Samanta
THUẬT ĂN UỐNG

TINH HOA VĂN HÓA DƯỠNG SINH

CHƯƠNG IV THUẬT ĂN UỐNG (trích)

I. CẨN TRỌNG ĐIỀU HOÀ 5 VỊ

5 vị

Nguồn của âm tinh là do 5 vị ăn uống. 5 tạng chứa âm tinh sẽ vì 5 vị mà tổn thương. Nếu ăn uống quá chua, gan quá thịnh dẫn đến tỳ suy nhược.

Nếu quá mặn, xương cốt sẽ tổn hại, cơ bắp co rút, tâm khí uất ức. Nếu quá ngọt, tâm khí đầy phiền muộn khiến tỳ quá táo mà không trơn hoạt, làm cho dạ dày ứ đọng. Nếu quá cay, gân mạch sẽ hoại tử, phát sinh buông thả, tinh thần tổn hại.

Cho nên, cần thận trọng điều hoà 5 vị, để xương cốt cứng rắn, gân mạch mềm dẻo, khí huyết lưu thông, cơ bắp săn chắc. Đúng là, phép dưỡng sinh cần tuân thủ chính xác thì sẽ kéo dài sức lực và tuổi thọ một cách hiệu quả.

Gạo

Chữ TINH chữ KHÍ đều từ chữ MỄ (gạo) mà ra. Có thể nói tinh khí đều sinh sôi từ gạo. Con người có lúa gạo thì sống, dứt lúa gạo thì chết.

5 tạng

Tâm hợp với mạch, biểu hiện ở sắc mặt, chủ ở thận. Phế hợp với da, biểu hiện ở lông mao, chủ ở tâm. Can hợp với gân, biểu hiện ở móng, chủ ở phế. Tỳ hợp với cơ bắp, biểu hiện ở môi, chủ ở can. Thận hợp với xương, biểu hiện ở tóc, chủ ở tỳ. Vì vậy, ăn mặn nhiều mạch sẽ ngưng kết không thông; ăn đắng nhiều, da sẽ khô và rụng lông; ăn cay nhiều, gân sẽ co và móng khô; ăn chua nhiều, cơ bắp sẽ thô nhăn và môi rộp. Ăn ngọt nhiều, xương sẽ đau nhức và tóc rụng. Đó là do thương tổn từ 5 vị.

5 điều nên

Can tạng (tiêu biểu là gan) ưa màu xanh nên ăn ngọt, gạo nếp, thịt bò, táo, đều có vị ngọt. Tâm trạng (tiêu biểu là tim) ưa màu đỏ, nên ăn chua, đậu đỏ, thịt chó, mận đều có vị chua. Phế (tiêu biểu là phổi) ưa màu trắng, nên ăn đắng, thịt dê, hạnh, kệu đều có vị đắng. Tỳ ưa màu vàng, nên ăn mặn, đậu tương, thịt lợn đều có vị mặn. Thận ưa màu đen, nên ăn cay, thịt gà, đào, hành, kê vàng đều có vị cay.

Công dụng của 5 vị: cay có sức phát tán, chua có thể thu hợp, ngọt có thể viện trợ, đắng làm vững âm, mặn làm yếu cứng. Thuốc độc đều có thể dùng để công trị bệnh tà, ngũ cốc là thực phẩm duy trì sinh mệnh, hoa quả là thực phẩm phụ trợ, thịt cá là thực phẩm bổ dưỡng, rau củ là thực phẩm bổ trợ. 5 loại thức ăn này, mùi vị chua cay mặn ngọt đắng khác nhau, có tác dụng bổ ích với phủ tạng, căn cứ vào 4 mùa xuân hạ thu đông và khí thế khác nhau của 5 tạng mà dùng cho thích hợp.

5 lối vào và 5 lối cấm

5 vị thức ăn sau khi vào dạ dày, mỗi vị lại quy về tạng phủ mà nó hợp: vị chua vào gan, vị cay vào phế, vị đắng vào tâm, vị mặn vào thận, vị ngọt vào tỳ. Đó là 5 lối vào.

Vị cay xua đuổi khí, nếu khí bệnh, không nên ăn nhiều cay. Vị mặn đuổi máu, nếu máu bệnh, không nên ăn nhiều mặn. Vị đắng đuổi xương, nếu xương bệnh, không nên ăn nhiều đắng. Vị ngọt đuổi cơ bắp, nếu cơ bắp bệnh, không nên ăn nhiều ngọt. Vị chua đuổi gân, nếu gân bệnh, nên ăn nhiều chua. Đó là năm cấm kỵ đối với 5 vị, không thể ăn nhiều được.

Ăn uống nên tuân theo tự nhiên

Khi dùng thuốc lạnh nên tránh khi khí lạnh bao trùm. Khi dùng thuốc nóng nên tránh khí nóng bao trùm. Khi dùng thuốc mát nên tránh khi khí mát bao trùm. Khi dùng thuốc ấm nên tránh khi khí ấm bao trùm. Nguyên tắc này rất nên tuân theo. Nếu khí hậu biến hoá bất thường, không cứ phải câu nệ vào nguyên tắc này, đó là quy tắc tự nhiên. Nếu vi phạm quy luật tự nhiên, sẽ làm nhiễu loạn cả âm dương trời đất.

