Samanta
Tam Tạng Song ngữ Pali – Việt
THƯ NGỎ

VỀ CÔNG TRÌNH ẤN TỐNG

TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT

 

 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Ngưỡng bạch chư Tôn Đức,

Kính thông báo cùng qu‎ý Phật Tử gần xa,

 

THIỂN NGHĨ:

 

– Việc học hỏi Phật Pháp qua các tài liệu được phiên dịch và trích dẫn từ nguồn Tam Tạng Pāli ngày càng phổ biến trong hàng Phật Tử Việt Nam, không phân biệt hệ phái tu tập.

 

– Trong lãnh vực phiên dịch khó tìm được một văn bản dịch có giá trị tương đương với nguyên tác. Hơn nữa, ngôn ngữ được sử dụng trong Tam Tạng Pāli là một cổ ngữ của Ấn Độ có văn phạm tương đối phức tạp, thường được gọi theo thói quen là ngôn ngữ Pāli.[1]

 

– Tam Tạng Pāli nguyên tác hiện nay có 6 văn bản: 5 văn bản Pāli của các nước Ấn Độ, Campuchia, Miến Điện, Sri Lanka (Tích Lan), Thái Lan được ghi theo mẫu tự của chính quốc, và thứ sáu là văn bản Pāli Roman của nhà xuất bản Pali Text Society (Anh Quốc) có dạng chữ a, b, c quen thuộc với người Việt chúng ta.

 

– Các xứ quốc giáo như Campuchia, và Sri Lanka (Tích Lan) đang sử dụng Tam Tạng song ngữ gồm có nguyên tác Pāli và lời dịch bằng ngôn ngữ bản xứ. Hai nước Miến Điện và Thái Lan có bản dịch căn cứ vào Chánh Tạng Pāli được in thành hai bộ riêng biệt nhưng phương thức trình bày rất thuận tiện cho việc tham khảo học hỏi. Hiển nhiên, các việc làm này có tác động không nhỏ đến sự nghiệp hoằng Pháp, học, và hành theo lời Phật dạy ở các quốc gia ấy.

 

– Công việc nghiên cứu lời Phật dạy qua nguyên tác Pāli của người Việt có nhiều trở ngại: Văn bản Pāli của các nước quốc giáo tạo nên sự khó khăn trong việc nhận dạng mặt chữ do không quen thuộc, văn bản Pāli Roman của nhà xuất bản Pali Text Society (Anh Quốc) phát hành lại có giá bán quá cao. Nói chung, các tài liệu này đều khó tìm thấy ở Việt Nam và nếu có cũng chỉ được phổ biến có tính cách vô cùng hạn chế.

 

– Có nhiều thuật ngữ Phật Pháp cần phải nắm vững từ Pāli nguyên tác mới tránh được việc diễn giải không chính xác hoặc thiếu sót. Mỗi khi có nghi vấn về lời Việt của các bản dịch từ Tam Tạng Pāli, việc đối chiếu với nguyên tác là điều cần thiết. Trong vấn đề này, việc xác định và tìm hiểu nguyên tác phải là việc đầu tiên, sau đó mới tham khảo đến bản dịch của các ngôn ngữ khác. Điều này cũng đang gây nhiều khó khăn cho hàng học Phật người Việt.

 

– Nhu cầu nghiên cứu Phật Pháp của người Việt ngày càng đa dạng, về chất lẫn lượng, cần được nâng cao để truy nguyên về nguồn gốc.

 

– Bản dịch tiếng Việt của Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh chưa được hoàn tất. Các tập Kinh chưa được dịch sang tiếng Việt gồm có: Buddhavamsapāli,Cariyāpitakapāli, Mahāniddesapāli, Cullaniddesapāli, Apadānapāli,Patisambhidāmaggapakarana, Nettipakarana, vàPetakopadesapakarana. Tổng cộng là 10 tập theo danh sách 58 tập của chúng tôi (được đính kèm).

 

– Tài liệu song ngữ sẽ giúp cho các hàng học Phật được quen thuộc với các thuật ngữ Pāli thiết yếu để công việc nghiên cứu học hỏi và giảng dạy được nhiều thuận tiện vì việc nắm được thuật ngữ tiếng Việt cũng chưa đủ để xác định và giải quyết vấn đề.

