòng coi trọng tích luỹ

Người coi trọng việc tích đức, trước hết là có sự tích luỹ, lại biết sẻn so để bảo vệ giữ gìn, thì lại càng tăng thêm vốn tích luỹ. Ví như người tu dưỡng, ngay từ khi thân thể chưa có sự hao tổn mà lại biết tiết chế các thứ tiêu hao để tăng cường bảo dưỡng. Như vậy là sớm biết dự phòng, đồng thời lại coi trọng tích luỹ. Nếu như đợi tới lúc thân thể gặp phải chuyện tổn hại, rồi sau mới chữa trị điều dưỡng, thì thông qua sự điều dưỡng chỉ mới có thể bù đắp được sự hao tổn khi trước, mà không thể gọi là coi trọng tích luỹ. Vì vậy, sớm biết dự phòng, gìn giữ là rất quan trọng. Kịp thời dự phòng từ trước là nói về việc phải biết dè sẻn giữ gìn từ khi thân thể con khỏe mạnh. (Chu Hi – Chu Tử Ngũ Loại)[16]

 

Đừng làm khổ tâm, mệt hình

Bài phú “Tiếng Thu” có câu: Tại sao lại cứ băn khoăn suy nghĩ những việc mà sức không làm nổi, lo lắng những điều mà trí khôn không đạt được, má hồng rồi hóa khô héo, tóc đen rồi đốm bạc, đều là chuyện không có gì đáng lạ. Phải chăng đó là cái bệnh chung của kẻ đọc sách ư?

Lại có câu: “Trăm ngàn lo âu làm khổ cái tâm, thân thể bị muôn việc làm mệt nhọc”. Trăm thứ băn khoăn rối động con tim, nhất định sẽ làm hư hao tinh khí. Người ta thường bị lo lắng dày vò, mà người trẻ phút chốc hóa thành già, người già thì đi tới chỗ suy kiệt. Chỉ có làm khác lại mới có phép trường sinh. (Vưu Thặng – Thọ thế thanh  biện).

Ngày ngày có sinh trưởng, giờ giờ có huỷ diệt

Tóc vốn đen, tại sao hóa trắng? Răng vốn dầy, tại sao hóa thưa? Mắt vốn sáng, tại sao hóa mờ? Tai vốn rõ, tại sao nghễnh ngãng? Tay vốn nhẹ, tại sao mệt mỏi? Chân vốn bước, tại sao hóa chùn? Vai vốn vác được nặng, tại sao rã rời? Thân vốn năng nổ, tại sao ốm yếu? Má vốn hồng, tại sao nhăn nheo? Những thứ đó xét cho kỹ có thể thấy rõ cái ý: mọi thứ sinh mệnh đều có huỷ diệt. Nếu người ta hiểu thấu đáo được quá trình tại sao sinh mệnh tới chỗ tử vong, thì người ta cũng có thể hiểu được cách làm sao cho huỷ diệt lại sinh tồn. Hình thể con người, hàng ngày đều có tế bào mới sinh ra, nhưng người ta lại không biết quý trọng những thứ mới sinh ra ấy. Hàng giờ hàng phút, đều có tế bào huỷ diệt, nhưng người ta lại không biết cách cứu vãn chúng. Nếu người ta sớm biết bảo vệ dự phòng, coi trọng tích luỹ thì không thế. (Trần Kế Nho – Dưỡng sinh phú ngữ)[17]

Đừng vì hại nhỏ mà không ngừa. Đừng vì lợi nhỏ mà không làm

Người ta nói chung, chẳng biết thế nào là bổ ích, thế nào là tổn hại. Cái tổn hại thì dễ biết và mau đến, điều bổ ích thì khó nhận và chậm lại. Thành ra, đến cái dễ còn không hiểu, thì sao có thể tỏ tường được sự khó khăn?

Sự tổn hại ví như đèn bấc cháy dầu, chẳng ai nhận thấy dầu từ từ hết, nhưng rồi lại đột nhiên phát hiện nó đã cạn sạch từ bao giờ. Sự ích lợi ví như mầm lúa manh nha, chẳng ai thấy nhú lên, nhưng rồi chợt thấy nó tươi tốt.

Vì vậy, trị thân dưỡng tính, cốt trọng chi tiết, không thể vì lợi nhỏ mà chê bỏ không làm, không thể vì hại nhỏ không đau mà không ngừa. Tích ít thành nhiều, hại một sẽ dẫn đến hại muôn vàn. Nếu yêu mến cái bé nhỏ, thành đạt nhiều lớn lao, đó là người biết cách dưỡng sinh đúng đắn. (Cát Hồng – Bác phác tử)

Dưỡng thọ là đầu, trừ bệnh phải gấp

Kinh Thư nói: “Mạng mình do mình, không phải tại trời. Không biết dưỡng sinh thì yểu thọ, thấu hiểu giữ thân thì sống lâu”.

Vì thế, người ta sinh ra, tinh thần nương nhờ hình thể, hình thể trông cậy sinh khí. Sinh khí tồn tại thì thân thể khỏe mạnh, sinh khí hao kiệt thì sức người tàn tạ. Hình và khí nương tựa vào nhau. Nếu làm cho hình không chỗ dựa, thần chẳng có chủ thì dẫn đến tử vong. Như thế mà gọi biết giữ mạng hay sao? (Cao Liêm – Đạo sinh nhập tiên)

Thận trọng với hiểm nguy chưa lộ mầm

Những người chỉ làm theo ý mình, ăn uống quá độ sẽ sinh trăm bệnh; hiếu sắc dâm dật sẽ kiệt tinh lực; phong hàn tà khí sẽ trúng muôn độc. Sinh mệnh sẽ đứt đoạn giữa đường. Người đời chẳng mấy ai không vui cười, buồn thảm. Ấy là không biết cách dưỡng sinh, gây ra dưỡng sinh trái quy luật, làm cho triệu chứng suy nhược không lộ ra. Rồi lâu ngày tích nhỏ thành lớn, suy nhược nhẹ đến suy nhược nặng, suy nhược nặng đến tàn tạ, già yếu rồi tử vong; cứ u u minh minh không hiểu nguyên nhân tại sao.

Kẻ tài trí trung bình trở xuống thì cho là hiện tượng tự nhiên. Dù có hiểu ra thì cũng chỉ thở than hối hận, tuy đã mang bệnh, mà không hề biết khi bệnh chưa có triệu chứng đã cần phải dự phòng các mối nguy cơ. Như Tề Hoàn hầu khi bệnh nguy kịch lại tức giận vì sự tiên đoàn sáng suốt của Biển Thước, chỉ một mực cho rằng khi cảm thấy đau đớn mới là bắt đầu của bệnh tật. Bệnh khi đã nảy mầm hiện tật thì chữa trị chả còn chút công hiệu nào. Sống trên đời bôn ba này, thành ra tuổi thọ người nào cũng có hạn cả thôi. Ai cũng lấy số đông làm chỗ dựa cho mình, lấy sự thọ yểu của người đời làm sự an ủi, coi đó là lẽ trời, tất cả đều thế hết.

Nghe việc dưỡng sinh thì cứ suy đoán cá nhân, sau lại do dự, có phần ưa thích nhưng không hiểu về nó. Rồi gắng sức uống thuốc, lâu lâu không thấy hiệu nghiệm thì chán chường bỏ bê. Hoặc thấy lợi vào nhỏ giọt, hại ra ào ào, thì chỉ mong công hiệu cho nhanh. Hoặc có người gắng nén dục tình, mắt nhắm răng xiết; nhưng vị ngon lành, màu sắc dục cứ vẩn vơ trước mắt, mà công hiệu của dưỡng sinh thì phải mấy chục năm sau mới rõ; lòng cứ lo cả hai đều bỏ lỡ, do dự không biết làm sao, tư tưởng mâu thuẫn giao tranh, vật dục cứ mời gọi bên ngoài. Ham muốn hưởng thụ và công hiệu dưỡng sinh bài xích lẫn nhau, rốt cuộc có thực hiện dưỡng sinh cũng thất bại mà thôi.