Ăn ngọt chống đói, ăn đắng thọ lâu

Sách xưa chép: kẻ ăn tạp thì trăm bệnh yêu tà dồn lại. Ăn càng ít, tâm càng mở, tuổi càng dài. Ăn càng nhiều, tâm càng tắc, tuổi càng tổn hại.

Người xưa bảo: ngũ cốc làm thân khỏi đói nhưng không ích thọ, trăm thuốc trị bệnh tật, khiến thọ lâu nhưng không ngọt ngào. Ăn ngon ngọt cho khỏi đói, người đời coi thế là quý. Ăn đắng để thọ lâu, đó là của quý của người tu dưỡng.

Ăn nóng – Cách dưỡng sinh thiết yếu

Việc ăn, trước tiên cần ăn nóng, thứ đến thức ăn ấm, sau mới làm đồ ăn lạnh. Ăn đồ ăn nóng xong rồi, nếu không còn thức nguội thì uống một hụm nước lạnh, nếu luôn ghi nhớ như thế, thì đó là rất biết dưỡng sinh.

Việc ăn, trước tiên hít nhẹ lấy khí, nuốt một hơi rồi ăn, sẽ không có bệnh.

Bậc chân nhân bảo, ăn nóng hại xương, ăn lạnh hại tạng, đồ nóng rộp môi, đồ lạnh tê răng. Uống miếng lớn thì huyết mạch bế tắc, uống quá say thì tâm thần tán loạn.

Mùa xuân nên ăn cay, mùa hạ nên ăn chua, mùa thu nên ăn đắng, mùa đông nên ăn mặn. Đó là cách trợ giúp 5 tạng, ích khí huyết, tránh mọi bệnh. Nhưng chua cay mặn đắng không được ăn quá nhiều.

Xuân không nên ăn gan, hạ không nên ăn tim, thu không nên ăn phổi, mùa đông không nên ăn thận, cả bốn mùa không nên ăn tỳ. Nếu có thể không ăn 5 thứ tạng này, là biết thuận theo lẽ trời đất đó.

Người ta không nên ăn đêm; ăn xong có thể đi lại vài quảng là rất tốt. Ăn no rồi nằm sẽ sinh trăm bệnh, thức ăn không tiêu được mà còn tích tụ lại. Ăn nên ít lượng mà nhiều bữa, không nên dùng 1 bữa quá nhiều đến khó tiêu.

Người theo đạo dưỡng sinh, đói mới ăn khát mới uống, sợ đói quá thì ăn sẽ nhiều, khát quá thì uống tất quá. Ăn xong nên đi lại, đi lại rồi xoa bụng vài trăm lượt, cực kỳ ích lợi: Ăn xong đi lại 5 dặm rồi nằm nghỉ, sẽ trừ mọi bệnh trong người.

Việc ăn, nên luôn ăn nóng để vào ruột dễ tiêu hóa, chớ nên quên ăn lạnh.

Việc ăn, đồ nấu chín hơn sống ăn ít hơn ăn nhiều. Không nên để quá đói mới ăn, mà ăn cũng không nên quá no. No thì tổn thương thần tâm, đói thì tổn hại dạ dày. Không nên để quá khát mới uống, uống cũng không nên quá nhiều, nhiều thì hại khí, khát thì hại máu.

Bệnh về ăn uống, nặng hơn mê thanh sắc

Phàm muốn bệnh chợt sinh, tuổi đời chợt yểu, phần nhiều là họa bởi ăn uống. Trị họa ăn uống còn hơn cả họa mê thanh sắc. Thanh sắc có thể bỏ hàng năm, còn ăn uống thì không thể bỏ một ngày. Về ăn uống lợi cũng lắm mà hại càng sâu. Thức ăn trăm vị, hoặc công phạt nhau, hoặc kỵ nhau, trở nên độc hại, chậm thì hàng năm mới thành bệnh, nhanh thì như lửa ào ào tới.

Từ sau hạ chí tới thu phân, chớ ăn các loại bánh nhiều chất béo, đồ ăn này xung khắc với rượu, hoa quả. Hoặc đột nhiên sinh bệnh, vào thu biến đổi, bộc phát, đều do mùa hạ ăn lạnh thái quá, ăn uống không tiết chế.

Con người nhờ 5 vị mà sống, cũng vì 5 vị mà tiêu

Việc ăn uống, thứ nhất cần tiết chế, thứ hai cần điều hòa. Điều hoà ăn uống không phải việc dễ, đòi hỏi con người phải có những hiểu biết nhất định về y dược học, dinh dưỡng học, nấu nướng học. Sơ lược thì trong ăn uống có mấy chú ý sau:

1. Tuỳ thời mà khác nhau. Khí hậu 4 mùa biến đổi là ngoại cảnh, sinh lý cơ thể con người là nội cảnh. Ngoại cảnh có ảnh hưởng cực lớn đối với nội cảnh. Để gìn giữ nội cảnh tương đối ổn định cân bằng, tuỳ theo biến đổi ở ngoại cảnh, nhu cầu cơ thể cần thức ăn cũng khác nhau. Xuân, hạ nên ăn thanh mát, ăn ít, không nên ăn đồ nóng nhiệt; cho nên ăn nhiều hạt sen, đậu xanh, dưa hấu, kỵ thịt chó, ăn ít thịt bê, cá chép. Mùa thu nên ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cao, ăn ít đồ cay nóng; cho nên ăn nhiều lê, uống ít loại rượu trắng. Mùa đông nên ăn đồ bổ, ấm nóng, ăn ít đồ ngọt lạnh; vì vậy có thể ăn nhiều thịt bò, dê, chó, ăn ít cá.

