TINH HOA VĂN HÓA DƯỠNG SINH
CHƯƠNG II. THUẬT DƯỠNG THẦN
1. TÂM TRONG, DỤC ÍT
Thế nào là chân nhân?
Chân nhân ngày xưa, không phạm sai lầm, không kiêu căng khi thành công, không phí tâm mưu tính. Chân nhân ngày xưa, ngủ không nằm mộng, cảm giác không lo. Được như vậy thì lỡ sai không hối tiếc, nên việc không kiêu ngạo.
Chân nhân ngày xưa, không ham sự sống, không sợ cái chết; không quên nguồn gốc; không cầu dựa dẫm.
Chân nhân ngày xưa, sừng sững mà không nghiêng, có góc có cạnh mà không cố chấp, tuy rộng khắp mà không hao sút, thanh thản thư thái, vẻ muốn động mà tĩnh lặng, chí bốn phương chẳng câu thúc gì, lời nói chẳng liến láu như người ngây, chẳng xem trời với người là riêng biệt. (Trang Chu – Trang Tử).
Lắng ham muốn, sạch trong tâm
Tâm trong thân thể là ở vào địa vị quân vương một nước. 9 khiếu có các chức năng khác nhau, cũng như phận sự của trăm bề tôi vậy. Tâm làm theo quy luật thì 9 khiếu tuần tự thi hành chức trách. Nếu dục trong bừng bừng thì mắt chẳng nhìn thấy màu sắc, tai chẳng nghe được âm thanh.
Vì vậy, nếu tâm làm trái quy luật vĩnh hằng là sạch lòng ít dục, thì các bộ phận trong cơ thể con người sẽ mất đi công năng của nó.
Lắng ham muốn thì tâm sẽ phát huy tác dụng chủ thể của nó. Tâm trong sạch thì 9 khiếu lưu thông không hề trở ngại.
Diệt trừ mọi ham muốn và hư vọng, lại biết thuận theo tự nhiên, sự thông minh trí tuệ sẽ tràn đầy. (Quản Trọng – Quản Tử).[1]
Tu nhân chính hình
Đạo dưỡng sinh, dùng lời nói không rõ, dùng mắt nhìn không tỏ, dùng tai nghe không thấu. Chỉ có phương pháp tu thân dưỡng tính khiến cơ thể con người khỏe mạnh. Người ta không được phép dưỡng sinh này thì chết, mà được nó thì sống.
Đạo dưỡng sinh vừa kín kẽ vừa khoan dung, vừa bền chắc. Những người đeo đuổi hoan lạc thì chất dịch trong phủ tạng sẽ giảm nhiều. Đã biết ham muốn nhiều sẽ nguy hiểm, thì nên quay lại tu dưỡng đạo đức. Trong thân thể có trái tim là chủ cho sự hoàn mỹ của tu tâm dưỡng tính, mọi ưu điểm của nó đều hiện ra. Sự an tường hài hòa trên vẻ mặt sẽ làm làn da rạng rỡ.
Con người sinh ra, trời ban tinh khí, đất cấp hình thể, kết hợp nên người. Tinh khí và hình thể hòa hợp nhau thì sinh ra con người, nếu không hòa hợp thì không sinh thành được.
Tính khí là cái mắt không thấy được, đặc trưng của nó không thể phân loại được. Nguyên khí gìn giữ trong lồng ngực, xử thế công bằng, thì có thể trường thọ. (Quản Trọng – Quản Tử).
Mạch của người khỏe mạnh
Con người thở ra 1 lần, mạch sẽ đập 2 nhịp; hít vào 1 lần, mạch cũng đập 2 nhịp; hít thở rồi, còn dừng thở nữa. Nếu 1 lần hô hấp, mạch động 5 nhịp, là vì hít thở lâu hơn để thu trọn số nhịp mạch đập thừa, đây là mạch của người khỏe mạnh.
Người khỏe mạnh là người không có bệnh. Thông thường, lấy mạch con người không có bệnh làm chuẩn mức để đo mạch của người ốm. Bác sĩ không có bệnh, thì có thể dùng mạch của bản thân để đo mạch của bệnh nhân, đó là nguyên tắc chẩn mạch.
Thân thể: 5 thương 4 tổn
Thân thể con người, mùa hạ nên mát, mùa đông nên ấm. Thần khí của tâm phát ra mắt, gọi là nhìn. Tinh khí của thận phát ra tai, gọi là nghe. Linh hồn của tỳ phát ra mũi, gọi là hít thở. Phách phí của mật phát ra miệng, gọi là nói.
Tiết kiệm nhìn để dưỡng thần. Tiết kiệm nghe để dưỡng hư. Tiết kiệm lời để dưỡng khí, tiết kiệm dục để dưỡng tinh. 5 sắc màu khiến mắt mù, mắt chìm trong sắc màu thì bị tiêu tan trong đó. 5 âm thanh khiến tai điếc, tai ngập vào âm thanh bị tiêu huỷ trong đó. 5 mùi vị làm miệng loạn, miệng tham 5 mùi vị thì bị tiêu tan trong đó. 5 hơi thở khiến mũi tắc, mũi ngập 5 hơi thử thì tiêu tan trong đó.
Cho nên, người xưa mắt không nhìn màu đáng ghét, tai không nghe tiếng dâm dật, đó là phòng ngừa tinh thần bị tan rã.
Quá vui thì làm thương tâm, quá giận thì hại can, quá sợ thì hại thận, quá buồn thì hại phế, quá nghĩ thì hại tỳ. Đó là 5 vết thương.
Nhìn lâu hại máu, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại thịt, đứng lâu hại xương, đi lâu hại gân. Đó là vết thương vì 5 sự lao lực.
Nhìn quá tổn sáng, nói quá tổn khí, nghĩ quá tổn thần, muốn quá tổn tinh. Đó là 4 sự tổn hại
Tỳ suy nhược, sinh trăm bệnh
Tỳ vượng sinh sôi muôn vật, tỳ suy nẩy sinh trăm bệnh. Ngày xưa, ông Đông Pha điều hòa tỳ, ăn không quá một miếng thịt, uống không quá một hớp nước. Có người rủ uống thì bảo rằng: một là an phận để dưỡng phúc, hai là cho dạ dày thảnh thơi để dưỡng khí, ba là tiết kiệm tiêu phí để dưỡng tài. Người khéo vệ sinh thì dưỡng nội, không khéo vệ sinh thì dưỡng ngoại. Dưỡng nội thì yên ổn phủ tạng, điều hòa huyết mạch; dưỡng ngoại thì tham mọi vị ngon, say mọi thứ vui, tuy cơ bắp phổng phap, mà khí lại quá mạnh, bên trong ăn mòn cả phủ tạng. (Dương Kế Uyên – Châm cứu đại thành).