Phàm các sự vật tinh tế thì chỉ có thể cảm nhận mà khó nhìn thấy được. Ví như cây Dự, cây Chương[18] mới trồng làm sao phân biệt được? Chỉ sau 7 năm, chúng mới khác biệt nhau. Nay đem lòng nóng vội cầu nơi thanh tĩnh, ý muốn mau mà việc nó chậm, muốn được ngay mà làm còn xa, thành ra dưỡng sinh chẳng giữ được kiên trì trọn vẹn.

Người đời thấy chưa công hiệu thì chưa đi sâu, người tìm hiểu thì chẳng chuyên tâm soi xét, người cố chấp thì không toàn diện, người ham kỹ xảo thì lạc lối tà. Những loại ấy, có muốn dưỡng sinh trường thọ thì vạn người cũng chẳng được lấy một. (Kê Khang – Dưỡng sinh luận)

Muốn đi muôn dặm, bắt đầu bước chân

Khi yên ổn thì dễ vững vàng, lúc mầm chưa nẩy thì dễ mưu toan. Khi yếu đuối thì dễ tiêu trừ, điều tinh tế lại dễ tản mác. Cho nên, cần dự phòng khi chưa có gì xảy ra, phải chỉnh đốn lúc chưa phát loạn. Cây to nhiều vòng ôm, sinh từ cái mầm bé xíu. Đài cao chín tầng, dựng bởi đất đá vụn vặt. Muốn đi muôn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân. (Lão Tử – Đạo Đức kinh)

6. DƯỠNG SINH TOÀN HÌNH

Dưỡng sinh trước là dưỡng hình

Kẻ không hiểu đạo dưỡng hình, nếu không từ tình ý làm tổn thương phủ tạng, thì cũng từ vất vả mà làm hại gân cốt. Nội hình tổn thương thì thần khí tiêu ma, ngoại hình tổn thương thì chân tay tàn phế, thậm chí cơ bắp teo tóp, trông hình thể biết ngay.

Người giỏi phép dưỡng sinh, chẳng lẽ trước hết không dưỡng hình để làm nơi trú ngụ cho tâm linh hay sao? Người khéo trị bênh, chẳng lẽ trước tiên chẳng điều chỉnh thể hình để khôi phục nền tảng hay sao? (Trương Giới Tân – Cảnh Nhạc toàn thư – Trị hình luận)[19]

Dưỡng tinh huyết

Phép dưỡng hình, không riêng mặt nào. Trong quan hệ âm dương, lấy âm mà nói, thì chỉ cần 2 chữ Tinh – Huyết. Cho nên, muốn trừ bệnh tà, không bắt đầu từ tinh huyết thì không thể thuận lợi thành công được. Muốn củng cố thần khí, không bắt đầu từ đó thì không thể tích luỹ tinh huyết để bồi dưỡng cơ thể được. Trong nước có chân khí, trong lửa có chân dịch, không bắt đầu từ tinh huyết thì sao có thể khiến nó lên xuống được.

Tỳ là căn bản của ngũ tạng, thận là nguồn mạch của ngũ tạng, không bắt đầu từ tinh huyết thì không thể khiến tinh khí thấm nhuần toàn thân được.

Như thế, tinh huyết chính là hình đó, mà hình cũng là tinh huyết vậy. Trời sinh nước trước nhất, nước là tổ tiên của hình. Cho nên muốn trị bệnh, ắt phải coi hình thể là chủ. Muốn dưỡng hình, ắt phải coi tinh huyết là tối cao. (Trương Giới Tân – Cảnh Nhạc toàn thư).

Điều hòa âm dương

Âm dương là quy luật trong trời đất, là kỷ cương của muôn vật, là cha mẹ của biến hoá, là đầu mối của sinh diệt, là tụ hội của thần minh; chữa trị tật bệnh, đều ắt phải bắt đầu từ cội rễ đó. (Hoàng đế nội kinh)

Điều hòa trong ngoài

Âm là chứa đựng tinh khí ở bên trong, không ngừng bổ trợ cho dương. Dương là bảo hộ bên ngoài khiến da dẻ săn chắc. Nếu âm không vượt dương, huyết mạch lưu thông trì trệ, càng thêm bức bối. Nếu dương không vượt âm, tinh khí trong ngũ tạng tranh giành, chín khiếu chẳng thông.

Cho nên, người giỏi điều hòa âm dương khiến gân mạch tương hợp, xương cốt rắn chắc, khí huyết thông thuận. Cũng như vậy, sẽ khiến trong ngoài điều hòa, tà khí không thể xâm hại, tai mắt tinh thông sáng láng, tinh khí chuyển vận như thường. (Hoàng đế nội kinh)

Gốc vững lá rợp, nguồn sâu mạch dài

Dưỡng sinh mạng chính là bảo dưỡng năm tạng. Năm tạng là gốc rễ, gốc rễ vững chắc, cành lá tự nhiên xum xuê.

Dưỡng hình chính là bảo dưỡng năm khí. Năm khí là nguồn cội, nguồn cội sâu xa, mạch chảy tự nhiên lâu dài. (Thi Kiên Ngô – Tây Sơn quần tiên hội chân ký)

Ngũ tạng

5 tạng là sức mạnh của cơ thể. Đầu là địa vị của tinh thần sáng láng, đầu lệch thì mắt nhìn khuyết hãm, tinh thần tan rã. Lưng là địa vị của trái tim, lưng gù vai xuôi thì trái tim thương tổn. Vòng eo là địa vị của thận, không uyển chuyển thì thận suy kiệt. Khớp là địa vị của gân, co duỗi không được, đi lại phải khom lưng cúi đầu, ấy là gân sắp xuống sức. Xương là địa vị của tuỷ, nếu đứng không được lâu, đi thì rung chuyển, ấy là xương sắp lão hóa rồi. Mạnh khỏe thì sống, yếu đuối thì chết. (Hoàng đế nội kinh)

5 tổn hại ngũ tạng

5 tạng bao gồm: Tâm tạng chứa thần, phế tạng gồm phách, can tạng gồm hồn, tỳ tạng gồm ý, thận tạng gồm chí.

Chủ của 5 tạng: Tâm chủ về mạch, phế chủ về da, can chủ về gân, tỳ chủ về cơ, thận chủ về xương. Gọi là 5 chủ.

5 hại các tạng: nhìn lâu hại máu, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại cơ, đứng lâu hại xương, đi lâu hại gân. Gọi là 5 hại.

5 nước dịch

Dung dịch của 5 tạng: ở tâm là mồ hôi, ở phế là nước mũi, ở can là nước mắt, ở tỳ là nước dãi, ở thận là nước bọt. (Hoàng đế nội kinh)

Mười một tạng quyết định bởi gan

Tâm là gốc của sự sống, là nơi ở của thần, phồn vinh biểu hiện ra bề mặt, hưng thịnh bày tỏ trong huyết mạch; là thái dương giữa dương, thông với khí mùa hạ.

Phế là gốc của khí, là nơi ở của phách, phồn vinh ở các sợi lông, hưng thịnh bày tỏ ra làn da, là thái âm giữa dương, thông với khí mùa thu.

Thận là gốc của đóng kín, là nơi ở của tinh, phồn vinh biểu hiện ở tóc, hưng thịnh bày tỏ trong xương, là thiếu âm trong âm, thông với khí mùa đông.

Can là nơi ở của hồn, phồn vinh thể hiện ra móng tay chân, hưng thịnh bày tỏ ra gân, sinh dưỡng huyết khí, vị chua, sắc xanh, là thiếu dương trong dương, thông với khí mùa xuân.

Tỳ, vị, đại tràng, tiểu tràng, tam tiêu, bàng quang, tất cả là gốc của kho chứa, tên gọi là khí, có thể chuyển hóa cám bã, năm vị và hấp thu, bài tiết. Sự phồn vinh thể hiện ở 4 góc thịt trắng quanh 4 phía của đôi môi, sự hưng thịnh bày tỏ ở cơ bắp, vị ngọt, sắc vàng, lại loại cực âm, thông với khí thở (trung tâm).

Cả 11 tạng này, đều quyết định bởi gan. (Hoàng đế nội kinh)

Tâm tạng

Hình như nhuỵ sen chưa nở, trong có 7 lỗ. Vị trí ở đốt thứ năm xương sống. Các tạng đều phụ thuộc vào tâm. Tâm thuộc hỏa, vượng vào mùa hạ tháng 4,5 sắc chủ màu đỏ. Vị đắng nhập tâm. Bên ngoài thông với lưỡi. Ra nước dịch là mồ hôi. Trong 7 tình chủ về lo, vui; trên thân chủ về huyết, mạch. Tâm chứa thần, tâm ghét nhiệt. Người sắc mặt đỏ là tâm nóng. Người thích ăn đắng là tâm hao hụt. Người thấp thỏm hay là tâm rỗng.