 

Từ những nhận xét nêu trên, chúng tôi, một số Học Tăng tại Sri Lanka, ghi nhận rằng:

 

TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT LÀ NHU CẦU THIẾT YẾU

CHO CÔNG VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN

PHẬT HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT NAM.

 

–ooOoo–

 

 

GIỚI THIỆU

CÔNG TRÌNH ẤN TỐNG

TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT

 

***

 

Được sự tán thành và khuyến khích của:

 

– Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, President of the Thimbirigasyaya Religious Association “Sāsana Arakshaka Mandalaya,” Tu Viện Trưởng Tu Viện Sri Jayawardhanaramaya Colombo

– Ven. Kirama Wimalajothi Nāyaka Mahāthera, Giám Đốc nhà xuất bản Buddhist Cultural Centre

– Ven. Mettāvihārī, Ban điều hành Mettānet Foundation (www.metta.lk)

– Ông B. N. Jinasena Thư K‎ý Chánh Văn Phòng của Bộ Tôn Giáo (Ministry of Religious Affairs) của nước Sri Lanka

– Sự hỗ trợ về tinh thần và tài chánh bước đầu của một số Phật tử người Việt, xuất gia và tại gia

 

Chúng tôi sẽ khởi công thực hiện và ấn tống TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT 58 tập, gồm có văn bản Tam Tạng Pāli Roman (phiên âm từ văn bản Tam Tạng Pāli Sinhala được ghi theo mẫu tự của nước Sri Lanka) ở trang số chẳn bên trái và lời dịch tiếng Việt đối xứng ở trang số lẻ kế liền ở bên phải (xem mẫu). Do đó bản in của TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT có thể xem như là một phiên bản của Tam Tạng nước này nhằm mục đích xác định tính chất truyền thừa của Giáo Pháp. Điều cần nói thêm ở đây là Tam Tạng của Sri Lanka chỉ có 57 tập, chúng tôi thêm vào tập thứ 58 là Milindapañhā, tập Kinh này được liệt kê vào Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh theo truyền thống Miến Điện (xem lược đồ Tam Tạng).

 

CÔNG VIỆC DỰ KIẾN:

 

Để hoàn thành TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT, có những công việc chính yếu cần được hoàn tất như sau:

 

1/- Phiên âm (xem link) toàn bộ 58 tập Luật, Kinh, và Vi Diệu Pháp từ mẫu tự Pāli Sinhala sang mẫu tự Pāli Roman.

 

2/- Thực hiện bản dịch Việt cho 10 tập Kinh chưa được dịch sang tiếng Việt, cụ thể là:

 

Buddhavamsapāli Cariyāpitakapāli (1 tập)

Mahāniddesapāli (1 tập)

Cullaniddesapāli (1 tập)

Apadānapāli (3 tập)

Patisambhidāmaggapakarana (2 tập)

Nettipakarana (1 tập)

– và Petakopadesapakarana (1 tập).

 

3/- Trích lục và hiệu đính lời dịch Việt cho các tập Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh gồm có:

 

TheragāthāpāliTherīgāthāpāli (1 tập)

VimānavatthupāliPetavatthupāli (1 tập)

Jātakapāli (3 tập).

 

Lý do là các bản dịch tiếng Việt Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Chuyện Thiên Cung, Chuyện Ngạ Quỷ, Chuyện Tiền Thân đang được lưu hành là các tài liệu được phiên dịch từ Chú Giải (Atthakathā). Việc xác định rõ tính chất và xuất xứ của tài liệu: là Tipitakapāli – Chánh Tạng, Atthakathā – Chú Giải, Tīkā – Sớ Giải, hoặc các tài liệu được xuất bản thời gian sau này cũng rất cần thiết cho việc học hỏi và trau giồi kiến thức về Phật học.

 

4/- Hiệu đính lời dịch tiếng Việt và dịch lại các bài kệ theo lối văn xuôi cho được chính xác và đầy đủ ý nghĩa hơn để đối chiếu với văn bản Pāli, gồm có Khuddakapātha, Dhammapādapāli, Udānapāli, Itivuttakapāli(chung 1 tập), Suttanipātapāli (1tập), và Milindapañhapakarana (1 tập).