2. Tuỳ nơi mà khác nhau. Vị trí sống và hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, thói quen nhu cầu ăn uống cũng khác nhau. Vùng ven biển và sông hồ nhiều nước, nên ăn thanh đạm bỏ ẩm thấp. Nơi cao nguyên lạnh khô, nên ăn thực phẩm nóng ấm, sinh nước bọt, trừ lạnh.

3. Tuỳ người mà khác nhau. Tính cách, tuổi tác, cơ thể khác nhau, ăn uống cũng khác nhau. Nhi đồng nên ăn đồ bình hòa, dễ tiêu hóa hấp thụ, ăn ít đồ béo bổ. Người già nên ăn ít đồ bổ, dễ tiêu hóa, kỵ lạnh mát. Đàn ông nên bổ dương, phụ nữ nên ăn loại thực phẩm trong mát âm nhu. Người hay bị gió lạnh nên bổ khí; hay bị thấp nhiệt nên thanh đạm. Người bị chứng đầy nên ăn thực phẩm trừ tà, bị chứng hư nên ăn thực phẩm dẫn bổ.

4. Cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều 1 thứ. Ăn uống toàn diện để đảm bảo tỷ lệ cân bằng thành phần dinh dưỡng.

5. Phối hợp khoa học, chú ý các cấm kỵ. Để nâng cao giá trị về mặt nào đó hoặc giảm tối thiểu tác dụng phụ của nó, người ta hay phối các thức ăn với nhau. Nhưng có 1 số thức ăn tuyệt đối không được phối hợp, nếu không sẽ rất hại.

II. ĂN UỐNG CÓ CHỪNG MỰC

Ăn nên theo thời, thân không tai họa

Việc ăn uống, chớ màng những đồ béo bổ, chớ uống rượu mạnh, đậm. Những thứ ấy đều là đầu mối gây bệnh cả. Ăn uống nên theo thời, thân thể sẽ không bệnh tật. Nguyên tắc ăn uống, không nên quá no quá đói, để 5 tạng được an ninh. Thức ăn trong miệng nhất định phải thấy ngon ngọt (ăn ngon miệng) khiến tinh thần hài hòa, phong độ đoan chính, để thần khí hỗ trợ thu nạp và vận chuyển, giúp toàn thân khoan khoái, tinh chất của thức ăn được chắt lọc trọn vẹn. Nên ăn miếng nhỏ, tư thế ngay thẳng như cán bút, chớ bạo ăn bạo uống.

Ăn đừng ngại nhai kỹ

Khi đói mà ăn, đừng ngại nhai kỹ. Khi khát mà uống, đừng ngại uống từng ngụm nhỏ. Đừng quá đói mới ăn, ăn đừng quá no.

Khi khát quá mà uống, đừng uống quá nhiều. Ăn đừng ghét nhỏ kỹ, uống đừng chê nóng ấm.

Khoái khẩu nhất thời, tham lâu ắt hại

Ăn uống vào dạ dày, thông suốt tinh khí. Nếu ăn uống không chừng mực, tham ăn quá nhiều, máu trào khí tràn đến nỗi độc hại, tiêu hóa rối loạn, huyết mạch ứ trệ, không tự vận hành, bệnh tật lan khắp.

Đạm bạc thì yên, bổ béo thì nguy

Sống nơi xóm núi nghèo hèn, thường xuyên đạm bạc, động tác không suy, thân thể khỏe mạnh. Xưa nay, thọ hơn trăm tuổi, phần nhiều đều sống nơi dân gian. Những người hiển đạt giàu sang thì lại hiếm kẻ trường thọ. Thành ra, hậu chẳng bằng bạc, nhiều chẳng bằng kiên nhẫn, giơ mũi dao chẳng bằng né mũi giáo. Thà phụ cái bụng mình còn hơn phụ cái cuộc sống trời cho mình, đó là đạo gìn giữ cuộc sống.

Ăn uống có bí quyết

Ăn uống là để dưỡng sinh, tham lam vô độ thì cái sinh cũng là cái hại. Huống gì chẳng bổ béo cho sự sống, mà cứ tham vị lạ cho sướng cái miệng, đó đều ẩn tai họa cả.

Bậc chân nhân nói: đói lâu không được ăn, ăn no ắt sinh bệnh tức.

Sách xưa dạy: khi ruột trống không ăn quả tươi, nó sẽ khiến lớp mạc nóng nhiệt, xương bị hun, gây mụn nhọt. Uống rượu nóng chưa được giải chớ rửa mặt nước lạnh, nó sẽ khiến mặt bị thương. Ăn no chớ nên gội đầu, gội đầu sẽ bị thống phong.

Sách Cấm kỵ ăn uống dạy: bệnh mới nảy, không được ăn táo tươi, thịt dê, rau sống sẽ hại nhan sắc, suốt đời không hồi phục được, dễ chết, lớp bạc nóng nhiệt.