Vị (dạ dày)
Dạ dày là bể lớn của 5 phủ 6 tạng, mọi thức lúa gạo đều đổ vào dạ dày, 5 phủ 6 tạng đều được thụ khí từ đó. 5 vị thức ăn đều tìm được sự thích ứng:
Vị chua thì vào can trước, vị đắng thì vào tâm trước, vị ngọt thì vào tỳ trước, vị cay thì vào phế trước, vị mặn thì vào thận trước. Khi lúa gạo chuyển thành nước dịch, lan tỏa toàn thân; phần cám bã được chuyển xuống đại tràng, bàng quang, thành chất thải và bị tống ra ngoài. (Hoàng đế nội kinh)
Tỳ vị là bể của khe hang
Con người mới sinh ra, gốc là ở nguồn của tinh huyết; con người đã sinh ra, cội là do khe hang. Không có tinh huyết thì không nên nền móng của hình dáng, không có khe hang thì không có sức mạnh của hình thể. Chủ về tinh huyết là ở mệnh môn, chủ của khe hang là ở tỳ vị.
Mệnh môn lấy khí của tiên nhiên, tự nhiên mà có. Tỳ vị được khí từ hậu thiên, trong quá trình sống sinh ra. Cho nên con người từ lúc sinh ra đến khi già, dù tiên thiên bất túc nhưng được hậu thiên bổ trợ thì cũng vẫn khỏe mạnh. Khí của tỳ vị là khí hậu thiên, quan hệ chặt chẽ với sự sống con người. Không một động tĩnh nào của thân xác mà không dùng tới vị khí.
Bổ thận không bằng bổ tỳ
Tỳ vị khí mạnh thì ăn uống ngon miệng, ăn uống được thì chất bổ ngấm vào mới tác dụng. Bổ dưỡng thì cốt tuỷ phát triển, giữ tinh lợi huyết.
Tỳ gọi là đất ẩm, đất ẩm nảy sinh muôn vật, tỳ nhuận tỳ bảo dưỡng lâu dài phủ tạng. Vị thì lấy tính khô để thu nạp vật, tỳ lại theo tính ẩm để chuyển hoá vật. Tỳ khí mà không lan tỏa thì vị sẽ khô, ăn không vào, ăn ít cũng không tiêu hóa được. Ví như nồi không có nước thì không nấu chín được thức ăn vậy. (Đường Tôn Hải – Huyết chứng luận).
Năm tạng yên lành
Sách tiên dạy: ăn uống mức độ, tỳ thổ không rò. Giữ hơi ít nói, phế kim tự toàn. Cẩn trọng động tĩnh, tâm hoả tự định. Vinh nhục không kinh, can thuỷ yên lành. Điềm tĩnh không dục, thận thuỷ tự đủ.
Ba của báu của thân thể: Tinh – khí – thần
Thuỷ là tinh tuý của trời đất. Phong là hơi thở của vũ trụ. Hỏa là thần linh của tạo hóa. Con người lấy thuỷ làm tinh, hít gió làm khí, coi lửa là thần. Thuỷ không đâu không ngấm, không khe nào không vào, cho nên tinh của con người không đâu không có. Gió không đâu không thổi, cho nên khí của con người không có giới hạn. Không có giới hạn nên không có gì không thấu tỏ.
Con người được tinh – khí – thần, nhưng lại tiêu hao nó, rò rỉ nó, không thể phát huy đầy đủ tác dụng. Thành ra, tinh không nhuận da dẻ, khí không gợi hoạt động, thần không đầy sớm muộn. Rồi đột nhiên mất đi chẳng khác gì cây lụi gốc khô. Đáng tiếc làm sao! (Trang Nguyên Thần – Thúc Thư tử).
Ba của báu bên trong. Ba của báu bên ngoài
Sống là điều đáng mong, chết là điều đáng sợ. Cỏ cây bám rễ thì sống, rời đất thì chết. Tôm cá dầm nước, rời nước thì chết. Người sống nhờ hình, rời khí thì chết. Cho nên thánh nhân biết nơi khí ở để giữ gìn thân mình.
Sách tiên viết: tinh – khí – thần là của báu bên trong; tai – mắt – mũi là của báu bên ngoài. Thường xuyên khiến ba của báu bên trong không theo đuổi sự vật mà lưu lạc; ba của báu bên ngoài không mê đắm mà nhiễu loạn. Đừng để thân hình vất vả, đừng làm tinh khí dao động, lòng quay về yên tĩnh, là có thể sống lâu.
Thở khí trời để tinh thần thông suốt
Thánh nhân điều hoà âm dương, gân mạch bình hoà, xương cốt kiên cố. Như thế, khí huyết mới thông thuận. Trong ngoài điều hòa, tà khí không xâm phạm được, tai thông mắt sáng, khí đầy sung mãn.
Kinh Dịch nói: Trong chỉnh thể có âm, có dương, thế mới gọi là đạo. Tác dụng điều tiết âm dương, không nơi nào không lộ ra. Đạo tiên cũng thế. Hơi ở mũi thông lên trời, hơi ở miệng thông vào đất.
Con người chỉ biết há miệng ăn uống để thu nạp chất dinh dưỡng. Chỉ những ai hiểu biết phép dưỡng sinh mới biết hít thở bằng mũi để hấp thụ dinh dưỡng. Người hiểu phép dưỡng sinh thì không ăn uống quá nhiều chất bổ béo đến nỗi làm tổn thương thân thể. Họ hiểu rằng, hấp thu khí tự nhiên thì sẽ thông đạt tới thần minh. Hai cách hiểu trên theo năm tháng chuyển dời mà hiệu quả hiển hiện lại khác nhau, thành ra khó mà ngờ vực được.
Điều tiết ba quan
3 quan gồm: miệng là tâm quan, chân là địa quan, tay là nhân quan. 3 quan điều hoà thì 5 tạng yên ổn, 5 tạng yên ổn thì toàn thân không bệnh. (Đào Hoằng Cảnh – Chân cáo).
Đan điền
Thượng đan điền là rễ của tính, hạ đan điền là đài nâng mệnh. Chân nhân Bạch Ngọc Thiền nói: người ta khi ở trong bụng mẹ, cuống rốn nối liền với rốn mẹ, mẹ thở thì con thở, mẹ hít thì con hít. Đến lúc sinh ra, cắt cuống rốn đi phải tự hô hấp, lại nhận một chút khí phàm của mẹ cha ở hạ đan điền và gửi ở thận. Hạ đan điền còn có tên là huyền quan, trước liền như vòng, rộng 1 tấc 3 phân. Tổng cộng có 8 khiếu (lỗ); trước sau có 2 khiếu, ứng với càn khôn, trên thông với nê hoàn, dưới thông với dũng tuyền (gan bàn chân). 6 khiếu mặt bên ứng với 6 quẻ khảm, ly, chấn, tốn, đoài, cấn, thông với 6 phủ. Khí toàn thân đều thịnh vượng từ đây, như nước đổ về đông.
Vì vậy, hạ đan điền là nền tảng của mệnh.