 

5/- Dàn trang Pāli và tiếng Việt với phần hiệu đính cho Tạng Luật (9 tập). Vấn đề này chỉ tốn chút ít công sức và thời gian thực hiện vì bản quyền Tạng Luật thuộc về chúng tôi.

 

6/- Hiệu đính tiếng Việt và dàn trang cho 31 tập còn lại dựa trên các bản dịch tiếng Việt đã được phát hành gồm có:

 

– 4 Bộ của Suttantapitaka – Tạng Kinh là:

+ Dīghanikāya – Trường Bộ (3 tập),

+ Majjhimanikāya – Trung Bộ (3 tập),

+ Samyuttanikāya – Tương Ưng Bộ (6 tập),

+ Anguttaranikāya – Tăng Chi Bộ (6 tập); tất cả là 18 tập.

 

– Abhidhammapitaka – Tạng Vi Diệu Pháp (13 tập).

 

 

THỜI GIAN THỰC HIỆN:

 

Thời điểm khởi công: PL. 2550 – VESAK[2] – DL. 2006.

 

TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT tổng cộng có 58 tập. Để nhanh chóng công việc, cần có 2 nhóm thực hiện song song:

 

1/- Nhóm thứ 1 phụ trách các việc ở mục 2, 3, 4, 5 phía trên gồm 27 tập trong đó có 10 tập chưa được dịch sang tiếng Việt. Dự kiến dành riêng 10 năm cho công việc phiên dịch, nghĩa là mỗi năm sẽ hoàn tất 1 tập. Các tập còn lại (17 tập) sẽ được tiến hành song song hoặc riêng lẻ, có thể tính thêm 5 năm. Tổng cọng là 15 năm.

 

2/- Nhóm thứ 2 phụ trách hiệu đính và dàn trang cho 31 tập còn lại (ở mục 6). Việc thực hiện 2 tập trong 1 năm là khả thi. Như vậy cũng sẽ là 15 năm.

 

Nếu nhân lực có đủ 2 nhóm thì 15 năm. Nếu chỉ có 1 nhóm thực hiện thì thời gian sẽ kéo dài 30 năm hoặc hơn. Việc dự kiến thời gian như vậy xét ra chỉ có tính cách tương đối, thực tế cho thấy nước Sri Lanka đã thực hiện bộ Tam Tạng song ngữ của họ dường như là 33 năm (hoàn tất năm 1989), và nước Campuchia cũng đã mất thời gian tương tợ.

 

KINH PHÍ ƯỚC LƯỢNG:

 

Lấy Tam Tạng Song Ngữ Pāli Sinhala gồm 57 cuốn làm ví dụ: Toàn bộ 57 cuốn này trị giá 400 USD (Giá thành thật sự là cao hơn, sở dĩ như vậy vì đã được Phật Tử hỗ trợ thêm vào kinh phí in ấn). Như vậy, giá thành cho Tam Tạng Song Ngữ Pāli Việt sẽ cao hơn. Với giá chênh lệch cho 400-500 USD cho mỗi bộ thì phải chuẩn bị 400.000 – 500.000 USD NẾU IN 1000 BỘ. Nếu in số lượng phân nữa thì 250.000 – 300.000 USD NẾU IN 500 BỘ. Việc tính toán này chỉ tính theo giá thành tổng quát, không đề cập đến việc giảm giá thành do in số lượng nhiều, hoặc tăng thêm giá thành nếu tính đến các chi phí cho công việc soạn thảo và phân phối.

 

–ooOoo–

 

 

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN:

 

***

 

CÔNG VIỆC SOẠN THẢO:

 

1/- Chúng tôi đã hoàn tất việc phiên âm Pāli và lời dịch Việt cho hai tậpBuddhavamsapāliCariyāpitakapāli (Phật Sử và Hạnh Tạng). Các công việc chuẩn bị đã được hoàn tất trong tháng 7/2006. Việc tiến hành in đang được tiến hành trong tháng 8, và có đủ khả năng hoàn tất trong năm 2006.