Tâm có bệnh thì lưỡi rộp đắng, họng khô; không phân biệt được 5 vị, vô cớ nóng nảy, miệng lở có mùi hôi, lòng bàn tay bàn chân nóng rực. (Từ Văn Bật – Thọ thế truyền chân).

Phế tạng

Hình như chiếc khánh treo, sáu lá hai tai, cộng lại là 8 lá, trên có khí quản thông với cổ họng. Vị trí ở trên cùng, vào đốt thứ 3 của xương sống, là chiếc mũ xe của 5 tạng. Phế thuộc kim, vượng vào mùa thu tháng 7,8, sắc chủ màu trắng. Vị cay nhập phế, bên ngoài thông với mũi. Ra nước dịch là nước mũi. Trong 7 tình chủ về mừng, trên thân thể chủ về lông, da. Phế thống trị khí, chứa đựng phách, kỵ với lạnh. Người sắc mặt trắng bệch như không có máu là phế khô. Gò má phải đỏ ửng là phế nhiệt. Hơi thở ngắn là phế hư. Lưng ngực sợ lạnh là phế có khí tà. Phế có bệnh, khi ho khí chạy ngược, mũi tắc không phân biệt được mùi, nước mũi chảy nhiều, mặt da khô ngứa. (Từ Văn Bật – Thọ thế truyền chân)

Phế là mui xe của 5 tạng

Phế là nơi ra âm thanh, là nơi mà da dẻ nhờ đó để được mịn màng. Người ta trong đau 7 tình[20], ngoài cảm 6 dâm[21], hít thở ra vào không định, thành ra khí kim phế thông trong.

Muốn kim được trong, trước phải điều hòa hơi thở. Hơi thở điều hòa thì bệnh không sinh, mà tâm hỏa tự tĩnh. Một là tâm được yên; hai là thân thư thái; ba là muốn khí ra vào toàn bộ lỗ chân lông thông suốt không trở ngại, thì cái tâm phải tinh tế, hít thở chậm rãi, đó gọi là hơi thở chân bản.

Nói chung, hơi thở khởi từ tâm, tâm tĩnh khí hòa, hít thở về gốc, đó là mẹ của kim đan. Tâm ấn kinh chép: “Gió chuyển vòng quanh, trăm ngày thông linh”. Nội kinh dạy: “Mùa thu tháng thứ 3, thời tiết dung hòa, khí trời cao rộng, khí đất sáng trong, nằm sớm dậy sớm, hứng theo tiếng gà, khiến mình yên tĩnh, giải toả trở ngại mùa thu, thu lấy thần khí, khiến” khí thu bình ổn.

Chớ để ý vượt ra ngoài, để khí của phế trong trẻo. Làm trái lại sẽ tổn thương phế.

Nếu không có bầu dục dê thì thay bằng thịt lưng heo, nấu lấy làm trợ cho thuốc bổ.

Trời thu nên giữ chân ấm đầu mát, để thu gồm khí trong trẻo vào thân thể.

Mật pháp chép: đi đứng nằm ngồi nên ngậm miệng, hít thở điều hoà nên yên tịnh âm thanh, nước bọt trong miệng là chất quý nên nuốt nhiều làm nhuận phế, khiến hỏa tà lắng giảm, khí của phế trong trẻo. (Dương Kế Châu – Châm cứu đại thành).

Phế là khí quan hô hấp

Phế là cán cân của hô hấp, vị trí tối cao, tiếp thu thanh khí phía trên tạng phủ, vốn rất trong sạch, tính chủ về sự lên xuống của khí. Phế không chịu nổi tà khí xâm phạm, khí của 6 dâm chỉ cần một sớm xâm phạm là gây bệnh ngay. Tính phế kỵ hàn, ghét nhiệt, ghét khô, ghét ẩm, sợ nhất là gió và lửa. Bị tà khí xâm phạm, lập tức phế bị mất ngay sự trong sạch và công năng điều hòa khí lên xuống, và đóng kín lại không thống thuận. (Diệp Quế – Lâm chứng chỉ nam y án).

Dưỡng phế

Phế đứng đầu 5 tạng, là lọng che của tâm. Phế chứa phách, chủ về khí, thống lãnh khí toàn thân. Y kinh nói: có những điều thất vọng, như cầu mà không được thì kêu lên ai oán, phế phát ra tiếng thì phế nhiệt, lá phổi khô. Khí trong phế sung túc mới chịu được nóng lạnh. Khí trong phế bị tổn thương thì tà dễ xâm phạm, phế dần suy yếu. Vì thế, giận thì khí dâng, mừng thì khí chậm lại, buồn thì khí tổn thương, sợ thì khí nén xuống, hãi thì thí rối loạn, nhọc thì khí hao đi, nhớ thì khí kết lại. Sự nguy hại trong 7 tình đều trực tiếp liên quan với khí.

Bồi dưỡng cho khí, không tổn hại khí, sau này sẽ đạt được khí hạo nhiên. Trời đất vô cùng, khí người với khí thiên địa cùng là một. Quy luật vũ trụ và khí phối hợp cùng nhau, khí người với khí thiên địa thông với nhau.

Bậc thánh xưa vào ngày hạ chí, đông chí ngừng tắm giặt, bảo dưỡng khí tinh tế, nói ít lời, giảm ăn uống, để phòng tiêu hao khí phế. (Vưu Thặng – Thọ thế thanh biện)

Can tạng

Hình như quả cầu treo, có 7 lá, trái 3 phải 4. Vị trí ở vào đốt xương sống thứ 9. Can thuộc mộc, vượng vào mùa xuân tháng 1, 2, sắc chủ về xanh. Trong 7 tình chủ về giận, trên thân thể chủ về gân và móng. Gan thống lãnh máu, chứa đựng hồn, kỵ với gió. Gan có bệnh thì mắt sinh mờ tối, hai góc mắt ngứa đỏ, chảy nước, dưới mắt có màu xanh, gân chuyển động, tối ngủ hay sợ hải, như sắp bị người bắt.

Sắc mặt xanh là gan thịnh vượng. Thích ăn chua là gan không đủ. Hay sợ là gan hư, hay giận là gan đầy. (Từ Văn Bật – Thọ thế truyền chân)

Dưỡng can

Can là nơi ngụ của hồn, khiếu của can ở mắt, vị trí của gan ở chấn, thông với khí xuân. Gan chứa máu, khi giận dữ thì máu theo khí ngược lên, làm đỏ mặt tía tai, gân xanh nổi gió, đau đầu tức ngực; có khi còn thổ ra máu, sức nghe sức nhìn đột nhiên giảm mạnh, đến nỗi chợt mù chợt điếc, có khi giận quá mất mạng.

Gan là bể máu, điều hòa được sự vận hành khí huyết cơ thể có tác dụng rất lớn. Để giữ gìn can khí, phải nghiêm ngặt hạn chế các đầu mối giận dữ, đừng lao lực phiền muộn thái quá, tâm tình nên thư thái, khí huyết điều hòa thì cơ thể tươi nhuận.

Thận tạng

Hình như đầu dao, có 2 lá, một phải một trái. Giữa là Mệnh môn, ở đàn ông chứa tinh, ở phụ nữ là nối với buông trứng. Vị trí ở dưới, vào đốt xương sống thứ 14, trông sang rốn, kề vòng lưng. Thận thuộc thuỷ, vượng vào mùa đông tháng 10, 11, sắc chủ về đen. Vị mặn vào thận. Bên ngoài thông với tai. Ra chất dịch là nước bọt. Trong 7 tình, chủ về ham muôn, trên cơ thể, chủ về xương và răng.

Thận chứa tinh, kỵ khô nóng. Sắc mặt sạm đen là thận suy kiệt. Răng chạm mà đau là thận bị viêm. Mắt nhắm tai ù là thận hư. Con người trong mắt mờ tối là thận vơi. Dương vật không căng được là thận suy. Thận có bệnh thì đau quanh lưng, gối lạnh bàn chân hoặc mỏi, bước đi là sa sẩm mặt mày, người gày giơ xương, lưng bị trúng gió không duỗi thẳng được. (Từ Văn Bật – Thọ thế truyền chân).

