Vài nét tiểu sử về Trưởng lão Thiền sư Mahasi
Cố Trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw sinh năm 1904 tại Seikkhun, một ngôi làng lớn, xinh đẹp và trù phú cách thị trấn giàu truyền thống lịch sử Shwebo khoảng bảy dặm về phía Tây thuộc miền Bắc Miến Điện. Ngài xuất thân trong một gia đình khá giả ở vùng nông thôn. Song thân của ngài tên là U Kan Taw và Daw Oke. Lúc sáu tuổi, ngài đã sớm được gửi vào tu viện để tu học dưới sự chỉ giáo của ngài U Adicca, trụ trì tu viện Pyinmana tại Seikkhun. Sáu năm sau, ngài bắt đầu thọ giới Sadi (sāmaṇera) cũng với vị thầy ấy và có pháp danh là Shin Sobhana (Tịnh hảo). Pháp danh này hợp với bản tính can trường và đạo hạnh của ngài. Ngài là một học trò sáng dạ và có tiến bộ nhanh đáng kể trong việc tìm hiểu nghiên cứu kinh điển. Khi ngài U Adicca không còn đảm nhiệm chức vụ này, sa-di Shin Sobhana tiếp tục việc học tập nghiên cứu của mình dưới sự chỉ giáo của ngài trưởng lão U Parama thuộc tu viện Thugyi-Kyaun ở Ingyintaw-Taik. Năm mười chín tuổi, ngài phải quyết định có nên tiếp tục ở lại Tăng đoàn và dành phần còn lại của đời mình để phục vụ Giáo pháp Đức Phật (Buddha Sasana) hay quay trở về đời sống thế tục. Sa-di Shin Sobhana biết trái tim của mình đã đặt vào đâu và không ngần ngại chọn con đường phục vụ cho Giáo pháp. Ngài đã được thọ giới tỳ-kheo (Bhikkhu) vào ngày 26 tháng 11 năm 1923 và ngài trưởng lão Sumedha Sayadaw Ashin Nimmala là vị thầy tế độ của ngài. Trong vòng bốn năm, Đại đức Shin Sobhana đã vượt qua ba cấp của kỳ thi Kinh điển Paḷi do Chính phủ tổ chức.
Đại đức Sobhana sau đó chuyển đến thành phố Mandalay, nơi nổi tiếng về việc học tập và nghiên cứu Phật giáo, để theo đuổi việc nghiên cứu sâu hơn về kinh điển dưới sự chỉ dẫn của các vị trưởng lão có tiếng tăm. Tuy nhiên, việc lưu trú của đại đức tại Khinmakan, một tu viện phía tây thành phố, vì mục đích học tập này bị cắt ngắn sau hơn một năm, rồi tiếp đó, ngài được thỉnh mời đến Moulmein. Viện chủ tu viện Taik-Kyaung ở Taungwainggale (người đồng hương với Đại đức Sobhana) muốn Đại đức về hỗ trợ việc giảng dạy cho học sinh của mình. Trong khi giảng dạy tại Taungwainggale, Đại đức Sobhana tiếp tục nghiên cứu kinh điển, với sự chuyên tâm đặc biệt đến Kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipaṭṭhāna Sutta). Mối quan tâm sâu sắc về phương pháp Tứ Niệm Xứ (satipaṭṭhāna) của thiền Minh Sát (Vipassana) đưa ngài đến với tu viện láng giềng Thaton, nơi mà trưởng lão nổi tiếng Mingun Jetavan đang giảng dạy. Dưới sự hướng dẫn của ngài Mingun Jetavan, Đại đức Sobhana đã miên mật thực hành thiền Minh Sát (Vipassana). Trong vòng bốn tháng, Đại đức đã đạt được những kết quả tốt đẹp tới mức có thể hướng dẫn lại một cách đúng đắn cho ba vị đệ tử đầu tiên của mình tại Seikkhun trong chuyến viếng thăm nơi này vào năm 1938. Sau khi từ Thaton trở về Taungwainggale (do trọng bệnh và rồi sau đó là sự viên tịch của ngài trưởng lão Taik-kyaung) để khôi phục công việc giảng dạy và quản lý tu viện, Đại đức Sobhana đã tham dự và xuất sắc vượt qua kỳ thi Dhammacariya (Pháp Sư) do Chính phủ tiến hành năm 1941.