Ăn để dưỡng âm. Uống để dưỡng dương. Ăn nên thường ít, nhưng chớ để bị hư suy, không đói, cố ăn thì tỳ mệt; không khát, cố uống thì dạ dày chướng. Mùa đông hàng sáng chớ để bụng chống, mùa hạ hàng đêm chớ để dạ đầy. Ăn no không được nằm ngửa, sẽ gây thành trở ngại khí. Sau khi ăn không được đi nằm, sẽ sinh trăm bệnh. Khi ăn, gặp màu sắc đáng ghét thì không ăn; gặp mùi vị đáng ghét thì không ăn; không nấu chín không ăn; không đúng lúc không ăn.

Không ăn vật sống, lạnh

Thái Ất chân nhân bảo rằng: ăn uống ngon là dưỡng dạ dày. Dạ dày là biển của khe nước, là chủ nhận các khe nước. Tỳ ở trung ương, mài giũa mà tiêu thức ăn, hóa làm khí huyết, ngấm khắp phủ tạng, nuôi dưỡng toàn thân. Điều cốt yếu là không điều chỉnh sự ăn uống ngon lành. Ăn uống ngon lành không phải ở sơn hào hải vị, mà là: không ăn đồ sống, lạnh; không ăn đồ thô cứng, không cố uống. Đói hãy ăn, ăn đừng quá no, khát hãy uống, uống đừng quá nhiều. Những thứ ấy đều làm tổn hại dạ dày, dù không nảy bệnh thì cũng hại sự sống.

Không nên ăn no

Việc ăn uống, trước ăn nóng, sau ăn lạnh là tốt nhất. Thận thuộc thuỷ, thuỷ thường tính lạnh, vì vậy ăn nóng trước để làm nóng thận. Bất kể bốn mùa, thường làm như thế, tiêu hóa sẽ rất tốt. Tháng giữa hè, chỉ nên ăn nóng, để giữ dương khí bên trong.

Ăn chớ nên quá no, quá no thì thương tổn tâm, làm khí ngắn lại. Ăn xong, trước hết lấy tay xoa bụng vài chục lần, rồi ngửa mặt hà khí 20 lần rất tốt để tiêu những thức ăn độc.

Ăn rồi, không được nằm ngủ bởi sẽ gây hại cho phế, dinh dưỡng không thông, mạch máu ứ đọng. Xương cốt mệt mỏi nặng nề càng thích ngủ, trăm bệnh từ đó mà ra. Ăn rồi, nên vận động ít phút, đi lại 35 bộ để thức ăn tiêu hóa, tâm phủ nhẹ nhàng, sau mới đi nằm.

Khi nằm không nên nói cười ca hát. 5 tạng như chuông khánh, không gõ thì không phát tiếng kêu.

Ăn uống là để trợ khí, ăn no thì khí không lưu hành được. Ăn rồi kỵ nhất nằm ngửa. Ăn chớ thô tục và vội vàng, vội thì tổn khí, thô thì tổn tỳ, tỳ tổn thương thì ăn khó vào.

Ăn no không nên đi bộ nhanh, đi ngựa, leo cao, lội sâu, tất cả đều gây nội thương.

Sau khi ăn nóng chớ dùng nước lạnh xúc miệng, sau khi ăn lạnh chớ dùng nước nóng tráng miệng. Nóng lạnh đánh nhau, sẽ gây đau nhức răng, chân răng sụt lộ.

Sáu điều cốt yếu khi ăn uống

Người thích ăn thì ăn nhiều, thích ăn món gì thì món ấy nuôi thân, sẽ thường ăn món ấy. Nhưng phải biết xác định món nào là chính.

Người ghét ăn thì ăn ít, ăn ít mà đầy ứ, không tiêu hóa được, là do từ gốc bệnh. Với thức ăn không lành, cố gắng ăn ít, không ăn càng tốt.

Quá đói chớ ăn no, muốn điều hoà ăn uống, trước hết phải cân bằng no đói.

Đói 7-8 phần thì ăn, trước đó thì sớm, sau đó thì muộn. Đói 7 phần cũng chỉ nên ăn no 7 phần. Như là ruộng lúa, cần bao nhiêu nước thì tưới bấy nhiêu, đổ quá thì úng lúa. Nếu quá đói mới ăn, thì thà ăn ít còn hơn ăn nhiều, nếu nhiều thì no đói xung khắc, tỳ khí thương tổn, công điều hoà mấy tháng chẳng bằng sự rối loạn một buổi.

Độ no đói, không vượt quá 7 phần là được. Nếu no quá khó tiêu, thì theo phép nuôi chim ưng, khiến cho ruột trống rỗng. Tựa như sau mùa bội thu, bỗng gặp hoang hóa. Dân nghèo, đói thì chịu được. Người giàu, đói không chịu được, bệnh tật sẽ phát sinh, phần nhiều do đó cả. Người giỏi dưỡng sinh từ xưa, ắt không lấy thân làm trò đùa.

Khi giận khi buồn chớ ăn. Buồn giận vui buồn mới phát đều không phải là lúc ăn vào. Những khi mừng vui thì còn có thể ăn, những khi buồn giận thì nhất định không thể. Khi giận ăn vào dễ xuống mà khó tiêu, khi buồn ăn khó tiêu mà cũng khó xuống. Nói chung nên tạm thời bỏ bữa, đợi khí giận khí buồn tiêu tán cả. Ăn uống bất luận sớm muộn, đều lấy lúc thức ăn vào ruột tiêu hóa làm hạn. Ăn sớm mà không tiêu, chẳng bằng ăn muộn mà tiêu ngay. Không tiêu tức là bệnh, tiêu được thì có thể tránh được mối lo của mỗi bữa ăn.