Dưỡng thận

Thận là gốc chứa của tự nhiên, là nơi ở của tinh và chí. Sách tiên nói: cửa của tự nhiên là gốc của trời đất. Cho nên con người khi chưa hình thành thân xác, thì tạo hóa đã sẵn sinh 2 thận. Như đứa hài nhi trong bụng mẹ, trước hết là bào thai, trong trống không, có một ống thông dẫn, hình như nhụy sen. Một ống ấy là cuống rốn, nhụy sen chính là 2 thận. Đó là gốc của 5 phủ 6 tạng, là rễ của 12 kinh mạch, là chủ của hô hấp, là nguồn của tam tiêu.

Thận là cội của người, mạng số gửi ở đó, nên gọi là mệnh môn (cửa số mệnh). Thận mạng thuỷ, mà người ta khi ham muốn điều gì là bùng lên như lửa. Nước lửa tương khắc, cơ thể suy là phải. Thuỷ cạn khô không có gì dưỡng mộc nên can mang bệnh, hỏa bốc mà thổ khô thì tỳ bại, tỳ bại thì phế mất nguồn, tự nhiên thành chứng ho.

5 hành bị tổn thương, là gốc lớn bị mất, muốn cầu trường sinh làm sao được.

Trang tử[22] nói: nỗi sợ lớn nhất của người ta là khi nằm trong chăn nệm mà không biết cảnh giới. Cốt yếu của dưỡng sinh, đầu tiên là ít ham muốn. Nguyên khí có hạn, tình dục vô cùng.

Nội kinh chép: lấy rượu làm nước, lấy sai làm thường, say rượu giao hợp sẽ kiệt suy tinh. Điều này nên răn.

Người ta có dục vọng như cây có sâu, sâu nhiều thì cây đổ, ham muốn quá thì thân mất.

Sách tiên dạy: không nhọc thân hình, không động lay tinh, không để tư tưởng rườm rà, thì có thể trường sinh.

Tỳ tạng

Hình như lưỡi liềm, phụ với dạ dày, là hang nước cọ sát trong dạ dày. Tỳ thuộc thổ, vượng vào tháng chạp, sắc chủ về vàng. Vị ngọt vào tỳ. Bên ngoài thông với miệng. Ra chất dịch là nước dãi. Trong thất tình chủ về ưu lo, trên thân thể chủ về cơ bắp. Tỳ chứa chí, kỵ ẩm thấp. Sắc mặt vàng là tỳ yếu. Thích ăn ngọt là tỳ không đủ. Tỳ có bệnh thì miệng nhạt, không muốn ăn, nhiều nước dãi, cơ bắp hao gầy. (Từ Văn Bật – Thọ thế truyền chân).

Dưỡng tỳ

Tỳ là gốc do con người tạo ra, là kho chứa của cơ thể. Tỳ mệnh thổ, mà thổ là mẹ của muôn vật. Như trẻ mới sinh, một ngày không ăn thì đói, 7 ngày không ăn thì ruột, dạ dày cạn kiệt mà chết.

Sách y chép: ăn lúa gạo thì sống, dứt lúa gạo thì chết. Hơi gạo vào dạ dày sẽ ngấm lan 6 phủ, điều hòa 5 tạng, máu được sinh ra, con người nhờ đó mà sống. Nhưng mệnh thổ ghét ẩm thấp, ưa khô, uống không nên quá nhiều, uống quá nhiều thì ẩm thấp thành ra không khỏe. Ăn không nên quá nhiều, ăn quá nhiều thì đầy tắc khó tiêu, từ đó sinh ra bệnh. Ăn uống cũng là dưỡng sinh, tham lam không chán sẽ hại sự sinh sống.

Sách y chép: hơi gạo vượt nguyên khí, thì người béo mà không thọ. Thuật dưỡng sinh, thường khiến hơi gạo ít thì không có bệnh. (Vưu Thặng – Thọ thế thanh biên)

Mắt là tấm gương của cơ thể. Tai là cửa sổ của thân mình

Nhìn nhiều thì gương mờ tối, nghe nhiều thì tai khép lại. Khuôn mặt là khoảng sân của tinh thần, tóc là biểu hiện của não. Tâm buồn thì mặt chau, não giảm thì tóc trắng. Tinh là thần của thể, sáng mắt là của báu của thân, lao lực quá thì tinh tiêu tán, dinh dưỡng cạn thì ánh sáng tiêu huỷ.

Mắt

Tinh khí của 5 phủ 6 tạng biểu hiện trên mắt và bộc lộ sự tinh anh ấy. Tinh khí hiện lên thành mắt, cốt của tinh tuý hiện lên thành con ngươi mắt. Tinh tuý của gân hiện thành tròng đen, tinh tuý của máu hiện thành mạch máu trong mắt, tinh tuý của khí hiện trong lòng trắng, tinh tuý của cơ bắp hiện thành hố mắt.

Con ngươi trong mắt màu đen ứng theo âm, tròng trắng mạch máu trong mắt ứng theo dương. Âm dương hòa hợp thì ánh mắt trong sáng. Mắt là sự hoạt động của tâm. Tâm là nơi trú ngụ của thần. Cho nên tinh thần loạn lạc thì âm dương không thể hòa hợp được. Người ta mà đột nhiên thấy cảnh dị thường, hồn phách tinh thần tán loạn không yên, đó là sự huyễn hoặc. (Hoàng đế nội kinh).

Tinh thần trong 5 tạng dồn vào mắt

Nguyên khí của thân người ra vào ở mắt, tinh hoa trong 5 tạng cũng dồn vào mắt. Cho nên, sách Âm phù kinh viết: “Sự linh hoạt là ở mắt”. Đạo đức kinh dạy: “Không nhìn những gì ham muốn thì tâm không loạn”.

Vì vậy, phép dưỡng nội thân là thường khép mắt, để ánh sáng rọi vào trong mình, níu tâm hỏa tại đan điền, khiến thần khí hòa vào nhau.

Phép dưỡng mắt

Sớm dậy rửa mặt, dùng hai tay vốc nước ấm rửa mắt, nước ấm sẽ tiêu diệt trừ bệnh tận trong mắt. Máu được xoa hơi ấm sẽ thông thuận, mắt mờ máu lưu thông là sáng láng.

Ban ngày làm việc hay xem sách, sức mắt có súc kém, nên dùng nước ấm rửa mát hoặc xông hơi. Đêm đi lạnh về cũng dùng nước ấm, rất có lợi cho mắt.

Suốt ngày phải mở mắt chú ý, nên thỉnh thoảng nhắm vào một lát là có thể dưỡng mắt được rồi.

Hàng đêm, đi từ chỗ tối ra chỗ sáng, hãy đếm tới 81, nhắm mắt tập trung tinh thần mà bước.

Sớm chiều xoa hai tay cho ấm, rồi ấp lên mắt 3 lần.

Buổi hoàng hôn dùng ngón tay cái xoa hai mắt đều để phát ra ánh sáng trong lành.

Nên thường xuyên nhìn vào bình phong sơn đen để tăng sức mắt. Mỗi đên khi đi giải, nên ngửa mặt nở mũi, rất có lợi ích.

Đêm đông đi ngủ, rất nên mở mắt để đưa dẫn khí nóng. Trong khoảng 5 canh, lấy ngón tay nhấm chút nước bọt đêm thoa lên mắt, trừ được nóng đỏ.

Chớ nhìn lâu vào ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Chớ nhìn lâu vào ánh sáng đèn đuốc. Nhìn lâu rất tổn hại cho mắt.

Khi bị mắt đỏ chớ gần đàn bà, nếu vi phạm sẽ bị chướng ngại nội thân. (Chu Lý Tĩnh – Ích linh đơn)[23]

Mắt nhìn lâu sẽ tổn hại máu

Mắt nhờ máu mới nhìn được, nhưng nhìn lâu sẽ làm hại máu, còn có thể làm hại cả mắt nữa.