Đêm trước cuộc xâm lược Nhật Bản vào Miến Điện, Đại đức Sobhana phải rời khỏi Taungwainggale và trở về quê hương Seikkhun của mình. Đây là một cơ hội quý cho Đại đức cống hiến hết mình, toàn tâm toàn ý để thực hành thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (satipaṭṭhāna vipassana) và để dạy lại cho số môn đệ ngày một tăng. Tu viện Mahasi ở Seikkhun (mà từ đó Ngài được gọi là thiền sư Mahasi) may mắn không bị tác động bởi sự khốc liệt và tàn phá của chiến tranh. Trong thời gian này các đệ tử của ngài đã thuyết phục ngài viết “Hướng dẫn Thiền Minh Sát”, một công việc đòi hỏi sự am hiểu tường tận và toàn diện, trình bày chi tiết các khía cạnh pháp học và pháp hành của thiền Tứ Niệm Xứ (satipaṭṭhāna).
Ít lâu sau, danh tiếng ngài Mahasi là một thiền sư lão luyện đã lan truyền khắp vùng Shwebo-Sagaing và được sự chú ý của một Phật tử thuần thành và giàu có là ông U Thwin – người mong muốn thúc đẩy Lời dạy của Đức Phật (Phật Pháp: Buddha Sasana) bằng việc thiết lập một trung tâm thiền được dẫn dắt bởi vị thầy có năng lực và đức độ. Sau khi nghe ngài Mahasi giảng một bài về thiền Minh Sát (Vipassana) cũng như quan sát thái độ tự tại và cao quý của ngài, ông U Thwin đã không khó khăn gì trong việc khẳng định rằng ngài Mahasi chính là vị thiền sư mà mình tìm kiếm bấy lâu nay.
Vào ngày 13 tháng 11 năm 1947, Hiệp hội Giáo Pháp Nuggaha được thành lập tại Rangoon với vị chủ tịch đầu tiên là ông U Thwin và với mục đích là nghiên cứu lý thuyết và thực hành Giáo Pháp Đức Phật (Dhamma). Ông U Thwin đã cúng dường cho Hiệp hội một lô đất chừng năm héc-ta ở đường Hermitage, Rangoon, để xây dựng trung tâm thiền như dự kiến. Năm 1978, trung tâm chiếm một diện tích 19,6 héc-ta, có một quần thể rộng lớn các tòa nhà và các công trình kiến trúc khác được xây dựng. Ông U Thwin nói với Hiệp hội rằng ông đã tìm thấy một thiền sư đáng tin cậy và đề xuất với Thủ tướng Miến Điện thỉnh mời ngài Mahasi Sayadaw về Trung tâm.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngài Mahasi thường cư ngụ qua lại giữa quê hương Seikkhun và tu viện Taungwainggale ở Moulmein. Lúc đó, Miến Điện đã giành được độc lập vào ngày 4 tháng 1 năm 1948. Tháng 5 năm 1949, trong một lần ngụ tại Seikkhun, ngài đã hoàn tất một bản dịch chú giải (nissaya) mới của bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipaṭṭhāna Sutta). Bản dịch này vượt trên một bản dịch kinh tạng thông thường của bài kinh này – là bài kinh rất quan trọng cho những ai cần được hướng dẫn thực hành thiền Minh Sát (Vipassana).