Khi mệt khi phiền muộn chớ ăn. Khi mệt chớ ăn, đề phòng buồn ngủ. Buồn ngủ thì thức ăn dừng ở trong mà không xuống được.

Khi phiền muộn chớ ăn, để tránh phản ứng xấu. Tâm có phản ứng xấu thì không những không xuống được mà còn bị nôn mửa. Ăn vào cốt để lấy chất, được chất thì bổ ích, không có chất thì bổ ích vào đâu được.

Xoa bóp tiêu hóa

Khi ăn quá no, dù thân rất mệt, hãy chớ đi nằm. Có thể vận động đi bộ vài trăm bộ, sau bỏ thắt lưng, nới áo rộng, vươn lưng ngồi thẳng. 2 tay xoa vào bụng, xoa đi xoa lại, khoảng một hai trăm lần. Rồi trở 2 tay, xoa từ vùng ngực xuống hai bên sườn, khoảng mười mấy lượt, khiến khí trong bụng lưu thông, không bị ứ trệ.

Sớm không trống bụng, tối chẳng ăn no

Khi ăn nóng sẽ ra mồ hôi, chớ nên hứng gió, để đến nỗi đau đầu, mỏi mắt, hay ngủ. Đêm không nên ăn nhiều.

Ăn xong, tráng miệng bằng nước ấm, để răng không sâu, miệng không hôi.

Cơm nấu nát, thịt nấu mềm, ngủ một mình

Người xưa ngày thường đi lại dưỡng sinh; người ngày nay đợi già mới giữ gìn sự sống, thì vô ích thôi. Người xưa có câu: người ở Quảng Đông, sáng không trống bụng, tối chẳng ăn no.

 

Cấm kỵ trong ăn uống

5 vị đạm bạc, khiến tinh thần sáng khoái, tinh khí trong trẻo, ít bệnh tật. Nhiều chua hại tỳ, nhiều mặn hại tâm, nhiều cay hại gan, nhiều ngọt hại thận. Kỵ nhất là thức ăn sống, lạnh, cứng. Trong bụng thường ấm, thì khí huyết mạnh mẽ, mọi bệnh không sinh.

Ăn uống không thể quá nhiều, không thể qúa vội, kỵ nhất uống trà làm bụng rỗng, uống rượu sau khi ăn, ăn vào lúc hoàng hôn. Đêm khuya không nên say, không nên no, không nên đi xa.

Dù giữa hạ cực nóng, nếu rửa tay rửa mặt bằng nước lạnh, 5 tạng sẽ khô, ít chất dịch, huống gì tắm rửa nữa. Sau khi giận dữ không nên ăn, sau khi ăn không nên phát giận.

Cơm nấu mềm, thịt nấu nhừ, ngủ một mình là bí quyết dưỡng sinh huyền diệu. Tỳ tiêu hóa thức ăn, ăn đêm thì tỳ ngủ nên nó không cọ sát. Sách xưa bảo dùng âm nhạc trợ giúp tiêu hóa, là vì tỳ ưa âm nhạc đó. Nghe âm nhạc thì tỳ mạnh mẽ mà co bóp. Cho nên âm nhạc đều ra từ tỳ.

Mùa hạ đêm ngắn, nên ăn ít để tránh khó tiêu hóa.

Dùng gạo mới nấu cháo, không đặc không loãng. Ăn nóng và ít không kể sớm tối. Đói mới ăn, đây là điều rất tốt để dưỡng sinh.

Ăn vào bị đầy chướng, nên ngậm kín răng miệng, nhô vai, nhìn lên đưa khí lên họng. Lát sau, lại hạ xuống vào đan điều. Lên xuống như thế 4 – 5 lượt, thức ăn sẽ được tiêu hóa.

Để trị chứng ăn không tiêu, ngửa mặt nằm thẳng, hai tay xoa ngực và bụng, xoa đi xoa lại, vận khí lên miệng 9 lần.

3 loại người ăn uống

1. Ăn lấy no, lượng ăn rất nhiều, không kể tinh khô, cốt ở no bụng

2. Ăn ngon, coi trọng mùi vị, phải tươi béo, phải là sơn hào hải vị, bữa ăn như cỗ. Hợp vị thì rất khoái khẩu. Nhưng mỗi vật đều có lợi hại, như tươi thì hay hại tỳ, nướng thì thường hại máu. Loại này sướng mồm bụng nhưng quên tính mạng.

3. Dưỡng sinh, uống cần nước sạch, ăn cần gạo lành. Rau cỏ thịt cá coi là vật thường trước mắt, cốt tươi, sạch, chín, nấu nướng thích hợp, không cầu quý hiếm, chỉ cần ngon miệng.

Ăn không cần nhiều món, mỗi lần ăn chỉ cần 1,2 món ngon miệng. Nếu ăn quá nhiều món vào bụng, 5 tạng sẽ chẳng đủ mà tiêu hóa.

Chú ý điều tiết ít và nhiều khi ăn uống

Ít uống rượu, ăn nhiều cháo; ăn nhiều rau; ăn ít thịt; mở miệng ít; nhắm mắt nhiều; chải đầu nhiều; tắm gội ít; ít gặp nhiều người; hay ở một mình; đọc sách nhiều; ít tích của báu; ít háo danh; nhiều nhẫn nhục; làm việc thiện nhiều; ít lao tâm khổ tứ.