 

2/- Bản thảo Patisambhidāmaggapakarana với tựa đề là Phân Tích Đạođã được hoàn tất, đang ở giai đoạn dò xét lại lần cuối. Công việc chuẩn bị và dàn trang sẽ được tiến hành vào cuối năm nay 2006.

 

3/- Bản dịch Apadānapāli đang được xúc tiến. Đại Đức Brahmapalita (Thạch Long Thinh) đã nhận lời chuẩn bị phần dịch sơ khởi.

 

 

VẬN ĐỘNG NHÂN LỰC & TÀI CHÁNH:

 

Với niềm tin và sự nỗ lực phụng sự Phật Pháp, chúng tôi đã bắt tay vào việc soạn thảo cho công trình này hoàn toàn từ nguồn vật tư có sẵn cho công việc học tập và nghiên cứu của cá nhân.

 

Về tập đầu tiên, BuddhavamsapāliCariyāpitakapāli (Phật Sử và Hạnh Tạng) sẽ được hoàn tất trong năm 2006 này với sự khuyến khích và tài chánh cúng dường của một số Phật Tử thân hữu (Xem Phương Danh Thí Chủ). Tuy nhiên, để tiến hành cho việc in ấn các cuốn kế tiếp thì ngân sách của chúng tôi hoàn toàn là con số không.

 

Nói rõ hơn, chúng tôi kính xin đề nghị chư Tôn Đức và quý Phật Tử dành chút thời giờ quý báu để suy nghĩ đến sự thiết yếu của TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI VIỆT trong sự nghiệp tu Phật của người Việt. Để cho công việc được tiến hành tốt đẹp và hoàn thành nhanh chóng, chúng tôi rất cần đến sự tiếp tay giúp sức của nhiều người. Và sự hỗ trợ của chư Tôn Đức và quý Phật Tử sẽ là nguồn động viên và là nhiên liệu cho công việc chung được tiến hành tốt đẹp.

 

ĐÓNG GÓP VỀ NHÂN LỰC:

 

– Khả năng yêu cầu: Văn phạm Pāli sơ cấp và kỹ năng vi tính cơ bản. Công việc đầu tiên của quý vị là sẽ học mẫu tự Sinhala để đọc được văn bản Pāli – Sinhala. Các việc phiên dịch hoặc hiệu đính lời Việt cũng phải dựa vào kỹ năng này. Chúng tôi sẽ cung cấp tài liệu để quý vị có thể tham khảo thêm và thực hiện công việc tại nơi định cư của quý vị. Một điều quan trong khác nữa là sự đóng góp ý kiến hoặc hoặc những lời khích lệ của quý vị cũng sẽ có tác động vô cùng lớn lao đến công trình ấn tống này.

 

ĐÓNG GÓP VỀ TÀI CHÁNH:

 

Mọi đóng góp về tài chánh xin liên hệ địa chỉ email sau:

 

tamtangpaliviet@gmail.com hoặc tamtangpaliviet@yahoo.com

 

Tùy khả năng đóng góp, phương danh của qu‎ý vị sẽ được ghi vào Công Đức Bảo Trợ hoặc Công Đức Hỗ Trợ. Hoặc giả, quý vị có thể ghi danh thỉnh kinh với phần tài chánh tạm ứng trước để chúng tôi có thể yên tâm và tập trung sức lực vào công việc chính. Không có tài chánh, hoạt động của CÔNG TRÌNH ẤN TỐNG TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT không thể tiến hành.

 

***

 

Thay lời kết luận, chúng tôi xin tự đánh giá về những lợi ích mà công trình của chúng tôi sẽ cống hiến như sau:

 

1/- Người Việt chúng ta sẽ có được văn bản Tam Tạng Pāli Roman được phiên âm chính xác từ văn bản Tam Tạng Pāli Sinhala của nước Sri Lanka (Tích Lan) là xứ sở đã có công đầu trong việc ghi lại toàn bộ những lời dạy của đức Phật được lưu truyền qua ba kỳ kết tập ở Ấn Độ, từ đó các văn bản Pāli được ghi lại này đã truyền sang các nước quốc giáo lân cận. Điểm quan trọng là giá thành của văn bản Tam Tạng Pāli Roman do chúng tôi đang thực hiện dự kiến chỉ là 1/4 so với giá phát hành của nhà xuất bản Pali Text Society (Anh Quốc) nhưng lại có thêm phần dịch tiếng Việt.