Nhìn lâu hại máu, máu là chủ can, cho nên xem sách quá mãi mê sẽ có hại can. Can thương tổn thì tự sinh ra nóng bên trong. Khí nóng xông lên sẽ làm mờ tối mắt. (Lâu Anh – Y học cương mục).

Tật mắt

Nói chung khi mắt vừa nhiễm bệnh, dùng nước sạch, nước trà sạch, hoặc dùng băng vải đen thật sạch nhúng nước ấm rửa mắt. Khi vi khuẩn đã làm bẩn nước, lại thay nước khác, cho đến khi nước sạch trong không còn bụi bẩn nữa thì thoi. Làm nhiều lần như vậy, bệnh ở mắt sẽ giảm. Trong nước rửa mát hoàn toàn không dùng thuốc, gọi là nước thiên nhiên.

 

 

Nguyên nhân làm giảm sức nhìn của mắt

Gắng nhìn những vật ở xa, đêm khuya lại đọc loại sách chữ vừa cổ vừa nhỏ, ở lâu trong môi trường đầy khói lửa, đánh cờ mải miết, uống rượu không ngừng, hay ăn đồ nóng, ghi chép nhiều năm, thường điêu khắc tỷ mỉ, giao hợp quá độ, vỡ đầu chảy máy, ruổi gió săn bắn, đều là những nguyên nhân làm mắt mờ dần.

Sáu phép dưỡng mắt

(Phạm) Ninh, tự là Vũ Tử, hồi trẻ tuổi dốc trí vào việc học, thông kim bác cổ. Ninh từng bị chứng đau mắt, tìm đến Trung thư thị lang là Trương Khám (Tạm) tìm thuốc. Trương Khám nhân đó cười vui:

– Dương Lý Tử ở đất Tống hồi trẻ có được phương thuốc chữa mắt, truyền cho Đông Môn Bá ở đất Lỗ. Đông Môn Bá truyền cho Tả Khâu Minh[24]. Các đời sâu lại dần dần truyền thụ cho nhau. Đến Đỗ Tử Hạ, Trịnh Khang Thành[25] đời Tấn, đều là người hiền, đều mắc bệnh mắt. Họ đều cầu được phương thức này: thứ nhất là giảm thời lượng đọc sách; thứ hai là giảm sự suy tư; thứ ba là chuyên dõi vào nội tâm; thứ tư là ít dùng sức mắt; thứ năm là sáng sớm dậy muộn; thứ sáu là đêm ngủ sớm. Sáu phương pháp này đều tiêu hao tinh thần. Cho nên phải vận khí gấp sáu lần mà giữ vững trong lồng ngực bảy ngày, sau đó nạp vào tim. Tu luyện một thời gian như thế, gần thì có thể đếm rõ lông mi mắt, xa ghì nhìn thấu cây dậy dù nắn thế nào. Tu luyện lâu dài như vậy, có thể trông tỏ mọi sự vật ngoài tường vách. Nếu mắt không sáng ra thì cũng được sống lâu.

Rồi Trương Khám truyền cho (Phạm) Ninh phương thuốc trị đau mắt. Những lời nói trên tuy là chuyện vui, nhưng phép chữa mắt, không gì ngoài cách ấy.

Mắt Ninh này mờ loạn đã 4 năm, từ năm ngoái lại nặng thêm, nay lại cả đau mắt đỏ. 6 bài thuốc này không thể cùng lúc vận dụng, bởi vì tuy uống nhiều loại thuốc khác nhau, qua mấy tháng vẫn không biến chuyển. Thế là phải xem xét lại thời gian sử dụng mắt, hóa ra nhìn nhiều gấp mấy chục lần mọi người, chả trách mắt mang bệnh là phải, đâu có thể dùng cây cỏ làm thuốc uống để khôi phục được.

Nên tận dụng toàn diện phép chữa này, không thêm không bớt, thì mới có công hiệu.

Chuyển động mắt để loại trừ mờ mắt

Người đọc sách, chơi cờ qúa mức thì có bệnh về mắt, gọi là “can lao”, nếu không nhắm mắt nghỉ ngơi 3 năm thì không thể chữa được. Phương pháp trị chứng can lao của người xưa: Bành Chân nhân bị bệnh mắt, không kể ngày đêm, trước tiên trừng mắt nhìn kỹ, rồi nhắm mắt giây lát. Cứ làm theo cách này, lâu dài sẽ đạt được công phu nhìn rõ sợi tơ. Từ Chân nhân cũng đau mắt, ngồi trong phòng tối chuyển động con ngươi, thực hiện 81 làn, nhắm mắt tập trung tinh thần rồi lại chuyển động. Làm như vậy chẳng đếm mấy năm, ánh sáng tinh tuý sẽ tự hiện, mắt như vòng vàng, vĩnh viễn loại trừ sự mờ tối. (Trần Mộng Lôi)[26].

Lá dâu rửa mắt

Một người già 84 tuổi, đêm vẫn xem sách. Hỏi ra, mới biết phương pháp kỳ diệu, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 9, dùng lá dâu rửa mắt một lần, vĩnh viễn loại trừ mờ tối. (Nguỵ Chi Tú – Tục danh y loại án)[27]

Nước mắt là dịch của can

Chất dịch của 5 phủ 6 tạng đều thấm ở mắt. Mọi chuyện đau buồn vui sướng, hỏa đều bốc bên trong; tâm có việc gấp gấp thì tạng phủ dao động khiến hệ mạch cũng chuyển động, ống dịch mở ra, dịch dâng lên trên, cho nên nước mắt chảy ra. (Lý Thời Trân – Bảo thảo cương mục)[28]

Nước mắt hại can

Trẻ trai cặm cụi nghiên đèn bút

Già lão buồn đau lệ đẵm vành

Mắt hại chẳng hay mình tự chuốc

Bệnh rồi mới rõ nỗi sao đành

Đêm mờ ngỡ tựa đèn đương lụi

Sớm loạn như là kích bụi quanh

Ngàn thuốc muôn phương không chữa nổi

Đành thôi nhắm mắt học tu hành.

(Bạch Cư Dị – Bạch Hương Sơn thi tập)[29]

 

Đau mắt mày thưa vì chữa thuốc

Mỗi lần ra gió lệ châu dàn

Ngắm trăng bên nước không sao thấy

Xem sách quanh đèn khó vạn ngàn

Tìm cách nhưng buồn đau tới thận

Thuốc thang e nỗi nóng vào gan

Chỉ nên đọc ít không gây mỏi

Chả phải tiên đơn mãi sẽ an.

(Vũ Triều Tông)

Mũi

Mũi nằm trên khuôn mặt, là đường dẫn máu của cả cơ thể. Lỗ mũi là khiếu của phế, khí trên thông lên não, dưới tỏa khắp phế. Nếu phế khí trong sạch, khí huyết lưu thông, trăm bệnh không sinh. Nếu phế khí thịnh lên, một khi có trở ngại gì, mọi bệnh đều từ đó sinh ra cả.

Khí ở mũi thông lên trời

Khí tự nhiên qua mũi hít thở là thông với trời

Khí ngũ cốc hít thở qua miệng là thông với đất. Con người chỉ biết ăn uống qua miệng để hấp thu dinh dưỡng, hiếm người biết đồng thời hít thở khí tự nhiên qua mũi để bổ sung dinh dưỡng.

Người hiểu dinh dưỡng biết rằng, nếu cứ ăn uống chơi bời phóng túng thì sẽ làm hại sự sống; nếu hấp thu tinh khí tự nhiên có thể đạt tới độ thần minh. (Dụ Xương – Y môn pháp luật).

Tai và cách xoa bóp

Tai là ngoại hầu của thận. Sách cổ chép: Thận là nơi ở của tinh thần, là gốc rễ của tính mạng, bên ngoài thông với tai.

Lỗ tai, khi bị thương hoặc bị tắc đến nỗi đột nhiên điếc, hoặc ù tai liên tục, nên dùng ngón tay đặt vào lỗ tay day nhẹ, day rồi lại  bỏ ra, hoặc lay lay nhè nhẹ để thông dẫn khí. Day day vài lần, khí ắt sẽ thông, lỗ tai sẽ nghe được. Khi gặp trường hợp này, nếu không nhanh chóng dẫn khí, e là lỗ tai dần dần khép lại, rồi đến nỗi không nghe được. (Trương Giới Tân – Cảnh Nhạc toàn thư)

Dùng tay xoa vành tai có thể tránh điếc

Sách Dưỡng sinh viết: dùng tay xoa vành tai, càng nhiều lần càng tốt, có thể tu bổ thành quách tai và giúp cho thận khí, ngừa chứng điếc tai.