Bảo toàn thiên tính
Người hiểu đạo thời xưa, cốt ở sự bảo toàn thiên tính. Bảo toàn thiên tính, tức là không đánh mất bản tính. Không đánh mất bản tính tức là đạo (quy luật thiên nhiên) luôn ở trong thân mình. Đạo luôn ở trong thân mình tức là thần khí trú ngụ trong cơ thể. Vì vậy, bảo toàn thiên tính là bậc tối cao; làm thất thoát thiên tính là hạng 2, đánh mất hoàn toàn thiên tính là hạng 3; bức sát cái chết là bậc thấp nhất.
Gọi là bảo toàn thiên tính, tức là cái ham muốn phù hợp với cái có được. Xa rời thiên tính dần dần không biết tôn sùng theo đuổi những điều đáng trọng. Làm mất đi thiên tính tức là ham muốn không phù hợp với những gì đang có, đều sẽ gặp phải những điều tai ác.
Nhục không gì lớn bằng bất nghĩa. Bất nghĩa tức là hoàn toàn đánh mất thiên tính đó. Cho nên, mất thiên tính thì chết còn hơn. Tai nghe thì mắt thấy, tai nghe những điều ác thì không nghe còn hơn; mắt trông thấy những việc ngoài ý muốn thì không nhìn còn hơn.
Người đánh mất thiên tính, như quả bóng lăn hết vòng thì quay lại, không tìm được phép trường sinh. (Trình Bản – Tử Hoa tử)
Thuật dưỡng khí
Người thông hiểu thuật dưỡng khí, không thể không giữ trong lòng thanh tịnh. Khí không thịnh vượng, tà khí ắt xâm phạm thân thể. Tà khí cứ xâm phạm mãi thì nguyên khí ắt bị tổn thương. Thương tổn liên tục ắt sẽ tiêu vong. Nguyên khí ngày một suy, tà thuật ngày một thịnh, tâm thương tổn bên trong mà nhan sắc bên ngoài thay đổi; thần khí xa rời thân thể thì sẽ chết đi.
Vì vậy, người hiểu quy luật phải bồi bổ để phòng tà, khơi thông nguồn mạch để nuôi nguyên khí, yên lòng nơi thanh tĩnh, không bị ngoại vật nhiễu loạn.
Khí được lưu thông như nước xuôi dòng, như nhật nguyệt đắp đổi không ngừng, âm giúp tạng, dương giúp phủ, nguồn mạch dạt dào, đầy mà không dâng, nhiều mà không trào. Như vậy sẽ sống lâu. (Trình Bản – Tử Hoa tử).
Giữ tinh thần bên trong
Bậc đạt đạo dạy rằng, nhiều khi nên tránh khí độc, giữ lòng an nhàn thanh tịnh, rũ sạch ý nghĩa sai lầm, chân khí sẽ khai thông, tinh thần giữ trọn vẹn bên trong không hao phí.
Tâm an tịnh thì ít dục vọng, không sợ hãi, hoạt động vừa đủ không quá độ, khí huyết toàn thân lưu thông, mỗi ý nguyện đều được đáp ứng. Làm được như vậy thì ăn cơm gạo lứt cũng thấy ngon ngọt, trang phục thoải mái không phải kỳ công, hòa mình vui vẻ trong mọi tập tục, không phân biệt địa vị cao thấp để ngưỡng mộ.
Người như vậy thì mọi ham muốn không làm mờ được mắt họ, mọi tà dâm không thể làm mê được lòng họ. Họ sống trăm tuổi mà động tác không già lão.
Đó là vì chân khí đạo đức sung mãn, nên tinh thần bên trong không suy vi. (Hoàng đế nội kinh)
Gốc của dưỡng sinh
Trời sinh âm – dương, nóng – lạnh, khô – ẩm, chuyển hóa 4 mùa, biến đổi muôn vật, không gì không lợi, không gì không hại. Người nắm được phép dưỡng sinh thì am tường quy luật chuyển hóa âm dương, phân biệt cái lợi ích cho muôn vật đem lại cho sự sống. Vì vậy, tinh thần yên ổn trong hình thể, tuổi thọ được lâu dài. Lâu dài tuổi thọ không phải là cố gắng kéo dài sự đoản mệnh, không phải là cứ ốm đau là bồi thuốc bổ để mong sống thêm. Lâu dài tuổi thọ là khiến cho bản thân được hưởng trọn tuổi trời một cách khỏe mạnh thư thái.
Để lâu dài tuổi thọ, phải tránh xa nguy hại. Vậy nguy hại là gì? Quá ngọt, quá chua, quá đắng, quá cay, quá mặn, năm vị này quá nhiều trong cơ thể sẽ sinh ra nguy hại. Quá mừng, quá giận, quá lo, quá sợ, quá buồn, năm tình này tiếp xúc với tinh thần sẽ sinh ra nguy hại. Quá lạnh, quá nóng, quá khô, quá ẩm, quá gió, quá mưa, quá mù, bảy loại thời tiết này phạm vào tinh khí của con người sẽ sinh ra nguy hại.
Cho nên, phép dưỡng sinh, không gì bằng hiểu gốc, hiểu gốc thì bệnh tật không thể tới được. (Lã Bất Vi – Lã thị xuân thu)
Trị thân dưỡng tính
Người tử tế đầy chính khí, kẻ tiểu nhân ngập tà khí. Bên trong theo bản tính, bên ngoài hợp nghĩa lý, theo lý mà làm, không phụ thuộc vào ngoại vật; đó là chính khí. Coi trọng cảm giác, chìm vào thanh sắc, mừng giận bất thường, không lo hậu hoạ; đó là tà khí. Tà và chính làm tổn thương nhau, dục vọng và bản tính làm hại nhau, không thể chung cùng, vì vậy người nắm chắc phép dưỡng sinh lược bớt dục vọng để làm việc theo bản tính.
Mắt ưa màu, tai ưa tiếng, miệng ưa vị. Được nó là thích mê, không biết lợi hại; thế gọi là hiếu dục. Ăn không yên trong cơ thể; nghe không hợp với quy luật, nhìn không thuận với bản tính, tai – mắt – miệng giao tranh. Khi ấy, phải dùng nghĩa lý để chế ngự, đó là sự phát huy tác dụng của tâm.
Xem ra, dục vọng không thể lấn át được sáng suốt.
Phép trị thân dưỡng tính nói chung, điều tiết trong ngoài, ăn uống thích đáng, mừng giận hài hòa, động tĩnh phù hợp, khiến cho bản tính được giữ gìn, tà khí không thể sinh ra, mà còn có thể dự liệu phòng bị được các mầm bệnh. (Lưu An – Hoài Nam tử)
Năm cái khó của dưỡng sinh
Dưỡng sinh có 5 khó khăn: không diệt trừ được sự ham muốn danh lợi, là một; không trừ bỏ được tình mừng giận, là hai; không xa lánh được thanh sắc, là ba; không dứt bỏ được thèm thuồng mùi vị, là bốn; tinh thần lầm lạc, tinh khí tán loạn, là năm.
5 trở ngại còn đó, dù tâm nguyện trường sinh, miệng làu danh ngôn, lời nói tinh hoa, hô hấp chân khí, thì cũng lực bất tòng tâm, trung niên đã già lão.