 

2/- Lời dịch Việt với tinh thần “dịch sát văn bản gốc” theo từng từ, từng câu sẽ là tài liệu thuận tiện cho công việc học tập ngôn ngữ Pāli của hàng hậu sinh, là sự trao đổi kinh nghiệm học hiểu đối với các hàng Học Phật có cùng sở thích, là nguồn tư liệu bổ sung cho công việc nghiên cứu và hiệu đính của các học giả học Phật đương thời, cụ thể hơn chúng tôi tin tưởng rằng “văn bản dịch thô” của chúng tôi sẽ góp phần lợi ích thiết thực cho công việc thực hiện một văn bản tiếng Việt chính xác và hoàn mãn trong ngày vị lai.

 

3/ Những điểm hiệu đính của chúng tôi đối với bản dịch của các bậc tiền bối, được thực hiện dựa trên các sự nghiên cứu tìm hiểu cẩn thận không do cảm tính hoặc dựa dẫm vào bản dịch khác, chỉ nhằm thể hiện tinh thần đóng góp tích cực của chúng tôi đối với sự nghiệp Học Phật chung theo tinh thần kế thừa và phát triển, không nhằm mục đích “phạm thượng” hoặc “bôi bác” tiền nhân theo lối suy nghĩ thường tình của thế gian.

 

4/- Chúng tôi thiết nghĩ rằng TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT chắc chắn sẽ góp phần vào việc xây dựng một tương lai sáng lạng cho việc học tập và nghiên cứu Lời Phật Dạy của người Việt Nam.

 

5/- CÔNG TRÌNH ẤN TỐNG TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT thật ra chỉ là phương tiện nhằm san sẻ đến quý vị những phước báu và niềm hoan hỷ được sanh lên do việc nghiên cứu và học tập Lời Phật Dạy căn cứ vào văn bản Pāli; đây vốn là công việc thường nhật của chúng tôi. Hướng đến tha nhân nhằm thúc đẩy sự nỗ lực của cá nhân. Cá nhân có sự nỗ lực đúng đắn sẽ thành tựu thêm nhiều phước báu: Ước muốn ẤN TỐNG TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT của chúng tôi nhắm đến lợi ích của cả hai, cho người và cho mình. Cho dầu không thực hiện được việc lợi ích cho tha nhân, mục đích tu học của chính bản thân chúng tôi cũng sẽ tiến hành đều đặn. Như thế, CÔNG TRÌNH ẤN TỐNG TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT có được thành tựu hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định tùy hỷ phước báu và ủng hộ của quý vị. Các lợi ích đã được chúng tôi dự kiến ở trên có thành tựu đến hàng Học Phật người Việt hay không cũng hoàn toàn nằm ở trong lòng bàn tay của quý vị.

 

Thay lời kết, ngưỡng mong sự quan tâm và hỗ trợ về tâm linh cũng như về vật chất của chư Tôn Đức và quý Phật Tử ngõ hầu CÔNG TRÌNH ẤN TỐNG TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT sớm được thành tựu viên mãn.

 

Kính thơ,

TM. Nhóm Ấn Tống

Tỳ Khưu Indacanda

 

[1] Việc gọi tên ngôn ngữ này là ngôn ngữ Pāli có thể đã được học giả người Pháp Simon de la Loubère sử dụng đầu tiên trong tác phẩm Du Royaume de Siam ấn hành năm 1691; tài liệu này đã được dịch sang tiếng Anh năm 1693 (Juo-Hsüeh Shih Bhikkhunī, Controversies over Buddhist Nuns, Oxford: The Pali Text Society, 2000, trang 3).

[2] Ngày trăng tròn tháng Vesakha, nhằm ngày rằm tháng 4 âm lịch hàng năm, là ngày kỷ niệm Đại Lễ Tam Hợp: Đản Sanh – Thành Đạo – Niết Bàn của Phật Giáo. Ở Việt Nam, ngày lễ này đã được quen gọi là lễ Phật Đản.