Cách giữ răng chắc

Có người hỏi cách giữ răng chắc. Bảo Phác tử nói:

– Có thể dùng nước bọt làm tươi nhuận, sáng sớm gõ ràng 300 lần, răng vĩnh viễn không lung lay. Sau rồi ngậm Hoàng Chưng, hoặc nước huyễn Đảm và Sà Chi hoàn (viên mỡ rắn), Phàm Thạch hoàn … thì răng lung lay sẽ chắc lại, dù có vi khuẩn cũng sẽ đỡ. Lại uống Linh phi tán, thì răng đã rụng có thể mọc lại.

Sáng sớm gõ răng 300 lần

Tôi thường đau răng, lung lay muốn rụng, ăn uống nóng lạnh, ê ẩm khổ ghê.

Xem cách bảo vệ răng trong sách Bão Phác tử, sáng sớm gõ răng 300 lần là rất tốt. Mới làm vài ngày, đã thấy đỡ hẳn. Đến nay vẫn kiên trì làm thế. (Nhan Chi Thôi – Nhan thị gia huấn)[30]

Gõ răng 36 lần

Răng có bệnh, là do hỏa trong tỳ vị bốc nóng. Sáng sớm tỉnh dậy, gõ răng 36 lượt, dùng lưỡi lướt vào chân răng trên dưới, không nệ số lần, dãi bọt đầy miệng thì nuốt vào. Mỗi ngày làm 3 lần thì dừng. Khi giải lao, ngậm môi xiết răng, một hồi lâu hãy mở miệng, sẽ không lo bị đau răng.

Nước lạnh súc miệng

Sáng sớm súc miệng là thường. Nhưng sớm mai, miệng chứa nguyên khí, không được súc miệng nhổ ra. Thường dùng nước bọt súc miệng, rồi từ từ nuốt vào. Sách Dư thoại  của Trọng Hiền lại viết: “Sớm mai súc miệng, chẳng bằng nằm mà súc miệng”.

Súc miệng bằng nước ấm, trừ bỏ được chất cặn bã ở răng. Răng đâu ở hỏa. Dùng cách xoa răng, lâu rồi cũng chẳng thấy công hiệu. Chỉ có súc miệng bằng nước lạnh, thành thói quen, dù trời lạnh cũng không buốt răng, thì vĩnh viễn không đau răng. Khi răng sắp rụng cũng không bị đau. (Tào Đình Luyện – Lão lão hằng ngôn)

Vệ sinh răng buổi sớm chẳng bằng buổi tối

Người ngày nay vệ sinh răng hay làm vào các buổi sáng, thật là trái ngược. Mọi chất cặn bã trong thức ăn hàng ngày, tích luỹ vào các khe răng, nên đánh răng vào các buổi tối để tẩy trừ chất cặn, làm răng không hư. Đó là cách giỏi giữ răng. Nay có người hiểu biết, đánh răng sau bữa ăn, khiến đến già lão răng vẫn sáng chắc, thật rất đáng noi theo. (Trần Mộng Lôi – Cổ kim đồ thư tập thành).

Cổ họng, lưỡi, miệng

Cổ họng thông với dạ dày, là lối mà mọi chất ra vào đều phải thông qua. Hầu dưới thông với phế, là lối quan trọng để hít thở. Hội khánh là phần nằm giữa cổ họng, có thể đóng mở, như cửa phát âm thanh. Môi miệng đóng mở như khởi động cánh quạt phát ra tiếng nói, lưỡi là cái lẫy của âm thanh. Đầu lưỡi nhỏ nằm giữa vòm miệng và cổ họng, treo rủ xuống, là nơi quan trọng phát ra âm thanh. Mũi trong là nơi lỗ thông mũi với miệng, tiết ra nước mũi và nước bọt. Hoành cốt (xương ngang) là bộ phận điều khiển lưỡi. (Hoàng đế nội kinh)

Đơn thuốc chắc răng

Răng là phần nhô ra của xương, gõ răng nhiều lần sẽ lợi cho xương. Tóc là phần hiện ra của máu, hàng ngày chải tóc một lần, làm huyết khí lưu thông. Tai là nơi hiện lên của thận, xoa nhiều sẽ bổ thận khí. Đỉnh đầu là hiện thân của tuỵ giữ chắc là làm ấm tuỵ. Móng tay chân là hiện thân của gân, đừng cắt để bảo tồn gân. Lời nói là biểu hiện của khí, nói ít để dưỡng khí. (Chu Lý Tĩnh).

Nước bọt

Lưỡi thông với 4 khiếu: 2 khiếu thông với tâm khí, 2 khiếu thông với nước dịch của thận. Tâm khí tỏa vào gốc lưỡi gọi là Thần thuỷ (nước thần), dịch của thận tỏa vào gốc lưỡi gọi là Linh dịch (dịch thiêng). Đạo gia gọi là Kim tương (nước dịch vàng), Ngọc lễ. Người tu dưỡng phải nuốt nước bọt, nạp khí, gọi là thanh thuỷ quán linh căn (nước trong tưới rễ thiêng). Người nào suốt ngày không nhổ bọt thì tinh khí được giữ bền, nhan sắc không khô. Nếu nhổ bọt nhiều, sẽ tổn hại cho tinh khí, thành ra mắc bệnh phế, da dẻ khô xác. Cho nên có câu: “Nhổ bọt xa chẳng bằng nhỏ bọt gần, nhổ bọt gần chẳng bằng không nhỏ bọt”.

Người có bệnh thì tâm và thận không giao hợp, nước ở thận không dâng lên, vì thế nước trong miệng khô và chân khí hao mòn.

Sách Nạn kinh viết: “Thận chủ về 5 nước dịch. Vào can thành nước mắt, vào phế thành nước mũi, vào tỳ thành nước dãi, vào tâm thành mồ hôi, tự vào thì thành nước bọt”. (Lý Thời Trân – Bản thảo cương mục).

Đỗ Đỉnh Tân, tự là Đại Cử, học được phép Ngọc tuyền trong sách Thiên kim phương của Tôn Tư Mạo, thực hành 12 năm, khiến gân cốt cường tráng, tai mắt sáng tinh.

Ngọc tuyền là 2 mạch nước bọt dưới lưỡi. Mỗi sớm trở dạy, nhắm mắt dứt mọi ưu tư, gõ răng 14 lần, súc miệng cho đầy nước bọt rồi nuốt vào, dùng ý chí giữ khí ở rốn, làm vậy 7 lần. Lâu dần, sẽ như tiếng nước chảy róc rách xuống khe sâu.

Làm thế nào, trăm mạch lưu thông. Người xưa bảo: nuốt được nước miếng, hoạ chẳng vào. (Giang Hưu Phục – Mao đình khách thoại)

Nước Ngọc tuyền (nước dãi, nước bọt của chính mình) làm con người sống lâu, tiêu trừ mọi bệnh. Ngọc tuyền là nước miếng trong miệng. Khi tinh mơ (lúc gà gáy), buổi sáng, ban trưa, buổi chiều, lúc hoàng hồn, khi nửa đêm, cả sáng cả tối, tất cả 7 lần nuốt ngọc tuyền, mỗi khi đó trước hãy tiết nước miếng đầy miệng hẵng nuốt, sẽ sống rất lâu.

Con người hay thích soi gương, gọi là giữ hình. Hình hài và tinh thần tựa vào nhau, gọi là ý. Nếu dung nhan kiêu căng, tự yêu bản thân thì đừng soi làm gì.

Nước miếng trong miệng, còn gọi là Hoa trì. Hô hấp theo phép nuốt nước miếng thì không bị đói. (Đào Hoằng Cảnh – Dưỡng tính diện mệnh lục)

Bình minh tỉnh giấc, ngồi dậy ngay ngắn, ngưng thần dập lo, lưỡi để trên hàm, ngậm miệng điều hơi, nước miếng tự sinh, dần dần đầy miệng, chia làm 3 phần, dùng ý chí nuốt xuống. Thực hiện lâu dần, tà hỏa ở năm tạng không bốc, khí huyết trong 4 chi lưu thông, mọi tật không sinh, lâu sau trừ mọi lo lắng, già lão cũng không suy.