Vào tháng mười một năm đó, theo lời thỉnh mời của cá nhân Thủ tướng U Nu, thiền sư Mahasi đã từ Shwebo và Sagaing đến trung tâm thiền Sasana Yeiktha tại Rangoon, cùng với hai vị trưởng lão thiền sư. Từ đó, ngài bắt đầu giám hộ trung tâm thiền Sasana Yeiktha tại Rangoon. Ngày 4 tháng 12 năm 1949, ngài Mahasi trực tiếp hướng dẫn cho hai mươi lăm thiền sinh đầu tiên thực hành thiền Minh Sát (Vipassana. Việc số thiền sinh ngày càng đông trở thành thách thức không nhỏ đối với ngài trong việc truyền đạt toàn bộ bài giảng cho tất cả các hành giả. Từ tháng 7 năm 1951, bài thuyết giảng thu âm đã được bật lên cho mỗi nhóm thiền sinh mới cùng với lời giới thiệu ngắn gọn của ngài. Trong vòng một vài năm sau khi trung tâm thiền Sasana Yeiktha ra đời tại Rangoon, các trung tâm thiền tương tự đã được lâp nên ở nhiều nơi trên cả nước với các thành viên Tăng đoàn (Saṇgha) được ngài Mahasi đào tạo làm thiền sư. Các trung tâm này không chỉ giới hạn ở Miến Điện mà mở rộng đến các nước láng giềng theo Phật giáo nguyên thủy (Theravāda) như Thái Lan và Sri Lanka. Ngoài ra còn có một số trung tâm ở Campuchia và Ấn Độ. Theo một điều tra dân số năm 1972, tổng số hành giả được đào tạo ở tất cả các trung tâm này (cả ở Miến Điện và nước ngoài) đã vượt quá 700.000 người. Để ghi nhận trí tuệ xuất chúng và thành tựu tâm linh của ngài thì năm 1952, thiền sư Mahasi đã được vinh danh bởi Thủ tướng của Liên bang Miến Điện với danh hiệu uy tín là một Aggamahāpaṇḍita (Bậc trí tuệ cao quý).
Ngay sau khi dành được độc lập, chính phủ Miến Điện đã bắt đầu kế hoạch cử hành Đại hội kết tập Kinh điển Phật giáo (Sañgāyana) lần thứ VI ở Miến Điện có bốn quốc gia Phật Giáo khác (Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia và Lào) cùng tham gia. Với mục đích này thì Chính phủ đã cử một phái đoàn đến Thái Lan và Campuchia, gồm có ngài Nyaungyan, ngài Mahasi và hai vị cư sĩ. Phái đoàn đã thảo luận kế hoạch với các vị chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo của hai quốc gia này.
Tại Đại hội kết tập Kinh điển lần thứ VI lịch sử được tiến hành với tất cả vẻ rực rỡ uy nghi vào ngày 17 tháng 5 năm 1954, trưởng lão Mahasi đã đóng một vai trò xuất sắc, thực hiện các nhiệm vụ chính xác và nặng nề của một Osāna (biên tập viên cuối cùng) và Pucchaka (người chất vấn). Một đặc điểm độc đáo của Đại hội này là kết tập các Chú giải (Aṭṭhakathā) và phụ chú (ṭikā) cũng như các bài kinh. Trong việc biên tập kinh điển này, ngài trưởng lão Mahasi chịu trách nhiệm thực hiện một phân tích mang tính phản biện, giải nghĩa hoàn chỉnh và giảng hòa khéo léo đối với của một số đoạn quan trọng và bất đồng.
Một kết quả quan trọng của Đại hội kết tập Kinh điển lần thứ VI là sự hồi sinh mối quan tâm về Phật giáo Nguyên thủy trong cộng đồng Phật tử theo Phật giáo Đại thừa. Năm 1955, trong khi Đại hội đang được tiến hành thì mười hai nhà sư và một nữ cư sĩ Nhật Bản đã đến Miến Điện để nghiên cứu Phật giáo Nguyên Thủy. Các nhà sư đã được gia nhập Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy với tư cách sa-di, còn nữ cư sĩ thì trở thành một tu nữ. Sau đó, vào tháng 7 năm 1957, theo lời đề nghị của Hiệp hội Phật giáo Moji, Hội đồng Phật giáo Miến Điện đã cử một phái đoàn Phật giáo Nguyên thủy đến Nhật Bản. Ngài Mahasi là một trong những đại diện dẫn đầu Tăng đoàn Miến Điện trong sứ mệnh đó.
Cũng trong năm 1957, ngài Mahasi đã thực hiện nhiệm vụ viết lời giới thiệu bằng tiếng Paḷi cho Chú giải Thanh Tịnh đạo (Visuddhimagga Aṭṭhakathā), để bác bỏ một số nhận định sai trái về tác giả lỗi lạc của cuốn sách này là ngài luận sư Đại đức Buddhaghosa. Ngài trưởng lão Mahasi đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này vào năm 1960, công việc của ngài chứa đựng dấu ấn của việc tu học độc đáo và hiểu biết sâu sắc. Đến lúc đó thì ngài cũng đã hoàn tất hai (trong số bốn) tập của bản dịch Chú giải nổi tiếng này sang tiếng Miến cũng như tác phẩm kinh điển về thiền Phật giáo.