5 trở ngại đã diệt bỏ, thì lòng tin tràn đầy, mọi việc hanh thông ngày ngày tăng tiến, phẩm chất vẹn toàn, không cần mà tự có phúc, không nguyện mà tự được thọ. Đó là tinh thần cơ bản của dưỡng sinh. (Kê Khang)
Yên lòng trong đạm bạc
Danh vọng và thân thể, cái nào thân hơn? Thân thể và tiền của, cái nào cần hơn? Dùng hạt ngọc minh châu ném con chim sẻ, người ta cười cho, vì được thì chẳng mấy mà phải quá nhiều.
Thân này đã 65 năm, tai mắt kém đi đến nửa, huyết mạch như nước chảy loạn dòng, tâm phiền chẳng yên. Thân như nước trôi, nhắm mắt thấy chẳng khác gì cánh hoa lưu lạc. Thần hồn suy nhược kém trước, ăn uống yếu hẳn ngày xưa. Nhưng việc đời phải gánh, bệnh già ngày một nặng.
Biết xử việc theo sức vốn có, thì khác gì có ngọc minh châu. Yên trong đạm bạc, ít nghĩ giảm muốn, ít nói để dưỡng khí, không vất vả việc lầm lạc để dưỡng hình, lắng tâm để giữ thần. Thọ yểu được mất đã có số. Biết vậy thì tự nhiên khí huyết hài hòa, tà loạn không thể phạm, bệnh tật không thể nguy. Kiên trì như thế, gần đạo rồi đó. Chân lý dưỡng sinh cũng sẽ tự đến. (Lý Đông Viên – Tỳ vị luận)
Ít dục để sửa mình
Lòng trong lắng, ít ham muốn, đó là xương cốt của tuổi thọ. Cứu người, yêu vật, đó là huyết mạch của tuổi thọ. Điều tiết ăn uống, thận trọng cử chỉ, đó là da dẻ của tuổi thọ.
Người ngày nay mỗi kỳ sinh nhật thì giết thịt uống rượu, khách khứa đầy nhà, ngâm thơ hát khúc thần tiên, lời suông tán sáo, chẳng chút nào để ý đến sinh mạng.
Người nhà quê thì thê thiếp ít, ăn đạm bạc, giảm ham muốn, tâm khí bình. Chuyện này người quyền quý quan dạng khó mà hiểu được.
Hoạ không gì lớn bằng không biết đủ
Người có ham muốn thì tâm trí loạn. Tâm trí loạn càng ham muốn nhiều. Ham muốn nhiều thì tà tâm thắng. Tà tâm thắng thì trí suy kiệt. Trí suy kiệt thì tai hoạ xảy ra.
Vì vậy, người hiểu phép dưỡng sinh, mặc chỉ để chống rét, ăn chỉ để chống đói, chứ không đeo đuổi ăn sang mặc đẹp.
Lầm không gì nguy bằng hám lợi
Hám lợi thì phải suy nghĩ để có lợi. Suy nghĩ thì bệnh sinh ra, bệnh sinh thì trí tuệ suy, trí tuệ suy thì mất sáng suốt. Mất sáng suốt thì hay vọng động. Vọng động thì gọi là tai họa tới. Họa tới thì bệnh quấy đảo nội tâm, khiến nội tâm đau đớn, bức bách khiến ngoại hình khổ sở. Khổ sở khiến người ta quay cuồng, quay cuồng thì không nhận ra sai lầm. Từ đó càng hám lợi.
Một lòng tu đức
Người ta có lòng thiện, trời sẽ chiều cho. Nước có tai họa, người chủ vững đức thì họa sẽ lui. Với mỗi cá nhân, có đức sẽ tránh họa vào thân.
Thế nào gọi là tu đức? Tức là hối hận sửa đổi. Xoá bỏ thói xấu cũ, giác ngộ lầm sai ngày trước, luôn luôn đổi mới, gọi là thực sự hối hận, thực sự sửa lỗi. Làm như vậy, lòng trời tự nhiên chiều ý, tai họa tự nhiên giải trừ. (Phan Tiếp – Y đăng tục diệm)
Sống cùng muôn vật
Sống – chết; còn – mất; bần cùng – giàu sang, hiển đạt; tài và bất tài; đói – khát; nóng – lạnh; đó là sự biến hóa của muôn vật, là biểu hiện của số phận. Ngày và đêm mối nhau xoay vòng, trí tuệ con người không thể hiểu nó bắt đầu từ đâu. Người hiểu được thì không có sự biến hóa muôn vật làm nhiễu loạn đạo trung hòa trong bản tính, trong tinh thần.
Giữ gìn thái độ tự tại an nhàn khiến cho đạo trung hòa lưu thông, lại không đánh mất sự nối tiếp, như nhật nguyệt thay nhau không hề gián cách, làm cho con người và muôn vật cùng sinh cùng tồn. Đó là tuân theo quy luật sinh trưởng của muôn vật, khiến tâm và muôn vật cùng thông. Người làm được vậy là người toàn vẹn đạo đức. (Trang Chu – Trang Tử)
Tu dưỡng thân thể, tinh thần
Chữa bệnh chẳng bằng phòng bệnh. Có bệnh mới tìm cách chữa là phương pháp của nhà y học. Chưa có bệnh đã chặn, đó là nguyên lý dưỡng sinh.
Nếu biết tích cực dự liệu như vậy thì còn gì phải lo nữa? Đó là lý do để người giỏi dưỡng sinh không coi trọng chữa bệnh bằng cách đề phòng bệnh.
Ăn ngon, tâm còn gì phải lo. Nếu giỏi bảo dưỡng thân thể và tinh thần, thì chú ý dự phòng sự phát sinh bệnh tật, cẩn thận theo dõi cử chỉ, không quên điều tiết, tu dưỡng. Ăn uống là việc quan trọng nhất, quan hệ tới sự an nguy của sinh mạng, phải chú ý lựa chọn. Lo sợ bệnh tật mà cầu bác sĩ, chẳng bằng rõ đạo dưỡng sinh để dự phòng nó.
Gìn giữ là gốc
Thân thể coi an vui là gốc, an vui là coi gìn giữ là gốc. Gốc kiên cố thì bệnh tật làm sao mà sinh ra được, tai nạn từ đâu mà ập tới được. Phép dưỡng sinh, không gì không ở đó. Cỏ cây vô tri còn biết nhờ tưới bón. Huống hồ con người là linh thiêng nhất trong muôn vật, há chẳng gìn giữ hay sao? Gìn giữ có muôn ngàn cách.
Về thuốc thì có 3 thuật: một là dưỡng thần, hai là dưỡng khí, ba là phòng bệnh. Quên dục bỏ lo, điềm đạm an nhàn, bỏ phiền giữ chân, trong ngoài không ham hố. Được vậy, thần trí bên trong không hao tổn, cõi lòng không bị cảnh ngoài mê hoặc, thuần nhất không tạp, tinh thần tự ổn. Đó gọi là dưỡng thần. Gồm bao gốc rễ chuyên nhất, giữ vững tinh khí chân bản, mọi sai nhầm tiêu tán, khí hạo nhiên hòa hợp cùng khổ công tu dưỡng. Đó gọi là gìn giữ nguyên khí. Ăn uống điều tiết, nóng lạnh vừa độ, ra ngoài không bị tà phạm phải, trong nhà không phải gắng gượng, tự thân sẽ yên định. Đó gọi là phòng bệnh.