Đêm khuya gặp lúc tâm hỏa bốc nóng, nằm không ngủ được, nước miếng đầy miệng, nuốt làm 3 lần, làm thế mấy lần, nước hoa trì sẽ giảm được hỏa bốc. (Hoàng Khải Quân – Hữu ngư trai y thoại)

Phương pháp tốt để xoá các nếp nhăn

Người ta phát hiện ra rằng: có người mới ngoài 30 tuổi đã có nhiều nếp nhăn trên mặt. Song có người đã khá cao tuổi mà da dẻ vẫn hồng hào, rất ít các nếp nhăn. Nguyên nhân do đâu? Có cách nào làm cho các nếp nhăn chậm xuất hiện hoặc sau khi xuất hiện có cách nào xoá chúng đi được không?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về mỹ dung trên thế giới chuyên tâm nghiên cứu vấn đề này, đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Ngoài phương pháp thủ thuật chỉnh hình để làm mất nếp nhăn, còn có nhiều phương pháp chống nếp nhăn và xoá nếp nhăn đạt kết quả tốt. Dưới đây là một số phương pháp đơn giản để thực hiện chống và xóa nếp nhăn.

* Khẩu phần ăn:

Khẩu phần ăn có tác dụng rất lớn đối với làn da, nó như vật tư sửa làn da. Da cần nhiều chất lòng trắng trứng mà khi thiếu nó, về mặt cơ bắp sẽ bị nhẽo, làm xuất hiện nếp nhăn trên da. Để có đủ chất lòng trắng trứng, trong điều kiện có thể được bạn nên ăn nhiều thịt nạc, sữa bò, các loại trứng; hoặc ăn nhiều thực vật có chứa chất lòng trắng trứng như: đậu phụ, các chế phẩm từ đậu phụ.

* Tự xoa xát

Xoa xát là phương pháp làm chậm sự xuất hiện nếp nhăn và xóa các nếp nhăn. Kiên trì thực hiện việc xoa xát da mặt sẽ làm cho máu tuần hoàn tốt, cải thiện sự dinh dưỡng của da, làm cho da đàn hồi tốt, và da luôn giữ được màu hồng, giảm nhỏ các đường nhăn.

Xoa xát là phương pháp được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng để làm đẹp làn da.

Người ta thường thực hiện day ấn các huyệt để xoá các nếp nhăn.

+ Day huyệt Ấn Đường: Huyệt Ấn Đường nằm giữa hai lông mày, dùng ngón tay cái của tay trái hoặc tay phải ấn lên huyệt Ấn Đường theo chiều kim đồng hồ 20 lần, ngược chiều kim đồng hồ 20 lần. Động tác này có tác dụng làm mất nếp nhăn giữa hai lông mày, nếu nếp nhăn nhiều và sâu thì day từ 60 đến 80 lần.

+ Ấn day trước trán: dùng mặt hai đầu ngón tay giữa, bắt đầu ấn huyệt Ấn Đường ấn day ngược lên, sang hai bên, xuống huyệt Thái Dương, ấn day từ 10 đến 20 lần, có tác dụng xoá nếp nhăn vùng trán. Nếu nếp nhăn nhiều và sâu thì day từ 20 đến 30 lần.

+ Day huyệt Thái Dương: Dùng hai đầu ngón tay giữa day huyệt Thái Dương từ 30 đến 40 lần, có tác dụng xóa nếp nhăn ở đuôi mắt. Nếu nếp nhăn nhiều và sâu thì tăng lên 40 đến 60 lần.

+ Ấn huyệt Đồng Tử liêu (cách góc mắt bên ngoài phân hơn) dùng hai mặt đầu ngón tay giữa, bắt đầu từ hốc mắt dưới day đến huyệt Thái Dương 20 đến 30 lần. Có tác dụng xóa nếp nhăn đuôi mắt. Khi xoa xát, áp hai tay lên mặt thì nhắm hai mắt lại. Khi hết nóng, lại xát hai lòng bàn tay và tiếp tục ấm lên, làm từ 6 đến 9 lần.

* Bôi cao móng lợn già:

Dùng mấy cái móng lợn nái già (nếu không có thì dùng móng lợn thường) rửa sạch và nấu thành cao. Buổi tối trước khi đi ngủ, bôi một lớp cao lên mặt, sáng hôm sau rửa kỹ. Liên tục làm như thế, sau nửa tháng sẽ thấy hiệu quả làm mất nếp nhăn rất rõ rệt.

* Mỹ phẩm cao nhân sâm:

Cao nhân sâm có tác dụng rất tốt nhằm bảo vệ da. Nếu thường xuyên sử dụng cao nhân sâm thì không những có thể làm cho mặt da mềm bóng, mà còn làm tăng tính đàn hồi của da, cũng như làm chậm xuất hiện nếp nhăn trên da.

* Hoa quả và rau xanh:

Một số loại hoa trái, rau xanh nếu đem đắp trực tiếp lên mặt da, sẽ làm cho da tươi mát tự nhiên, có hiệu quả xoá nếp nhăn rất tốt.

– Trong quả quất có chứa nhiều hợp chất quý, có tác dụng làm cho da bóng, mịn. Dùng quả quất chín để nguyên vỏ, ngâm vào cồn, cho thêm mật ong. Sau một tuần, khuấy đều cho quất và mật ong nhuyễn thành thứ cao. Dùng cao này bôi mặt sẽ có tác dụng xoá nếp nhăn rất tốt.

– Dùng vỏ quả dưa hấu rửa sạch, xát lên mặt, sau đó dùng nước lạnh rửa sạch. Làm như vậy nhiều lần da của bạn sẽ tươi mát, mềm mại và sáng bóng.

*Cao xương gà:

Trước hết ta tìm hiểu qua về cấu tạo của da. Da bao gồm bề mặt da, nền da, tổ chức dưới da. Nền da có tác dụng quyết định đến vẻ đẹp mặt ngoài của da; vì nền da được tạo thành do phần lớn các sợi đàn hồi. Nếu các sợi này kém đàn hồi thì mặt da sẽ không đàn hồi tốt, lúc này các nếp nhăn cũng xuất hiện. Da được nuôi dưỡng bằng một cách có dạng keo. Nếu trong thức ăn thiếu chất làm dẻo xương, thì bề mặt da cũng trở nên nhăn nheo và khô xác. Đó chính là các đường nhăn. Chất làm dẻo xương có chứa nhiều trong da và và xương gà. Người ta lại nấu xương và da gà thành một thứ canh, thường xuyên ăn thứ canh này có tác dụng làm cho da mềm mại và khử nếp nhăn rất tốt.

* Lá chè xanh:

Chè xanh là một đồ uống tăng cường sức khỏe rất tốt; thường xuyên uống nước chè xanh còn làm cho da bóng, sáng và trắng trẻo; làm chậm xuất hiện nếp nhăn và xoá được các nếp nhăn.

* Tập luyện

Tập luyện thường xuyên có thể xoá được nếp nhăn, xoá bỏ mọi suy nghĩ, làm cho toàn bộ cơ mặt ở trạng thái buông lỏng; sau đó, lắc đầu dần dần nhanh hơn, từ 1 phút đến 2, hoặc  phút, tiếp theo nhìn thẳng vào mặt mình trong gương, dùng hai bàn tay đỡ và vuốt ngược hai bên mặt, làm cho cơ mặt co lên trên, mồm giô sang phải sau lại sang trái, rồi ngửa đầu ra vài giây. Cách luyện tập này có tác dụng xoá nếp nhăn ở mặt.

 

 


[1] Nước Tuỳ ở gần sông Bộc, nơi có nhiều ngọc quý

 

[2] Nhận: đơn vị đo chiều dài thời xưa (chừng 2,5m)

 

[3] Lã Thị Xuân Thu: còn gọi là làm “Lã Lãm”, một bộ sách do Bất Vi đời Tần đứng ra tổ chức biên soạn.

 

[4] Trịnh Hạo, Trình Di: quê Lạc Dương – Hà Nam, hai anh em ruột cùng nổi tiếng thời Tống.

 

[5],2 Biểu là ngoài, lý là trong.