Theo lời thỉnh mời của Chính phủ Sri Lanka, một phái đoàn đặc biệt do ngài U Sujata, một đệ tử xuất sắc của trưởng lão Mahasi, đã tới Sri Lanka vào tháng 7 năm 1955 để phát triển thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna). Đoàn ở lại ở Sri Lanka trong hơn một năm và đã làm công việc đáng ngưỡng mộ, đó là thiết lập mười hai trung tâm thiền cố định và mười bảy trung tâm thiền tạm thời. Sau khi khánh thành một trung tâm thiền trên một khu đất do Chính phủ Sri Lanka cúng dường, một phái đoàn lớn hơn do ngài Mahasi dẫn đầu rời Miến Điện tới Sri Lanka vào ngày 6 Tháng 1 năm 1959, thông qua Ấn Độ. Đoàn ở Ấn Độ khoảng ba tuần và trong thời gian đó các thành viên đã đến thăm một số thánh tích gắn liền với đời sống và hoạt động hoằng pháp của Đức Phật. Họ cũng đã thuyết pháp vào những dịp phù hợp và có cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru, Tổng thống Ấn Độ là Tiến sĩ Rajendra Prasad và phó Tổng thống, Tiến sĩ S. Radhakrishnan. Một điểm đáng chú ý của chuyến thăm này là sự chào đón nồng nhiệt từ thành viên của các tầng lớp tiện dân theo đạo Phật dưới sự hướng dẫn của nhà lãnh đạo quá cố Tiến sĩ Ambedkar.
Phái đoàn bay từ Madras đến Sri Lanka vào ngày 29 tháng 1 năm 1959 và đến Colombo cùng ngày. Chủ Nhật ngày 1 tháng 2, tại lễ khai mạc trung tâm thiền có tên là ‘Bhavana Majjhathana’, trưởng lão Mahasi đã có bài diễn văn bằng tiếng Paḷi sau khi Thủ tướng Bandaranayake và một số người khác phát biểu. Tiếp đó, các thành viên của đoàn theo một chuyến tham quan mở rộng trên hòn đảo này để đến thăm một số trung tâm thiền và ở đó, ngài Mahasi đã thuyết giảng về thiền Minh Sát (Vipassana). Đoàn còn đi thăm viếng các địa điểm hành hương nổi tiếng như Polonnaruwa, Anuradhapura và Kandy. Chuyến thăm lịch sử của phái đoàn Miến Điện dưới sự dẫn dắt đầy cảm hứng của trưởng lão Mahasi là biểu tượng của mối quan hệ lâu đời và gần gũi mật thiết của tình hữu nghị giữa hai quốc gia Phật giáo Nguyên thủy này. Lợi ích chuyến thăm đối với phong trào Phật giáo ở Sri Lanka là sự hồi sinh mối quan tâm về thiền mà trước đó dường như có phần giảm sút.
Vào tháng 2 năm 1954, khách viếng thăm trung tâm Sasana Yeiktha có thể thấy một người đàn ông trẻ tuổi Trung Quốc đang hành thiền Minh Sát (Vipassana). Vị hành giả khiến người ta thắc mắc ấy là một đạo sĩ quan tâm đến thiền Minh Sát (Vipassana) đến từ Indonesia tên là Bung An. Dưới sự hướng dẫn của ngài trưởng lão Mahasi và ngài U Ñanuttara, Bung An đã tiến bộ xuất sắc tới mức mà sau mới hơn một tháng, ngài thiền sư Mahasi đã thuyết giảng cho vị này chi tiết về phát triển tuệ giác. Sau đó, Bung An được thọ giới tỳ kheo (bhikkhu) và có pháp danh là Đại đức Jinarakkhita, với vị thầy tế độ là ngài trưởng lão Mahasi. Sau khi Đại đức về Indonesia với tư cách là một tu sĩ đạo Phật, Giáo hội Phật giáo nhận được yêu cầu cử một tu sĩ Phật giáo Miến Điện để thúc đẩy sứ mệnh truyền giáo ở Indonesia. Người ta quyết định trưởng lão thiền sư Mahasi, là thầy tế độ và cố vấn của Đại đức Ashin Jinarakkhita sẽ thực hiện sứ mệnh này. Với mười ba tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy Theravāda khác, trưởng lão Mahasi đã tiến hành các hoạt động truyền giáo chính như kiết giới Sīmā, truyền giới tỳ – kheo (bhikkhu), truyền giới sa-di và thuyết pháp, nhất là hướng dẫn thiền Minh Sát (Vipassana).
