Samanta
Thân gửi các bạn,

Tiếp theo phần trước, sau đây là một số trích đoạn trong bài nói chuyện của sư cô, Ban phục vụ xin phép trích đăng tại Sự kiện Samanta để mọi người cùng đọc.

 

#1: Bản thân Sư cô sau một thời gian sống tại tu viện trong rừng cũng mong muốn đem những điều mình đã tu học ra giúp đỡ xã hội nên đã chọn nước Mỹ là điểm đến tiếp theo của mình. Khi sống tại Mỹ, sư cô nhận ra một nghịch lý là người Mỹ thấy cuộc sống của mình rất nhiều lo toan, căng thẳng, bất hạnh trong khi giới trẻ Việt Nam, Trung Quốc … lại mong muốn đời sống như vậy, mơ ước nước mình thành giống như nước Mỹ. Họ đi làm cả ngày, trên đường đi làm và về nhà bị kẹt xe, nhà cửa tiện nghi nhưng không có thời gian và sức lực để hưởng thụ. Họ phải trả rất nhiều loại phí, bảo hiểm … Làm ra nhiều tiền chỉ để trả phí như vậy có đáng không? Người Mỹ nói: chúng tôi đang ở trong 1 guồng máy mà nếu không chịu quay theo thì sẽ bị nghiền nát hoặc văng ra bên ngoài. Xã hội Việt Nam chưa nhưng cũng sắp bước vào guồng quay đó.

 

#2: Trong cuộc sống này điều gì đem lại hạnh phúc và khổ đau nhiều nhất: Từ mối quan hệ của mình với những người xung quanh và với chính bản thân mình. Hạnh phúc không phải là đạt được những gì mình muốn mà là vui thích với những gì mình đang có. “Happiness is not getting what you want but wanting what you have.” Nếu bạn không hài lòng với chính bản thân mình hay những người xung quanh thì sẽ luôn thấy bất hạnh.

 

#3: Chánh niệm đưa chúng ta quay lại tiếp xúc với những gì mình đang có: thân thể, cảm giác … – những thứ lúc nào chúng ta cũng có nhưng không nhớ, không để ý đến chúng. Tiếp xúc không phải là tiếp xúc với sự đòi hỏi, chỉ trích mà là chỉ tiếp xúc với tâm cởi mở, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính bản thân mình. Nếu lãng quên thực tại mà mơ mộng, giày vò mình với nghĩ ý nghĩ rối rắm: lo lắng, hối tiếc mà không giải quyết được gì và chỉ thực hiện những nỗ lực không cần thiết.

 

#4. HỎI ĐÁP:

 

1) Dựa vào đâu hay tiêu chí nào để biết mình hành Thiền đúng đắn?

Tu sai có thể bị tẩu hỏa nhập ma, do đó cần có tiêu chí để biết mình tu đúng mặc dù xác suất bị tẩu hỏa nhập ma đó là rất nhỏ.

Tiêu chí ở đây là: thứ nhất mình có bớt căng thẳng, lo âu hay không? Mình có trở thành người dễ thương hay không hay càng ngày càng là người khó chịu. Đầu tiên là dễ thương với chính mình. Bạn hãy tự hỏi mình có thể dễ thương với cơn mưa không, có thể chúc mình một ngày mới tốt đẹp hay không. Có thể dễ thương với mình rồi thì mới có thể dễ thương với người khác được. Có hạnh phúc an vui rồi chia sẻ nó cho những người khác bằng những lời nói, hành động giúp đỡ, an ủi … của mình. Nếu tu thiền mà trầm cảm, khó chịu, sống khép kín thì không đúng. Sống cởi mở, thoải mái hơn, chứ không phải phủ lấp những gì mình đang có bằng những thứ hào nhoáng bên ngoài.

 

2) Vị trí của thiền trong tu hành

Tu hành đạo Phật gồm ba bước chính:

Bố thí (dāna): có niềm tin nhân quả, biết làm phước (giúp đỡ những người khác)

 

Trì giới (sīla): Xây dựng cho mình nền tảng đạo đức, có các nguyên lý sống, để không đánh mất mình trong những sóng gió của thời cuộc, mốt, trào lưu của cuộc đời hay không do áp lực của đời sống mà làm những điều mà mình hổ thẹn. Đạo đức là có những chuẩn mực sống nhất định, không đánh mất mình. Ngũ giới bao gồm năm điều: không sát sinh: tôn trọng sự sống; không trộm cắp: tôn trọng tài sản, sở hữu của người khác; không tà dâm: tôn trọng hạnh phúc gia đình mình, gia đình người khác và ổn định xã hội; không nói dối: tôn trọng sự thật, không nói những lời ác ý, gây chia rẽ, lời vô ích, lướt web vô nghĩa, thay vì đó có thể làm những việc có ích: đọc sách, tập yoga, giúp đỡ người thân; không dùng rượu, các chất gây nghiện. Các giá trị sống theo trào lưu của xã hội thường hay thay đổi, và có nhiều điều phù phiếm mà mình không nên chạy theo.  Nên áp dụng các giá trị sống hướng về Chân Thiện Mỹ

 

Hành thiền (bhāvanā): nghĩa là phát triển tâm. Tâm mình cũng cần phát triển chăm sóc giống như thân thể vậy. Nuôi dưỡng tâm như thế nào để nó trong sáng, lành mạnh, làm cho mình hạnh phúc, an vui. Thiền là giai đoạn ba nhưng người Tây phương lại thường bắt đầu với Thiền. Họ tìm đến các khóa tu miễn phí vào ngày nghỉ cuối tuần, chấp nhận khép mình trong kỷ luật của thiền viện để có những ngày nghỉ cuối tuần miễn phí và thanh thản. Sau đó, họ cảm động trước tinh thần phục vụ của thiền sư và các Phật tử và bắt đầu theo đạo Phật một cách tự nguyện.

 

(còn tiếp)

10468206_1428498900769699_8568827855649443849_n