 

[6]

 

[7] Hoài Nam Tử: tên sách của Lưu An thời Hán

 

[8] Đào Hoằng Cảnh: người thời Tống, quê Mạt Lăng, tên chẽ là Thông Minh, đọc rộng, biết nhiều thứ: vẽ đàn, âm dương … thuốc. Khi ở Lương, hiệu là Hoa Dương chân nhân. Người thời ấy gọi “Tể tướng trong núi”. Vì có việc gì triều đình cũng thường sai người tới hỏi. Vẽ “Hồn Thiên Thương” (thiên văn) viết nhiều sách.

 

[9] Kê Khang: người thời Nguỵ – Tấn, quê nước Tiế (An, Huy) tên chữ là Thúc Dạ. Trước là họ Hề, sau đổi Kê. Lấy công chúa họ Tào. Từng làm chức Trung Tán Đại Phu, nên còn gọi là Kê Trung Tán. Ông là một trong nhóm “Trúc Lâm Thất Hiền” (Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Nguyễn Hàm, Vương Nhung, Lưu Linh, Kê Khang), nổi tiếng nhiều mặt.

Khi Tư Mã Chiêu cướp ngôi vua của Nguỵ – Tào, thì tìm cách giết hại Kê.

Truyền rằng, khi Kê Khang chơi ở Lạc Tây, chiều ngủ trợ ở đình Hoa Dương, gặp một người khách dạy cho một bản nhạc “Quảng Lăng tán”. Khi Tư Mã Chiêu hãm hại, ông lấy đàn gẩy lại khúc này, rồi đập đàn đi. Từ đó, bản nhạc này thất truyền. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “Kê Khang này khúc Quảng Lăng”

 

[10] Thiên quý ở nữ là “kinh nguyệt”, ở nam là “tinh dịch”. Sau này chỉ dùng để gọi “kinh nguyệt”

 

[11] Hoàng đế: Tên vua thời Thượng cổ (TQ) họ Công Tôn, vì sinh ở gò Hiên Viên lên còn lấy họ là Hiên Viên, dựng nước ở đất Hữu Hùng, nên còn gọi là là Hữu Tùng Thị, vì lấy màu đất là vàng và trung tâm nên đặt hiệu Vua Vàng (hoàng đế). Ông sai Đại Nao soạn lịch, Thượng Hiệt đặt ra “Lục Thư” (sáu cách tạo chữ Hán), Lộ Thủ định phép toán, bảo Kỳ Bá soạn Nội Kinh (sách thuốc). Vợ ông là La Tổ nuôi tằm dệt lụa, may quần áo …

Kỳ Bá: Giỏi về thuốc và phương pháp chữa bệnh. Có thể dùng cách chữa bệnh để cai trị nước.

Nội Kinh – Tố Vấn: Tên sách thuốc, cũng gọi là “Hoàng đế Nội Kinh”. Tố Vấn nghĩa là hỏi chuyện Tố Nữ, vị thần về vấn đề các thuật trong quan hệ nam nữ.

 

[12] Vương Sung: người thời Đông Hán, quê Thượng Ngô, tên chữ là Trọng Nhâm, học trò Ban Bưu. Ông học rộng biết nhiều, viết sách “Luận Hành”. Sái Ung cho sách này vượt hơn mọi nhà (Chư Tử)

 

[13] Chu Quyền: Con thứ mười sáu của Minh Thái Tổ, gọi Ninh vương, hiệu là Hàm Hư Tử, Đan Khâu tiên sinh. Học rộng, viết nhiều sách.

 

[14] Tào Tháo: người thời Đông Hán, quê đất Bá, vốn họ Hạ Hầu, làm con nuôi hoạn quan Tào Đằng, tên tự là Mạnh Đức, A Man, văn vỏ đều có tài, tổ chức quân đánh dẹp “Khăn Vàng” (Hoàng Cân), sau dẹp – Đổng Trác, đưa Hán Hiến đế dời Kinh Đô về Hứa đô. Sau khi đánh thắng Viên Thiệu, tự làm Thừa tướng, rồi được phong là Nguỵ vương. Con là Tào Phi cướp ngôi Hán, tôn Tháo làm Nguỵ Vũ đế

 

[15] Chu Chấn Hưng: người thời Nguyên, tên chữ là Ngạn Tu, hiệu là Đan Khê tiên sinh. Viết nhiều sách thuốc.

 

[16] Chu Hi: Người thời Tống, quê Vụ Nguyên, tên tự là Nguyên Hối, Trọng Hối, Hối ông, hiệu là Vân Cốc lão nhânh, Thương Châu độn tẩu, đỗ Tiến sĩ. Học thuật lấy “cùng lí, trí tri, chủ kính” làm chủ. Lý học đời Tống đến Chu Hi là đỉnh cao. Nơi giảng học là Khảo Đình, nên còn gọi Phái Khảo Đình. Thọ 71 tuổi.

 

[17] Trần Kế Nho: người thời Minh, tên chữ là Trọng Thuần, hiệu là Mi Công, giỏi văn thơ, viết vẽ đẹp, từ quan, ở ẩn Côn Sơn. Có nhiều sách nay chỉ còn bộ: “Trần mi công bí kíp”. Vương Thế Trinh, Vương Tích Minh và nhiều người muốn tiến cử với triều đình. Ông đều tìm cách từ chối. Thọ 82 tuổi.

 

[18] Dự – Chương: những cây thuộc họ Long não.

 

[19] Trương Giới Tân: người thời Minh, tên chữ là Huệ Khanh, hiệu là Cảnh Nhạc, giỏi về thuốc, học trò của Kim Mộng Thạch. Ông lấy việc bảo vệ nguyên khí là cốt yếu của chữa bệnh. Vì ông hay dùng vị Thục địa hoàng, nên người ta gọi ông là Trương Thục Đia.

 

[20] 7 tình (thất tình): hỷ, nộ, ái, ố, ưu, lạc, bi: Bảy trạng thái tâm lý tình cảm: vui, giận, yêu, ghét, lo nghĩ, sướng, buồn.

 

 

[21] 6 dâm (lục dâm): phong, hàn, nhiệt, thử, táo, thấp. 6 loại tà khí: gió, lạnh, nóng, nằng, khô, ẩm.

 

[22] Trang tử: người nước Tống, thời Chiến Quốc, quê huyện Mông tên Chu, tên chữ là Tử Hưu (cùng thời với Lương Huệ vương, Tề Tuyên vương) làm chức Lại ở Tất viên (vườn sơn), tài cao học rộng. Viết sách gọi là “Trang Tử” rất gần với tư tưởng Lão Tử.

 

[23] Chu Lý Tĩnh: người thời Minh, tên chữ là Dật Chí, hiệu là Mai Điên đạo nhân, chữ đẹp, thơ hay, viết nhiều sách

 

[24] Tả Khâu Minh: tên người, không rõ thời gian nào, truyền rằng làm sách “Tả Thị Xuân Thu”.

 

[25] Trịnh Khang Thành: người thời Hán, tên là Huyền, học rộng biết nhiều, theo học Mã Dung, được Khổng Dung, khi làm Thái Thú Bắc Hải rất kính trọng, lập ra một làng, gọi làng “Ông Tịnh”. Giặc Khăn vàng gặp ông cũng kính nể. Viết rất nhiều sách.

 

[26] Trần Mộng Lôi: người đời Thanh, tên tự là Tắc Chấn, Tỉnh Trai, đỗ tiến sĩ, viết nhiều sách

 

[27] Nguỵ Chi Tú: người đời Thanh, quê Tiền Đường, tên chữ là Ngọc Hoàng, học rộng, thơ văn hay.

 

[28] Lý Thời Trân: người thời Minh, quê Châu Kì, tên chữ là Đông Bích, đọc nhiều, giỏi thuốc, soạn “Bản thảo cương mục” hơn 30 năm.

 

[29] Bạch Cư Dị: người thời Đường, tên chữ là Lạc Thiên, còn hiệu Hường Sơn Cư Sĩ, đỗ tiến sĩ, thơ hay, từng làm Tư Mã Giang Châu v.v… Có bài Tỳ Bà hành nổi tiếng.

 

[30] Nhan Chi Thôi: người thời Tống, tên là Giới, học rộng, làm quan nhiều triều: Lương, Tề, Chu, Tuỳ.