Tuỳ vật mà chuyển hóa
Người thấu hiểu quy luật đời sống thì không bao giờ theo đuổi những vật không thể có, những việc không thể làm. Gìn giữ hình thể nhất định phải dựa vào điều kiện vật chất làm cơ bản, nhưng cũng có người được hưởng điều kiện vật chất rất tốt mà không thể hiểu được phép dưỡng sinh. Muốn sống, đầu tiên không thể tách rời hình hài; nhưng cũng có người, sống mà như chết. Sinh ra là việc không thể chối, chết đi là việc không thể ngăn. Người đời cho rằng bảo toàn thân thể là hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ, nhưng thực ra thì không phải vậy, tại sao người đời cứ mải theo?
Nếu muốn tránh vất vả kiếm sống, chẳng gì bằng diệt trừ ham muốn, vứt bỏ dục vọng, tâm tình sẽ yên ổn, khiến tâm cùng muôn vật chuyển hóa không ngừng. Vứt bỏ ham muốn thế sự làm cho hình thể khỏ mệt mỏi hao tổn, dễ đường hòa hợp với thế giới tự nhiên. Như vậy gọi là tuỳ theo muôn vật mà chuyển hóa.
Ba điều răn, ba điều vui
Quân tử có 3 điều răn: khi còn nhỏ, khí huyết chưa ổn định, phải cảnh giác với sắc đẹp. Lớn lên rồi, khí huyết mới dậy, phải cảnh giác với va chạm. Già đi, khí huyết suy yếu, phải cảnh giác với tham danh lợi.
Có 3 điều vui bổ ích, 3 điều vui tổn tại. Vui điều tiết lễ nhạc, vui điều giỏi của người, vui có nhiều bạn hiền, vậy là bổ ích. Vui kiêu ngạo xa xỉ, vui rong chơi, vui yến ẩm, vậy là tổn hại. (Khổng Tử)
Không ham muốn, không theo đuổi
Ưu sầu tích tụ quá nhiều không thể tự phát sẽ làm tổn hại linh hồn. Buồn thương tích tụ quá nhiều không thể tự khống chế sẽ làm hao tán thể phách. Quá vui quá buồn khiến tâm thần không yên. Giận hờn yêu tiếc không kiềm chế khiến tinh thần và thể xác chia lìa. Quá đeo đuổi vật dục khiến tinh thần phiền não, rối loạn; suy tư quá gắt gay khiến tinh thần suy yếu.
Vì vậy, người giỏi phép dưỡng sinh gìn giữ cõi lòng đạm bạc, không ham muốn; không buông thả hành động. Người không hiểu phép dưỡng sinh thì phóng túng bản thân, ham muốn vật chất chưa kịp tận hưởng thì thân xác đã chịu thương tổn. (Bành Tổ nhiếp sinh dưỡng tính luận)
Đạo trung hòa
Tâm không nhiễu loạn lo buồn vui sướng, đó là điểm tối cao của đức. Liên hệ với ngoại vật nhưng không bị nó mê hoặc, đó là điểm tối cao của tĩnh. Trong tâm không ham muốn, đó là điểm tối cao của hư. Trong tâm không yêu ghét, đó là điểm tối cao của hình. Không náo loạn vì ham muốn vật chất, đó là điểm tối cao của thần. Đạt được 5 điểm này, sẽ khiến cho tinh thần thông đạt. Đó là người đã đạt được tinh thần chân chính của quá trình nội tu bản tính.
Người biết nội tu bản tính, chế ngự ngoại giới, thì làm việc gì cũng thành công. Năng lực nội tu bản tính càng cao, sức khống chế ảnh hưởng ngoại giới và năng lực dưỡng sinh càng mạnh.
Nội tu bản tính đến đích thì năm tạng ổn định, suy nghĩ bình yên, gân cốt cứng mạnh, tai mắt sáng láng, làm việc thông đạt mà không trái lý, kiên cường mà không tổn thất, không phạm sai lầm lớn, không việc gì không thành. Người như vậy ở nơi nhỏ mà không thấy chật hẹp, ở nơi lớn mà không thấy quá rộng, linh hồn không dao động, tinh thần không phiền não.
Khéo dưỡng sinh thì không vì nhu cầu bản thân mà lệ thuộc vào sự vật, không vì ham muốn vật chất mà làm nhiễu loạn tâm trung hòa. Vì thế, khi vui không bộc lộ vẻ vui, khi buồn không bộc lộ nỗi buồn. (Lưu An – Hoài Nam tử).
Thận trọng giữ gìn hình – thần – khí
Không vì đang khỏe mạnh mà vui (không biết lo xa), không vì thiếu mà buồn, không vì hèn mà gấp gáp. Hình, thần, khí, chí, mỗi cái có vị trí của mình, hoạt động tuỳ theo sự sắp đặt bẩm sinh. Hình là nơi trú ngụ của sự sống. Khí là môi trường của sự sống. Thần là sự thống lãnh sự sống. Một cái không đúng vị trí khiến cả ba cùng tổn thương.
Vì vậy, hình mà không được ở nơi yên ổn thì bỏ đi, khí mà không đầy đủ cho sự sống thì tiêu tán, thần mà không hoạt động phù hợp thì mờ tối. Ba điều này, nhất định phải gìn giữ thận trọng.
Bảo dưỡng tâm thần
Vui buồn là thứ dục tình không bình thường ảnh hưởng tới tu tâm. Mừng giận là dục vọng sai lầm tác động vào dưỡng tính. Yêu ghét khiến cho lòng căng thẳng. Vì vậy, có câu rằng, sự sống vận hành cùng đất trời, cái chết biến hoá như muôn vật. Khi yên tĩnh tức là âm khí trong cơ thể phát ra. Tinh thần điềm đạm tĩnh lặng là đạt mức tối cao, không bị ngoại vật mê hoặc khiến tâm không bị bó buộc.
Cho nên, tâm là chủ của hình, thần là vật báu của tâm. Hình hài liên tục vất vả sẽ ngả gục, tinh lực hao phí quá độ sẽ cạn kiệt. Người giỏi dưỡng sinh rất coi trọng tâm thần và bảo dưỡng nó, không dám để tâm thần hao phí. (Lưu An – Hoài Nam tử)
Trở về bản tính tự nhiên
Xem thiên hạ là thường thì tinh thần không phiền luỵ. Xét kỹ muôn vật, thì tâm không mê hoặc. Coi sống chết ngang nhau thì ý chí không sợ hãi. Xem biến hóa là tất nhiên thì trí tuệ không mê loạn.
