Samanta

3) Nên làm gì khi trong tâm mình có cảm xúc ghen tuông: bất an, sân hận nhất là khi thấy có người khác đến tán tỉnh bạn gái của mình?

Cảm ơn sự chân thật của người hỏi bởi vì đây là vấn đề của nhiều người nhưng ít người dám hỏi.

 

Thực tế cuộc sống, mọi vấn đề đều có giải pháp. Quan trọng là nhận ra vấn đề và không cho phép mình hành động theo các ý tưởng tiêu cực này. Trước đây khi chưa quen biết cô gái đó thì dù có chuyện gì xảy ra cho cô ta thì mình vẫn thấy không có vấn đề gì. Chỉ sau khi hai người có cam kết về tình cảm, quan hệ thì vấn đề mới nảy sinh. Bạn cần trung thực và tự trả lời xem mình yêu con người đó hay yêu cảm xúc người đó tạo ra? Nếu thành thật sẽ thấy mình chỉ yêu cảm xúc do người đó tạo ra và tình yêu này rất ích kỷ. Nếu người đó cho mình cảm xúc tốt thì mình yêu còn nếu không cho mình cảm xúc tốt thì mình căm thù, chứ mình không yêu người đó như người đó đang là. Cần thay đổi cái nhìn, cách suy nghĩ của mình. Cơ thể của mình, tình cảm của mình có theo lệnh của mình không? Vậy tại sao mình lại bắt người khác làm theo mình?

 

Hãy chọn con đường làm cho cả hai cùng hạnh phúc thay vì con đường làm cho cả hai cùng đau khổ. Càng làm điều ngu ngốc thì mình càng hạ thấp nhân cách của mình, do đó càng giảm tự tin, càng nghi ngờ và đi xuống địa ngục do mình tự tạo ra. Nên yêu người đó như người đó đang là và ít điều kiện đòi hỏi, ràng buộc hơn.

 

4) Cách hành thiền để vượt qua cảm xúc xấu?

Con đường giải quyết vấn đề này là học hỏi để vị tha hơn, đừng đòi hỏi quá nhiều ở mình và người; hãy chấp nhận những gì đang là, hãy so sánh mình với chính mình để thấy sự tiến bộ của mình, nếu so sánh với bên ngoài dễ tạo ra áp lực và tâm lý ganh đua. Thiền không cần phải ngồi, có thể hành thiền khi đi, đứng hay nằm. Hoặc thiền tâm từ.

 

5) Làm thế nào để con có tâm thánh thiện, yêu thương mọi người, biết khai phá các tiềm năng trong con người mình, con muốn có từ bi, trí huệ nữa?

Đây là mong ước rất tốt đẹp, nhưng không dễ dàng. Khi sư cô ở thiền viện Shee Oo Min, sau những trải nghiệm những kinh nghiệm tâm linh rất tuyệt vời, nhưng sư cô lại thấy những điều bất thiện trong mình như thể mở cửa hố xí ra vậy. Sư cô thấy không thể chấp nhận được điều đó, không nghĩ tâm mình lại có những điều xấu đó. Nhưng rất may mắn khi sư cô được thiền sư Shee Oo Min hướng dẫn. Ngài nói đó là điều tốt vì những thói hư tật xấu đó vẫn ở trong tâm, vẫn điều khiển hành vi của con mà con không biết. Nhận ra những thói hư tật xấu đó là điều tốt. Không phải ngay lập tức chúng ta có thể có đạo đức, tốt, thánh thiện ngay được mà cần phải nhận biết và chuyển hóa những thói hư tật xấu của mình. Nếu mình nghĩ là người tu hành thì phải đạo đức, thánh thiện, từ bi, trí tuệ ngay trong khi mình đủ sức, không chấp nhận những gì không thánh thiện, từ bi, trí tuệ trong mình, thì mình sẽ dễ dàng trở thành người đạo đức giả. Đây là cái bẫy mà nhiều người tu hành đã rơi vào.

 

Chính vì vậy mà Thiền Tông Trung Hoa vẫn nói: “Lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu.” Hiểu biết có thể đến nhanh chóng, nhưng thực hành thì phải kiên nhẫn. Mình không đồng hóa mình với các thói hư tật xấu, mà nhận diện rồi thay đổi, chuyển hóa nó. Thấy sự nguy hiểm của nó, đừng đầu tư cho nó nữa. Bỏ đói lâu ngày thi nó sẽ yếu dần rồi mất đi. Nó sẽ trở thành phân để nuôi cây từ bi, trí tuệ lớn mạnh. Nếu chịu khó làm việc với mảnh đất tâm thì sẽ có ngày hoa trái của từ bi, trí tuệ sẽ nở rộ. Nhưng đó là một tiến trình lâu dài và đôi khi đau đớn để dứt bỏ một phần xấu xa của mình do bản năng, giáo dục …. Đó chính là những chương trình đã được cài suốt nhiều triệu năm trước, vài ngàn năm trước, hay trong suốt thời gian ấu thơ của mình. Thiền chính là tiến trình như vậy, tiến trình chuyển hóa những phiền não thành thánh thiện, từ bi và trí tuệ.

 

Do đó, để trở nên thánh thiện là phải thấy những gì chưa thánh thiện, để chuyển hóa, để hóa giải những thói hư tật xấu, để những gì tốt đẹp, thánh thiện được phát triển.