Uống rượu phải tránh

Uống nhiều ắt bệnh: khi còn nhỏ, không nên uống rượu. Lớn lên, ngày uống không quá 1 thăng là bình thường. Làm rượu, uống rượu rất hại cho sự cần kiệm, vì vậy cấm rượu sẽ làm cho dân giàu. Người thanh cao mê rượu sẽ rối loạn tính cách, người theo học mê rượu sẽ bỏ phí sự nghiệp, bọn trộm cắp dùng rượu để kết bè đảng, kẻ hung đồ dùng rượu để hành hung. Mọi việc suy đồi đạo đức đều bắt đầu từ rượu.

Thời Hán, cứ 3 người họp nhau uống rượu là bị phạt 4 lạng vàng. Mê rượu thì chí khí cùng mê loạn, vì vậy cấm rượu sẽ khiến dân nề nếp.

Uống quá dễ cảm gió

Rượu có thể rèn tính tình, thông mạch máu. Nhưng quá chén dễ phạm gió, làm bại thân, nát ruột. Ăn no rồi rất nên cấm rượu.

Không nên thô bạo  nóng vội

Uống rượu, chớ nên thô bạo, hấp tấp, khiến phế tổn thương. Phế là ô che cho 5 tạng, đặc biệt phải gìn giữ.

Uống rượu rồi khát, không được uống nước và dùng nhiều trà

Trà tính lạnh, theo rượu vào thận sẽ làm ngưng đọng nước độc, khiến lưng gối ê ẩm, bàng quang lạnh buốt, mắc tật phù nước, tiêu khát, co rút.

Uống quá nhiều, mau nhổ ra

Uống rượu không nên nhiều, nếu biết quá nhiều, mau nôn ra là tốt nhất, nếu không sẽ viêm. Say chớ có bí tỷ, say quá thì muôn bệnh suốt đời không chữa được.

6 điều không được làm khi say rượu

– Không nằm trước gió, sẽ bị chứng về phong

– Không nằm trước mặt trời, sẽ phát cuồng

– Không để người khác quạt thốc vào, sẽ liệt nửa người

– Không nằm mình trần, sẽ bị tê lạnh

– Không sinh hoạt trai gái

– Không tắm rửa, sẽ hại sáng mắt

IV. UỐNG TRÀ

Tác dụng và cấm kỵ: vị hơi đắng, hơi ngọt mà mát. Làm tâm thần trong trẻo, tỉnh ngủ, trừ phiền, mát gan mật, trừ nhiệt tiêu viêm, ổn định phế và dạ dày, làm mắt sáng, để giải khát. Khi không khát thì đừng uống. Hái vào mùa xuân, lá chè màu xanh, đem sao khô rồi cất vào hộp kín là tốt nhất.

Lá chè có màu đỏ là do chưng bốc hơi, đã mất tính trong sạch, không dùng giải khát nữa. Chè trồng ở Phổ Nhĩ (tỉnh Vân Nam) vị rất đậm, công hiệu mạnh, rất tốt cho việc nôn độc gió, tiêu thức ăn động vật. Khi bị khí nóng ô uế làm đau bụng, thổ tả, lỵ mới nhiễm, uống trà sẽ đỡ nhiều. Danh y Hoa Đà dạy rằng: trà đắng uống lâu có lợi cho suy tư, nhưng đời sau thấy không đủ tin cậy. Bởi uống trà nhiều, sắc mặt vàng, lại ngủ ít. Thi nhân Nguỵ Trọng Tiên trong thơ Cảm ơn bạn cho trà viết rằng:

Chẳng dám thường luôn nào ý khác

Chỉ sầu ngủ ít mộng anh thưa

Ý là uống trà nhiều sẽ mất ngủ, khó mà gặp bạn trong mộng được. Chỉ có uống vài chén sau khi ăn, có thể giải tỏa được chất béo ngậy. Nếu uống trà ban mai, Đông Pha tiên sinh bảo trà sẽ vào thẳng thận, chẳng khác gì dẫn giặc vào nhà.

Trà không chỉ có 1 loại. Nói chung, khi ăn đầy không tiêu, đầu hoa mắt mờ, viêm lâu không khỏi, đại tiện khó, tiêu khát không ngừng, đại tiểu tiện ra máu, máu cam, vết thương vì lửa, bệnh mắt, uống trà đều rất có lợi.

Nhưng trà là loại quanh năm không nên uống nhiều, nếu không hạ tiêu (1 trong tam tiêu) sẽ suy, lạnh; càng không nên uống trà sau khi uống rượu, và kỵ nhất uống trà khi bụng rỗng.

Trà tính lạnh nên phải pha nước nóng để uống nếu uống trà nguội, chắc là không thể tránh bệnh được.

Người xưa đều thống nhất rằng, trà nên uống thường xuyên nhưng không nên uống nhiều. Sách Bản thảo chép: bậc thần y phải nếm trăm thứ thuốc, chẳng may ngộ độc, uống trà là giải được.

Trà vốn tính hơi lạnh. Trà tươi tính nóng, trà cũ tính mát. Hãm cùng gừng tươi thành món trà gừng mà uống, trà trợ âm, gừng trợ dương, khiến hàn nhiệt cân bằng, trị vết thương nhỏ phong hàn đều được.

