Samanta
KINH CĂN TU TẬP

KINH TRUNG BỘ

  1. Kinh Căn Tu Tập
    (Indriyabhāvanāsutta)

HT Thích Minh Châu dịch

Cư sĩ Tuệ Kiến Nguyễn Anh Tú hiệu chỉnh (chỉnh sửa lỗi chính tả, thêm dấu cho các từ Pāi, đánh lại Pháp số, bổ sung các trích đoạn lặp lại (thường hay bị lược bớt và đánh dấu bằng dấu …) …)

  1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Kajaṅgalā (hay Gajaṅgalā, hay Kajjaṅgalā), tại Mukheluvana (hay Suveḷuvana).
  2. Rồi thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pārāsariya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pārāsariya đang ngồi một bên:

– Này Uttara, Bà-la-môn Pārāsariya có thuyết về căn tu tập cho các đệ tử không?

– Thưa Tôn-giả Gotama, Bà-la-môn Pārāsariya có thuyết về căn tu tập cho các đệ tử.

– Nhưng này Uttara, Bà-la-môn Pārāsariya thuyết về căn tu tập cho các đệ tử như thế nào?

– Ở đây, thưa Tôn-giả Gotama, không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai. Như vậy, thưa Tôn-giả Gotama, Bà-la-môn Pārāsariya thuyết căn tu tập cho các đệ tử.

– Nếu là như vậy, này Uttara, theo như lời nói của Bà-la-môn Pārāsariya, người mù sẽ là người có căn tu tập, người điếc sẽ là người có căn tu tập. Này Uttara, người mù không thấy sắc với mắt, người điếc không nghe tiếng với tai.

Khi được nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Uttara, đệ tử của Pārāsariya ngồi im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì.

  1. Rồi Thế Tôn, sau khi biết được Uttara, đệ tử của Pārāsariya im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì, liền gọi Tôn-giả Ānanda và nói:

– Này Ānanda, Bà-la-môn Pārāsariya thuyết cho các đệ tử căn tu tập một cách khác; nhưng trong giới luật các bậc Thánh, vô thượng căn tu tập khác như vậy.

– Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời! Bạch Thiện Thệ, nay đã đến thời để Thế Tôn thuyết vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh. Sau khi nghe Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này Ānanda, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn-giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

  1. – Này Ānanda, thế nào là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ānanda, như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ānanda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các sắc do mắt nhận thức.
  2. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo tai nghe tiếng khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý, hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ānanda, như một người lực sĩ có thể búng tay một cách dễ dàng; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ānanda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các tiếng do tai nhận thức.
  3. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo do mũi ngửi hương khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Này Ānanda, như những giọt nước mưa chảy trượt đi, không có đọng lại trên một lá sen hơi chúc xuống; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ānanda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các hương do mũi nhận thức.
  4. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo lưỡi nếm vị khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tinh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý, hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Này Ānanda, như một người lực sĩ có thể nhổ ra một cách dễ dàng cục đờm đọng lại trên đầu lưỡi; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ānanda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các vị do lưỡi nhận thức.
  5. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo thân cảm xúc khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ānanda, ví như một người có thể duỗi cánh tay được co lại của mình, hay co lại cánh tay duỗi ra của mình; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ānanda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các xúc do thân nhận thức.
  6. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo, ý nhận thức các pháp khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ānanda, như một người cho nhỏ hai ba giọt nước trong một cái chậu bằng sắt đun nóng mỗi ngày, này Ānanda, các giọt nước rơi rất chậm nhưng chúng bị tiêu diệt, biến đi rất mau, cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy) và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ānanda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các pháp do ý nhận thức.

Như vậy, này Ānanda, là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh.

  1. Và này Ānanda, thế nào là đạo lộ của vị hữu học?

Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vì rằng có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý và bất khả ý khởi lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ.

Sau khi tai nghe tiếng, vị ấy khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vì rằng có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý và bất khả ý khởi lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ.

Sau khi mũi ngửi hương, vị ấy khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vì rằng có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý và bất khả ý khởi lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ.

Sau khi lưỡi nếm vị, vị ấy khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vì rằng có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý và bất khả ý khởi lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ.

Sau khi thân cảm xúc, vị ấy khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vì rằng có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý và bất khả ý khởi lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ.

Sau khi ý nhận thức pháp, vị ấy khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vì rằng có khả ý khởi lên, có bất khả ý khởi lên, có khả ý và bất khả ý khởi lên, vị ấy ưu não, tàm quý, ghét bỏ.

Như vậy, này Ānanda là đạo lộ của vị hữu học.

  1. Và này Ānanda, thế nào là bậc Thánh, các căn được tu tập?

Ở đây, này Ānanda, sau khi mắt thấy sắc, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly và (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly và (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yểm ly và không yểm ly, an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác”, thời ở đây, vị ấy an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác.

  1. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sau khi tai nghe tiếng, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly và (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly và (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yểm ly và không yểm ly, an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác”, thời ở đây, vị ấy an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác.
  2. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sau khi mũi ngửi hương, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly và (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly và (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yểm ly và không yểm ly, an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác”, thời ở đây, vị ấy an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác.
  3. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sau khi lưỡi nếm vị, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly và (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly và (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yểm ly và không yểm ly, an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác”, thời ở đây, vị ấy an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác.
  4. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sau khi thân cảm xúc, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly và (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly và (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yểm ly và không yểm ly, an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác”, thời ở đây, vị ấy an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác.
  5. Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo sau khi ý nhận thức pháp, vị Tỷ-kheo khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng không yểm ly đối với (sự vật) yểm ly và (sự vật) không yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng không yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng tôi an trú với tưởng yểm ly đối với (sự vật) không yểm ly và (sự vật) yểm ly”, thời ở đây, vị ấy an trú với tưởng yểm ly. Nếu vị ấy khởi lên ước muốn: “Mong rằng, tôi sau khi từ bỏ cả hai yểm ly và không yểm ly, an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác”, thời ở đây, vị ấy an trú xả, Chánh niệm, tỉnh giác.

Như vậy, này Ānanda, là bậc Thánh, các căn được tu tập.

  1. Như vậy, này Ānanda, Ta đã giảng vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh, đã giảng đạo lộ của bậc hữu học, đã giảng bậc Thánh, các căn được tu tập.
  2. Này Ānanda, những gì một bậc Ðạo sư phải làm, vì lòng từ mẫn, mưu cầu hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy Ta đã làm cho các ông. Này Ānanda, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống. Này Ānanda, hãy Thiền tư, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Ðây là những lời giáo giới của Ta cho các ông.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn-giả Ānanda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.