Người ta quá giận thì phá âm khí, quá vui thì lạc dương khí, quá lo thì bên trong rạn vỡ, quá sợ thì sinh ra cuồng dại. Khử bẩn trừ phiến, không gì bằng phòng tránh trước khi nó tới. Mắt sáng mà không trông, tai lặng mà không nghe, miệng giỏi mà không nói, lòng tĩnh mà không lo. Bỏ mưu toan, trở về chân thực, để tinh thần nghỉ ngơi mà rũ bỏ tính toán, thấu hiểu mà như không biết, coi sống chết là như nhau, rốt cuộc sẽ quay về với bản tính. (Lưu An – Hoài Nam Tử).
Cẩn thận bản thân, coi lo sợ là gốc
Phép dưỡng sinh, trước hết phải cẩn thận ngay bản thân mình. Thận trọng bản thân, lấy lo sợ là gốc. Hoàng đế nội kinh viết: “Người không biết lo sợ thì đại họa sẽ tới”. Lo với sợ là cửa vào của sự sống chết, là nguyên do của sự mất còn, là cột rễ của việc phúc họa, là đầu mối của việc lành dữ.
Người trí thức không biết lo sợ thì không đạt nhân nghĩa. Nhà nông không biết lo sợ thì mùa màng không to. Người thợ không biết lo sợ thì không có quy củ. Buôn bán không biết lo sợ thì lãi thu không nhiều.
Phép dưỡng sinh, không lo sợ thì tâm rối loạn, hình hoảng hốt, tinh thần toán loạn, tinh khí không tụ, ý chí mờ tối. Từ đó đến nỗi, đáng sống thì chết, đáng còn thì mất, đáng thành lại bại, đáng lành hóa dữ.
Biết lo biết sợ, như là đối với nước với lửa, không một phút lơi là. (Vương Chuyên – Đường Hội Yếu – Y Thuật)
Tĩnh dưỡng trung khí
Ăn uống để dưỡng trung khí như phun nước cho tươi hoa lá. Tĩnh dưỡng tinh thần để bồi bổ trung khí, như tưới nước vào gốc rễ. Thường có trường hợp đã chết nhiều phút rồi sống lại, là bởi trung khí chưa mất hết, được an tĩnh trong mấy phút thì khí lại được nạp khiến hô hấp hồi sinh.
Bệnh dù nguy, nếu chưa chết, trung khí vẫn còn, nếu biết lợi dụng cách dưỡng khí này thì không hề khó cứu. Phép này cần gối cao, đệm mềm, nằm nghiêng co mình, không nghĩ mọi việc, tinh lực thu vào đan điền (vùng quanh rốn), tinh khí toàn thân tự nhiên lâu ngày, cũng có thể hồi sinh. Người giỏi sinh dưỡng mới thực hiện công hiệu được. (Vương Yên Xương).
2. LẠC QUAN
Bình tĩnh vui vẻ
Tâm thanh thản thì sắc mặt không cau có, mắt được bảo dưỡng, âm thanh không gấp gáp, tai được gìn giữ. Ăn rau uống canh để giữ miệng, mặc áo thô đi dày mềm để giữ thân. Không lệ thuộc muôn vật để đi dưỡng niềm vui, không theo đuổi tước vị để giữ gìn tên tuổi. (Tuân Khanh – Tuân Tử)[2]
Biết đủ thì sẽ luôn thấy đủ
Tội không gì lớn bằng ham muốn. Hoạ không gì lớn bằng không biết đủ. Sai lầm không gì lớn bằng muốn cho bằng được. Vì vậy, biết hài lòng với những gì mình có thì luôn thấy sung túc. (Lão Đam – Lão Tử)
Bình ổn khí, thuận hòa tâm
Được tôn kính mà không kiêu ngạo, bị khinh rẻ mà không phẫn nộ, chỉ có người hoà đồng với tự nhiên mới làm được như vậy. Muốn yên tĩnh thì tâm bình khí hòa, muốn tâm thần hài hòa thì phải thuận theo tâm, việc làm ra sẽ thích đáng, thuận theo tự nhiên, con người gắng cầu cũng không được. (Trang Chu – Trang Tử)
Cõi lòng thanh thản, Từ – Kiệm – Hòa – Tĩnh
5 tạng trong cơ thể, can chủ về nhân, tâm chủ về lễ, phế chủ về nghĩa, thận chủ về trí, tỳ chủ về lòng tin. Vì thế, ngồi lặng yên, không mải nhìn vật nào, sẽ thấy mọi ham muốn đều thỏa mãn.
Luôn phải tìm thầy dạy, chẳng bằng tự mình giải toả chính mình. Mời bạn bè uyên bác nói chuyện về việc đời, cũng đã đủ để gột sạch phiền não, khai mở tâm ý. Sầu tư kết tụ, khiến tâm thần ứ đọng. Ràng buộc mọi thứ, mê mải không dứt, khiến cho sinh mạng tổn hại.
Trương Văn Thuỵ là một người trường thọ, có 4 bí quyết: là từ (hiền hậu), kiệm (tiết kiệm), hoà (hòa thuận), tĩnh (yên tĩnh). Người yêu thương muôn vật, một lời làm hại người cũng không nói, qúy sự yên ổn hơn gây chiến, lồng ngực đầy ắp khí lành, tự nhiên tại họa không mắc, lại thêm tuổi trời.
Phúc phận mỗi người khác nhau, người hay làm phúc thì có nhiều phúc, người tàn bạo thì dễ khánh kiệt. Vì vậy, Lão Tử coi kiệm ước là của báu. Nhưng không chỉ tiết kiệm tiền của. Kiệm ước dục vọng, thì tinh thần tụ hội; kiệm ước ăn uống thì tỳ vị khoan khoái; kiệm ước ăn mặc thì cơ thể thoải mái; kiệm ước lời nói thì nguyên khí đầy tràn; kiệm ước suy nghĩ thì tâm thần an tĩnh; kiệm ước giao du thì bạn xấu không mắc; kiệm ước nhờ vả thì phẩm chất đáng trọng…
Mọi việc cứ giảm một là được một. Cứ khiến tâm thần hoan hỷ thì bệnh tật không sinh ra. Người có hơi thở gấp gáp, cử động hấp tấp thì khó thọ. An tĩnh có hai mặt: một là không quá vất vả, hai là không được coi thường. Khi gặp lo lắng, vui, buồn, bề ngoài nên thuận theo, nhưng trong tâm ngưng đọng yên tĩnh, như đầm trong, như giếng khô, khiến chí khí bình an, mọi nhiễu loạn bên ngoài đều tiêu tán cả. (Điền Cẩm Hoài)
10 điểm trọng yếu để trường thọ
– Làm nhiều việc thiện, trời sẽ phù hộ
– Vui vẻ tươi cười, không cau mày.
– Tránh xa sắc đẹp, coi như thù địch.
– Ăn ba bữa trong ngày, khi bụng muốn ăn.
– Giữ thân nhiệt, không để cảm phong hàn.
– Lời nói việc làm khoan dung, độ lượng.
– Tính mạng dù lớn nhỏ đều đáng cứu
– Thơ, rượu, hoa, nguyệt tuỳ thứ tự.
– Tiết kiệm, quý đồ cũ
– Đi ngủ, thở bằng mũi, không để thất thoát thần khí.