Qua những hoạt động đầy kết quả trong việc thúc đẩy Phật giáo ở Indonesia và Sri Lanka, chúng ta có thể mô tả sứ mệnh của trưởng lão thiền sư Mahasi ở các nước này là những hành trình của ‘Dhamma-vijaya ‘ (sự chiến thắng của Pháp).
Đầu năm 1952, theo lời thỉnh mời của Bộ Tăng sự (Saṇgha Affairs) Thái Lan, trưởng lão thiền sư Mahasi đã cử các ngài thiền sư U Asabha và U Indavamsa đến Thái Lan để phát triển thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Vipassana). Nhờ những nỗ lực của họ mà phương pháp của ngài Mahasi được đón nhận rộng rãi ở Thái Lan. Đến năm 1960, nhiều trung tâm thiền đã được thành lập và số lượng của các thiền sinh theo phương pháp thiền Mahasi đã vượt quá một trăm nghìn.
Cống hiến vô tư và chuyên tâm cho sự truyền bá Phật Pháp (Buddha Sasana) là đặc tính của ngài nên bất chấp tuổi cao, sức yếu, trưởng lão thiền sư đã thực hiện thêm ba sứ mệnh nữa tới phương Tây (Anh, châu Âu và Mỹ) cũng như Ấn Độ và Nepal trong ba năm (1979, 1980 và 1981) trước khi ngài viên tịch.
Trưởng lão Abhidhajamaharatthaguru Masoeyein, người chủ trì Ban chấp hành Sanghanayaka tại Đại hội tập kết Kinh điển lần thứ VI, thúc giục thiền sư Mahasi Sayadaw dạy hai Chú giải cho Tăng đoàn tại Sasana Yeiktha. Chú giải Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga Aṭṭhakathā) của ngài Đại đức Buddhaghosa và Đại chú giải Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga Mahaṭikā) của ngài Đại đức Dhammapala chủ yếu đề cập đến pháp học và pháp hành của thiền Phật giáo và cũng đưa ra giảng giải hữu ích các điểm giáo lý mấu chốt nên rất quan trọng đối với các thiền sư tương lai. Thiền sư Mahasi bắt đầu dạy hai tác phẩm này vào ngày 2 tháng 2 năm 1961 trong vòng một tiếng rưỡi đến hai tiếng mỗi ngày. Dựa trên những ghi chép bài giảng được thực hiện bởi học trò của mình, ngài thiền sư bắt đầu viết bản phụ chú giải (nisaya) bộ Thanh Tịnh Đạo Mahaṭikā (Visuddhimagga Mahaṭikā) và hoàn tất vào ngày 4 Tháng 2 năm 1966. Bản phụ chú giải (nisaya) này là một thành quả lớn lao. Phần về các quan điểm khác nhau của các tôn giáo khác đòi hỏi nhiều kham nhẫn nhất vì ngài trưởng lão đã phải làm quen với triết lý Hindu cổ đại và các thuật ngữ bằng cách nghiên cứu tất cả các tài liệu tham khảo sẵn có, bao gồm cả các công trình trong tiếng Phạn và tiếng Anh.
Thật đáng ngưỡng mộ vì đến nay, thiền sư Mahasi đã có được công trình gồm 67 cuốn văn học Phật giáo Miến Điện. Không gian cuốn sách không cho phép chúng tôi liệt kê tất cả các cuốn sách của ngài ở đây, nhưng danh sách cập nhật hoàn chỉnh nhất được bổ sung vào ấn phẩm mới nhất của ngài có tên là, ‘Giảng giải kinh Đế thích sở vấn” (A Discourse on Sakkapanha Sutta) (xuất bản tháng 10 năm 1978).