Cấm kỵ: uống nhiều làm lạnh dạ dày, tiêu mỡ ở phủ tạng (người nghiện trà hay mặt vàng, do lạnh làm tổn thương dạ dày). Sau khi ăn, uống trà, ngoài tác dụng nói trên, còn rất có lợi cho răng. Súc miệng bằng trà, sạch mọi cặn bám, không hại tỳ vị, răng không bị tăm chọc vào, càng thêm kiên cố.

Trung Quốc có các loại trà chủ yếu là trà xanh, trà đỏ, trà hoa, trà ô long. Thành phần chủ yếu là chất kiềm sinh vật và hợp chất làm mềm, khiến thần kinh trung khu hưng phấn, tác dụng kích thích nhất định tới huyết quản, kiềm chế vi khuẩn, lợi tiểu. So sánh các loại thì trà xanh tốt hơn trà đỏ.

Về làm thuốc, lá trà phối cùng lá trúc, rễ lau có thể giải được nhiệt, khát. Phối cùng hoa cúc, xuyên khung trị được phong nhiệt, đau đầu. Phối đường đỏ, hành đun lấy nước uống có thể trừ chứng đầy bụng, hỗ trợ tiêu hóa. Lá chè lâu năm phối cùng cây thiên lý quang (còn gọi là lưu ký nô) trị được chứng đại tiểu tiện ra máu.

Đáng chú ý, người mất ngủ, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú kiêng dùng lá trà. Khi bụng đói, khi đại tiểu tiện khó, kiêng uống trà đặc và trà để qua đêm; khi uống thuốc bổ không nên uống trà.

Thưởng trà nếm rượu quý ở nơi non nước, nổi lửa nấu ăn nên làm chốn sông hồ. Nước pha trà, người xưa bảo, quý nhất là lấy được nước giữa lòng sông Dương tử. Ven bờ ven bãi, người ta rửa giặt cả rồi, nước không thanh tịnh nữa, chẳng khắc gì nước của những cơn mưa bất chợt.

Suối quanh chân núi cũng quay ở dòng xa dòng dài, nếu là nước đầm sâu đọng, không có nguồn, lại không thoát, nhưng từ các núi chung quanh đổ vào, cũng phải phòng độc. Nước mưa quý được chứa lâu, nhưng nước mưa đột ngột vào mùa mai vàng, lại rất nhạt và độc, uống vào hại người, dính vào áo mặc sẽ gây nấm mốc. Dùng nước ấy mà nấu kéo có phèn, chế lụa vẽ tranh thì rất bền không rách.

Sách Tống lục chép: Tân An Vương là Tử Loan Dự Chương Vương là Tử Thượng, đến thăm Đàm Tế đạo nhân ở núi Tám Ông. Đạo nhân bày trà mời, Tử Thượng bảo rằng: Đây là nước Cam Lồ, sao lại bảo là trà!

Đáng tiếc ở đời nhiều người hám lợi, hái nhiều thứ lá khác thái vụn ra bảo là chè. Người uống bị lừa, rất hại cho thân. Vả nữa, nếu hái không đúng thời, chế không đúng cách, lẫn các hoa lá khác uống vào cũng thành tật.

Trà có 9 cái khó là: chế tạo, phân biệt, đồ đựng lửa đun, nước pha, cách nướng, nghiền nhỏ, cách đun, cách uống. Hái trong bóng râm, sao trong đêm, không đúng cách tạo trà. Đỉnh để vị ngậy, âu để vị tanh, không biết cách đựng. Dùng củi linh cao, dùng than nấu bọt, không biết khơi lửa. Bùng sôi trào tắt, không biết chỉnh nước. Ngoài chín trong sống, không biết cách nướng. Vụn như đá nát như tơ, không biết nghiền nhỏ. Khuấy đảo khó khăn, không biết cách đun. Hè ưa đông bỏ, không biết cách uống.

Cách uống trà

Trà và rượu là 2 phông văn hóa lớn ở Đông Nam Á. Về trà, nhiều dân tộc cho rằng, trà không chỉ có tác dụng giữ gìn sức khỏe ở một tầm nhất định, mà còn là đối tượng cho nhân cách văn hóa. Người xưa bảo, rượu như hiệp khách, trà là ẩn nhân. Trà thanh nhàn cao sâu, như cốt cách ẩn sĩ vậy.

Vì thế, cách thức uống trà của người phương Đông cực kỳ tinh diệu. Đại khái, nó thể hiện thành 15 phương diện:

1. Tìm nguồn                            9. Chỉnh lửa

2. Được đất                              10. Đặt bình

3. Nắm thời                               11. Phòng trào sa

4. Theo phép                            12. Trông cho trong

5. Cất trà                                  13. Pha trà

6. Nếm nước                             14. Thử nước

7. Đo lửa                                  15. Thưởng trà

8. Định  nước

Trong đó, 4 phương diện quan trọng nhất là chọn trà, chọn nước, nắm vững độ lửa pha chế và chú ý cách uống.

Về phần trà, ngoài cách lựa giờ hái rất công phu và cách thức điều chế, còn chú trọng phân biệt loại trà từng vùng. Ở Trung Hoa, trà thượng hạng là ở Tùng La (huyện Hấp tỉnh An Huy), Hổ Khâu (thuộc thành phố Tô Châu), Dương Tiễn (Nghi Hưng – Giang Tô), Thiên trì (núi Thiên Mục – Triết Giang). Còn mấy loại trà ở Quảng Đông như Vũ Di, Thanh Nguyên, Bành Sơn, có thể khử ứ trệ nhưng sắc hương kém xa, không xứng là vật quý nơi tiêu phòng văn nhã.