3. THUẬN THEO ÂM DƯƠNG BỐN MÙA
Giữ vẹn tinh thần
Khí tự nhiên rất thanh tĩnh, ý chí con người nên hòa bình thuận tiện. Thuận theo quy luật trời – người tương ứng thì dương khí trong cơ thể thêm vững chắc, dù có khi tà khí xâm phạm cũng không làm tổn thương thân thể. Vi phạm quy luật này thì chín khiếu trong cơ thể bế tắc, cơp bắp bên ngoài ứ trệ. Đó là bởi bản thân không thuận theo sự biến hoá 4 mùa đến nỗi cơ thể tổn thương, nguyên khí hao tổn. (Hoàng đế nội kinh)
Gốc rễ của muôn vật
Âm dương bốn mùa là gốc rễ của muôn vật. Người tinh thông dưỡng sinh bảo dưỡng dương khí vào hai mùa xuân – hạ, giữ gìn âm khí vào hai mùa thu – đông. Đó là thuận theo 4 mùa biến đổi. Nếu vi phạm sẽ làm hại cội nguồn của tính mạng, làm hỏng nguyên khí của sự sống. (Hoàng đế nội kinh)
Dưỡng sinh theo 4 mùa
Âm dương thịnh suy, bốn mùa thay đổi, đó là nguồn gốc của chuyển biến không ngừng của giới tự nhiên. Tuân theo quy luật này thì bệnh tật không mắc, vi phạm nó thì tai họa ập tới.
Mùa xuân tiết trời ấm áp, muôn vật sinh sôi. Mùa hạ khí trời nóng nực, muôn vật chín thơm để thu hoạch. Mùa đông tiết trời lạnh lẽo, muôn vật ẩn náu. Nếu mùa tiết và khí hậu không phù hợp sẽ nảy sinh bệnh tật. Con người quan sát và thực hiện theo quy luật tự nhiên thì tuổi thọ sẽ kéo dài.
Người ta tuổi già tới hay suy yếu, tinh thần tiêu hao, nếu lơi lỏng đánh mất sự điều tiết thì dễ sinh bệnh mà nguy hại đến thân. Người già hay mệt mỏi, không tự lo liệu cuộc sống được, phải có sự giúp đỡ của người khác thì mới sống lâu được.
Làm con cái, nên chú trọng tỉ mỉ tới sự ấm lạnh của người già, lo lắng đến ăn uống và thuốc thang của người già. Cứ theo phương pháp dưỡng sinh 4 mùa 1 năm, thuận theo sự nghỉ ngơi và thịnh vượng của ngũ hành, cung kính cẩn thận đối đãi với người thân.
4. ĐIỀM ĐẠM HƯ TĨNH.
HƯ TĨNH – BÌNH CHÍNH
Hư tĩnh tức là trong tâm không ẩn chứa dục vọng. Trong tâm hư tĩnh thì mới tập trung, thực hiện được phép dưỡng sinh. Hành vi bình hòa chính đáng thì mới thi hành hoàn thiện được đạo dưỡng sinh. Không có gì ngăn trở, không có gì trái ngược, đó là khi hư tĩnh đã đạt đến độ tối cao. Không thiên lệch phải trái, không mê đắm cái gì, không ghét bỏ cái gì, cân bằng như cán cân, đó là khi bình hòa chính đáng đạt được mức tuyệt đối.
Ham muốn, mê đắm như lò lửa rực tâm thần; yêu thương, hờn giận như băng lạnh buốt tâm thần. Lửa và băng không dung nhau, nhất định sẽ khiến cả hai cùng thương tổn. Cho nên làn da nếu kéo căng mọi hướng thì rách, cái chum nếu lèn đầy quá thì vỡ, phế khí không đủ cho cổ họng thì câm, bi thương lo sợ khiến người ta phát cuồng, ưu tư chất nặng làm tinh thần thương tổn, tâm khí sẽ khô cạn suy kiệt.
Vì vậy, có câu rằng: Trong tâm hư tĩnh, hành vi bình chính thì phép dưỡng sinh tự nhiên làm tâm ta hoàn thiện. Hư tĩnh, bình chính thì quy luật dưỡng sinh sẽ mãi mãi theo mình.
Cất giữ vào trong
Mỗi khi mặt trời lặn về đằng tây, nguồn dương khí trong thân thể khép, mỗi người cần thận trọng giữ gìn, không nên để cho nó trái với quy luật. Hoàng đế nội kinh có nói, khi chiều tối nên thu giữ tinh khí, đừng làm dao động gân cốt, không để nhiễm hơi mù và sương đêm. Câu này ẩn ý điều tiết và giữ gìn nội thân đó. Người ta dùng hai chữ thu và cự để nói về việc này. Thu tức là thu giữ chính khí vào trong thân, cự tức là cự tuyệt tà khí bên ngoài hình.
Việc ấy giống như với một ngôi nhà lớn, tối thì đóng cửa, sáng thì mở ra, chẳng còn phải lo gì về bệnh tật. Đến những lúc ngày tháng tĩnh lặng, dương khí trong thân thể tự nhiên bền vững, khí tà gió dữ làm sao mà làm tổn hại thân thể được! (Dũ Xương – Y môn pháp luật)
Trí tuệ cần điềm đạm. Bản tính cốt an hòa
Đạo dưỡng sinh không phải là để người ta không ham muốn, không ăn uống, mà là giúp người ta ham muốn, ăn uống một cách hợp lý.
Trong lòng không nghĩ đến chuyện trai gái mà vẫn động tình, ấy là bản năng tự nhiên của con người. Trong lúc có ý muốn chuyện trai gái rồi có cảm giác ham muốn, đó là khuấy động tâm tư. Khi gặp đối tượng thích hợp, thỏa mãn được ham muốn thì không còn khao khát nữa. Khi tâm tư có ham muốn thì chiều theo nó mà tìm kiếm, sự kiếm tìm này dù cực kỳ mệt mỏi nhưng không hề muốn dừng. Vì thế, nguyên nhân khiến người đời đau đầu, gây thành tai hoạ, phần nhiều là do ham muốn trong lòng bị khuấy động, chứ không phải từ bản tính mà ra.
Người giỏi tu dưỡng hiểu rõ rằng, tâm trí biến hóa bất thường sẽ tổn tại cho bản tính. Dục vọng không biết ngừng sẽ thương tổn cho đức tính. Vì vậy, dùng điệm đạm hư vô để chế ngự sự khuấy động dục tình, dùng tâm trí từng trải để gìn giữ điềm đạm hư vô, từ đó bản tính sẽ được thỏa mãn trong sự yên hòa hư tĩnh. Tâm thần nhờ đó được thuần khiết, thể chất nhờ đó mà mạnh khỏe, hệ luỵ và tai hoạ được tiêu trừ. Con người được tái tạo từ dưỡng sinh.