 

6) Thiền và bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh của xã hội hiện đại do áp lực của xã hội và của chính mình khiền mình mắc bệnh tâm thần và phải dùng thuốc. Thuốc chỉ chữa được triệu chứng còn Thiền chữa nguyên nhân. Thiền chữa nguyên nhân nên cần thời gian lâu hơn và cần sự kiên nhẫn. Trải qua thời gian kiên nhẫn thực hành, các trạng thái tâm xấu sẽ không còn tồn tại được nữa. Điều này có thể làm được nhưng cần kiên nhẫn và quyết tâm. Đạo Phật có những phương pháp giúp tâm vui vẻ, tự tin hơn để hỗ trợ cho sự thực hành được lâu dài. Những giai đoạn khó khăn của cuộc đời cũng vô thường và không kéo dài mãi. Chúng sẽ kết thúc khi mình tìm ra nguyên nhân và kết thúc nguyên nhân đó. Nếu biết như vậy, chúng ta sẽ không bị nhấn chìm trong những khó khăn này và có thể vượt qua chúng.

 

Thiền có thể giải tỏa tâm lý và có vai trò tốt trong việc phòng và chữa bệnh trầm cảm cũng như các vấn đề tâm lý khác. Tuy nhiên, nếu đã mắc bệnh nặng thì bệnh nhân không thể tự tập thiền để chữa bệnh cho mình được. Đây là điều khá đáng tiếc. Khi đó, bệnh nhân nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để có các hướng dẫn và điều trị phù hợp.

 

7) Khi thực hành thiền thấy khó thở thì có nên dừng lại không?

Hành thiền mà thấy khó thở có thể là do mình muốn kiểm soát hơi thở và cảm xúc của mình. Hành thiền là sự buông xả, quan sát trung thực những gì đang xảy ra chứ không phải cố gắng kiểm soát mọi thứ. Thái độ của người hành Thiền là rất quan trọng. Đừng mong cầu quá nhiều, đừng tìm cách điều khiển mà chỉ có mặt với những gì đang xảy ra, với tâm buông xả, không phê phán, không chỉ trích, tò mò muốn biết, khám phá điều gì đang diễn ra. Nếu nghĩ Thiền là để đạt được một cái gì thì sẽ là tự gây áp lực cho mình. Hãy ngồi và thư giãn để thoát ra khỏi trạng thái đó. Sati (chánh niệm) nghĩa là có mặt, có mặt mà không phê phán, không bình luận. Đây là điều khó thực hiện vì đi ngược lại thói quen của mình, thói quen đánh giá, phê phán để thể hiện sự hiểu biết ngu ngốc của mình.

 

8) Khi đang có những cảm xúc xấu thì có nên hành Thiền ngay lập tức được không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta làm như vậy?

Thiền không phải là đi đến đâu để thiền cả mà thiền trên thực tiễn mình đang có. Khi đang có tâm trạng như vậy thì mình quay trở lại với cảm xúc đó, để thấy trạng thái đó. Đấy chính là bước đầu tiên của thiền. Bước thứ hai là xem những dấu hiệu của trạng thái cảm xúc đó trên thân thể mình: tim mình có đập nhanh hơn không, máu có chảy nhanh hơn không, hơi thở có thô và gấp hơn không. Khi quay trở về như vậy, thì trạng thái cảm xúc đó tự biến mất. Đó chính là lúc cần phải thiền chứ không phải là không nên thiền. Thiền giúp mình ra khỏi trạng thái đó bằng cách quay trở lại với cảm xúc, thân thể của mình.

 

9) Có nên tự thực hành Thiền hay không?

Thiền có thể tự thực hành ở nhà nhưng khi bắt đầu nên thực hành theo nhóm để cùng tu tập để khích lệ và giúp đỡ lẫn nhau. Khi thực hành theo nhóm cũng dễ dàng tuân thủ kỷ luật hơn là khi tự thực hành một mình. Có thể thực hành một mình, tự đề ra kỷ luật cho mình nhưng ít người làm được như vậy. Nên tìm một vị Thầy hướng dẫn cho mình, chỉ cho mình ngay khi mình thực hành sai. Nhưng nếu không tìm được vị Thầy như vậy thì có thể tự thực hành nhưng khi đó chỉ dừng ở mức độ ban đầu như buông xả, thư giãn tâm lý, chứ không đi sâu được. Ban đầu đừng kỳ vọng nhiều quá, vì sẽ tự gây áp lực cho mình. Hãy bắt đầu với thiền như một trò chơi, như quan sát hơi thở bụng.

 

Tự thực hành sẽ giúp mình biết mình nên hướng đến nếp sống tâm linh, biết những gì nên buông bỏ. Sau đó, nên tìm đến những vị Thầy.

 

Thiền giúp người dễ ngủ hơn nhưng không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tiến trình ngủ của con người. Có thể còn do các chất nội tiết, hóc môn của con người. Ví dụ như phụ nữ ở tuổi mãn kinh hay bị mất ngủ do thay đổi hóc môn trong cơ thể. Thiền không làm họ ngủ được cũng giúp họ không mắt bệnh hay thấy khó chịu khi không ngủ được.

 

10) Áp lực và căng thẳng tâm lý do người thân tạo ra thì làm thế nào? Con đã thử nhiều cách để thuyết phục nhưng thất bại và thấy bế  tắc.

Không phải lúc nào cũng chiều theo người thân. Nên giải thích bằng những lời nói đùa để người thân không quá quan trọng hóa điều đó, giúp người thân ra khỏi tâm lý và lo lắng đó.

 

Hết.

10563135_1449667771986145_9173373076749463930_n