Với người ngày nay thì đơn giản hơn, trà xanh ngon hơn trà đỏ, trà mới ngon hơn trà cũ.

Về chọn nước, dòng Linh Thuỷ ở Nam Dương Tử là hàng đầu. Thứ hai là nước khe đá chùa Huệ Sơn ở Vô Tích. Thứ ba là nước khe đá chùa Hổ Khâu ở Tô Châu … Cũng có nhiều thuyết nữa, nhưng nói chung, nước pha trà nên trong, lạnh, ngọt, tinh và long lanh.

Về đo lửa nấu trà, nên dùng ngọn lửa văn vỏ, tức là không mạnh không yếu, có thể dùng cành thông hoặc cành cứng của loại cây khác làm củi đốt, để ngọn lửa đủ nóng nhưng không quá rực, đảm bảo cho nước pha trà không già không non, màu nước trà luôn thuần trắng, là tốt nhất, mà xanh trắng là thứ hai, màu vàng trắng càng kém nữa. Trà cần cả hương thơm thanh ngát đưa vào mũi.

Nước trà cần sôi 3 lần: mới đầu lăn tăn như mắt cá, tiếng reo khe khẽ là một; nước sủi hai bên là lần thứ hai; nước sôi ùng ục là lần thứ ba. Sau ba lần sôi, nhanh chóng nhấc bình nước khỏi bếp, đợi khi hết bọt, dứt tiếng, là nước trà hoàn hảo.

Cuối cùng, về cách uống trà, người xưa uống trà có ba điểm quan trọng: thứ nhất, dùng nước trà tráng miệng, rồi chậm chậm nhấm nháp, không thể như trâu uống. Nước trà chỉ thay hai lần. Thứ hai, khi uống trà không được ăn hoa quả thơm ngon. Thứ ba đòi hỏi phải có hoàn cảnh và hứng thứ uống trà. Hoàn cảnh nên u tĩnh, hứng thú nên xuất phát từ tâm trạng và số người cùng uống.

VII. DINH DƯỠNG VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH BẰNG THỨC ĂN.

Nếu như bạn muốn dinh dưỡng bảo vệ tuổi thanh xuân, kéo dài tuổi thọ thì việc nắm vững phương pháp chữa bệnh thông qua việc ăn uống, dinh dưỡng là điều kiện không thể thiếu được. Bởi vì việc ăn uống, dinh dưỡng không những ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mỗi người, mà còn liên quan trực tiếp đến khỏe đẹp của cơ thể.

Phạm vi của phương pháp chữa bệnh, thông qua ăn uống, dinh dưỡng là rất rộng; nó liên quan tới các kiến thức về việc ăn uống, phương pháp chữa bệnh của thức ăn và nhiều phương diện khác nữa. Dưới đây xin giới thiệu để bạn đọc nắm vững được những điểm cơ bản của từng vấn đề.

1. Dinh dưỡng và việc ăn uống hợp lý

Nhiệt năng và các loại chất dinh dưỡng mà cơ thể đòi hỏi đều thu được từ các loại thức ăn, đồ uống mà ta sử dụng hàng ngày. Do sự phát triển của khoa học dinh dưỡng, con người tuy rằng có thể thông qua toàn bộ các loại thức ăn để thu lấy tất cả các loại dinh dưỡng cần thiết; song đây chỉ là phương pháp dinh dưỡng đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc thù; nó không thích ứng với tình hình chung. Hàng ngày trong các loại thức ăn mà ta ăn vào đều có chứa các chất như các hợp chất các – bon tan trong nước, chất béo, chất lòng trắng trứng (prô – tê –in), chất khoáng, vitamin, các chất xen-lu-lô, nước và các chất dinh dưỡng khác đưa vào cơ thể. Thông qua tác dụng tiêu hóa, hấp thụ và sự trao đổi vật chất; các thành phần dinh dưỡng có chứa trong thức ăn có thể cung cấp nhiệt lượng và những vật liệu giúp cơ thể phát triển và khôi phục ở các bộ phận; mặt khác còn có tác dụng điều tiết các loại cơ năng sinh lý của cơ thể. Nếu như các loại thành phần dinh dưỡng chứa trong thức ăn thỏa mãn được yêu cầu sinh lý của cơ thể, sẽ đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh và phát triển bình thường. Trường hợp dinh dưỡng không đủ hoặc quá thừa cũng dẫn tới những nguy hại ở nhiều hình thức khác nhau cho cơ thể.

Thức ăn mà cơ thể người đòi hỏi, phải phù hợp với các yêu cầu cơ bản sau:

Thức ăn cần phải đa dạng hóa

Thức ăn đa dạng hóa là gồm nhiều loại món ăn hợp thành. Ý nghĩa của nó là ở chỗ, sử dụng thức ăn đa dạng hóa sẽ có thể thu được tất cả các loại chất cần thiết như prô-tê-in, chất béo, hợp chất hữu cơ, chất khoáng và các loại vitamin.

Nếu như thức ăn đơn điệu, cơ thể sẽ không có đủ các chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe tốt, mặt khác sẽ dẫn tới các tai biến đối với sức khỏe.