Bí quyết ở ý chí
Muốn cầu trường sinh bất lão, muốn tu luyện thành tiên, bí quyết là ở chí, chứ không lệ thuộc vào tiền của và địa vị. Học tu luyện cần giữ lòng điềm tĩnh, thanh thản, đạm bạc, tẩy rửa dục vọng và mê đắm, lắng lòng chuyên nhất, trầm tĩnh theo tự nhiên, không được có ý niệm riêng tư phiền tạp.
Giữ sao cho thần tĩnh, tâm hòa, thì hình thể được vẹn toàn. Muốn toàn vẹn hình thể, lại cần trừ bỏ hai hung tai là mừng giận quá độ mà hại cho thân. Không quá mừng, không quá giận, nội tâm sẽ bình hoà và an tĩnh.
Đối với bản tính con người, cần nhất giữ gìn bình hoà và an tĩnh. Người ta mất đi điều đó do mừng giận lo nghĩ quá mức mà lên. Vì thế, không có gì tốt hơn là kiềm chế dục vọng, không có gì hợp hơn là giải bỏ lo nghĩ.
Thêm nữa, phép dưỡng sinh khoan thai mà không chậm chạp, đối với người khác bao dung mà không khinh rẻ, chất phác mà không hại, xét theo lý mà không gượng ép, xem xét mọi việc nhưng không hà khắc, thẳng thắn nhưng không át người, kiên nhẫn mà không thô bạo, ôn hòa nhưng không a dua. Được như vậy là tu dưỡng đến đỉnh điểm.
5. DƯỠNG TÍNH DƯỠNG ĐỨC
Không lo không nghĩ
Người giỏi dưỡng sinh điềm tình an nhiên, không tư lự gì, coi trời là ô che, đất là xe đi, bốn mùa là ngựa kéo, âm dương là người cầm cương. Người giỏi dưỡng sinh tuỳ theo tạo hóa mà biến chuyển, thả lỏng thần khí, thanh thản cơ thể, mặc ý dạo chơi trong cõi đời, muốn nhanh thì rảo bước, muốn chậm thì thong thả.
Xét kỹ quy luật, dù rong chơi khắp nơi rồi cũng quay về trung tâm, không gì không trong vòng trời đất. Coi trời là ô che, nên vật gì cũng được che; coi đất là xe đi, nên vật gì cũng được chở; bốn mùa là ngựa kéo, nên vật nào cũng ruổi rong; âm dương là người cầm cương nên việc gì cũng phòng bị được. Vì vậy, dù phóng nhanh cũng không dao động, dù đi xa cũng không mệt mỏi, dù di khắp trời mà không phải động chân tay, thông minh không hề suy giảm.
Dưỡng tính, giữ trung hòa
– Có người hỏi: “Phép dưỡng tính là thế nào?”
– Trả lời rằng: Gìn giữ tính tình cốt yếu là duy trì trung hòa, kiên trì nguyên tắc trung hòa suốt đời. Yêu kính mẹ cha, ưa chuộng phẩm đức, nâng niu khí lực, giữ vẹn tinh thần. Phép dưỡng tính không để cho khí trệ. Khí ngưng trệ cực điểm sẽ khiến tâm thần mờ ám, mê loạn, chưa đầy 1 ngày đêm thì đã sinh bệnh. Các tình cảm vui, buồn, mừng, giận … phát ra hợp thời thì mới gìn giữ được bản tính. Dùng phép vận khí tới khắp phủ tạng toàn thân để trị bệnh cũng tốt, nhưng không phải là phép dưỡng sinh hay nhất. Co mình là để duỗi thẳng, chứa đầy là để trống rỗng, tích vào trong là để phát ra ngoài. Đáng phát ra thì lại kiềm chế nó, đáng thuận theo thì lại sửa sang nó, khi cần bình tĩnh mà gò ép nó, tức là phá vỡ sự hài hoà. Giỏi dưỡng sinh thật ra không có phép thuật gì đặc biệt, chỉ cần Hòa là được.
Về phép dưỡng sinh
Sắc làm loạn mắt, thanh làm loạn tai, vị làm loạn miệng, tham làm loạn tâm. Đó là 4 phiền nhiễu làm hại con người. Ham muốn làm nguyên khí tản mác, yêu ghét làm tâm thần mệt mỏi; không rũ bỏ chúng thì chính khí trong cơ thể ngày một tiêu hao. Người ta không được hưởng trọn tuổi đời, chết yểu giữa đường hay chịu phạt, bị giết, vì sao vậy? Bởi vì họ quá chú trọng đến hưởng thụ cuộc sống. Đừng quá ham hưởng thụ và tinh thông dưỡng sinh, như vậy mới thấu tỏ phép tu tâm dưỡng tính. Dưỡng sinh, dưỡng đức đều quan trọng cả.
Trời sinh con người, lại cho họ tạo nên nghĩa và lợi. Lợi ích là để nuôi dưỡng thân thể, chính nghĩa dùng để làm rõ tâm linh. Tâm mà không có chính nghĩa thì không thấy vui thú, thân không có lợi ích thì chẳng được an nhàn.
Trong thân mình không gì quý bằng tâm, vì thế phép dưỡng sinh không gì trọng bằng dưỡng nghĩa. Phép dưỡng sinh mà coi trọng giữ nghĩa thì rất có lợi. Tại sao biết thế? Người có nghĩa mà không hám lợi thì dù nghèo vẫn vui sống. Người ham lợi mà bất nghĩa thì dù giàu có vẫn chịu nhục, căm ghét chính bản thân mình, tai hoạ trước sau gì cũng tới, tội ác dù không bị trừng phạt ngay thì cũng vì luôn luôn lo sợ mà hao tổn nguyên khí.
Phép dưỡng sinh với tuổi già, không đeo đuổi cái mới lạ. Nên theo sự giác ngộ của người trước, giãi bày uất kết trong lòng, không truy cầu danh lợi, mừng giận không lầm lẫn, không ham muốn thanh sắc, không đắm đuối miếng ngon, suy nghĩ không nghiêng lệch. Sách vô bổ không đọc, việc không cần nhọc công. Thiệu Khang Tiết có câu rằng: Rượu ngon chỉ nhấp ngà ngà chén, hoa đẹp nên nhìn e ấp bông; ngon miệng ăn nhiều thì sinh bệnh, thỏa lòng quá đã sẽ thành họa. Lại có câu rằng: ít nghĩ mộng tự ít, kiệm lời sai giảm đi, buông rèm hay sáng mãi, liễu lặng gió se se.
[1] Quản Trọng: Người nước Tề thời Xuân Thu tên là Di Ngô, tu là Trọng, còn gọi Kinh Trọng, giỏi về kinh tế, giúp Tề Hoàn Công làm Bá chủ chư hầu.
– Quản Tử: là tên sách – các bản chú của Phòng Huyền Linh, Lưu Tích, Đới Vọng, Tôn Di Nhượng.
[2] Tuân Khanh: Người thời Chu, quê nước Lỗ, tên là Huống. Tới thời Hán, vì kiêng tên vua, nên đổi Tôn Khanh, làm chức lệnh ở Lan Lăng. Ông nêu cao nho giáo, đề xướng thuyết “Tinh thần vốn ác”.