Có một thời gian thiền sư Mahasi đã bị chỉ trích nặng nề ở một số nơi do chủ trương của ngài về phương pháp ghi nhận phồng xẹp của bụng trong thiền Minh Sát được cho là không chính thống. Người ta đã nhầm lẫn cho rằng phương pháp này là một sự sáng tạo của ngài, trong khi sự thật là nó đã được thừa nhận vài năm trước khi thiền sư Mahasi theo học, bởi không chỉ không thua kém với phương pháp mula (gốc) của thiền sư Mingun Jetavan, mà nó không có gì trái với lời dạy của Đức Phật về chủ đề này. Lý do mà phương pháp Mahasi được ưa chuộng là hành giả bậc trung thấy dễ dàng ghi nhận biểu hiện của yếu tố chuyển động (vāyodhātu: phong đại). Tuy nhiên, không thể áp đặt lên tất cả những ai đến thực hành ở bất cứ trung tâm thiền Mahasi nào. Một người có thể thực hành quán niệm hơi thở (Ānāpānasati) nếu muốn. Thiền sư Mahasi không tham gia với các nhà phê bình của mình về chủ này, nhưng hai vị thiền sư lỗi lạc đã cho ra những cuốn sách để bảo vệ cho phương pháp của ngài, do đó cho phép những người quan tâm đến vấn đề tranh cãi kia có thể có đánh giá cho riêng mình.
Tranh cãi này nảy sinh ở Sri Lanka nơi một số thành viên của Tăng đoàn thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về thiền ứng dụng đã công khai đả kích phương pháp của thiền sư Mahasi trên các báo và tạp chí. Kể từ khi những lời chỉ trích này được phát đi bằng tiếng Anh với phạm vi phủ sóng trên toàn thế giới thì sự im lặng không còn được duy trì và ngài thiền sư U Ñanuttara của Kaba-aye (chùa Hòa Bình Thế giới) buộc phải có phản ứng với những lời chỉ trích trên các trang của ‘Thế giới Phật giáo’, một ấn phẩm về Phật giáo của Sri Lanka.[1]
Uy tín quốc tế của ngài thiền sư Mahasi đã thu hút nhiều du khách và các hành giả từ nước ngoài, một số tìm kiếm sự sáng tỏ cho các vấn đề tôn giáo của họ, còn một số người khác thì có mong muốn thực hành thiền dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ ngài thiền sư. Trong số các thiền sinh đầu tiên từ nước ngoài có cựu Chuẩn Đô đốc E.H. Shattock người Anh đi nghỉ phép từ Singapore đến hành thiền tại trung tâm Sasana Yeiktha năm 1952. Khi trở về Anh, ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Cuộc thử nghiệm trong chánh niệm” (An Experiment in Mindfulness) trong đó đề cập đến những trải nghiệm của mình bằng những ngôn từ đầy cảm kích. Một người nước ngoài khác là ông Robert Duvo, một người Mỹ gốc Pháp, từ California. Ông đến và hành thiền tại trung tâm, ban đầu với tư cách là một hành giả cư sĩ, rồi sau là một Tỳ kheo (bhikkhu). Về sau, ông xuất bản một cuốn sách ở Pháp về kinh nghiệm của mình và phương pháp thiền Minh Sát – Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Vipassana). Đáng chú ý nhất là Anagarika Munindra Shri từ Buddha Gaya, Ấn Độ, người đã trở thành một đệ tử thân cận của ngài thiền sư Mahasi, đã dành nhiều năm bên ngài tìm hiểu kinh Phật và hành thiền Minh Sát. Sau đó ông điều hành một trung tâm thiền quốc tế tại Buddha Gaya, nơi nhiều người từ phương Tây đến tu thiền. Trong số những hành giả này có một thanh niên Mỹ tên là Joseph Goldstein, người đã viết một cuốn sách sâu sắc về thiền Minh Sát mang tựa đề ‘Kinh nghiệm Thiền quán: Một hé mở tự nhiên ” (The Experience of Insight: A Natural Unfolding)[2].
Một số tác phẩm của ngài thiền sư Mahasi đã được xuất bản ở nước ngoài, chẳng hạn như ‘Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ’ (The Satipaṭṭhāna Vipassana Meditation)‘ và ‘Thiền quán thực hành (Practical Insight Meditation) bởi Unity Press, San Francisco, California, Hoa Kỳ, và ‘Tiến trình phát triển của tuệ giác’ (The Progress of Insight) bởi Hiệp hội Xuất bản Phật giáo, Kandy, Sri Lanka. Sự hộ độ vô tư và hiệu quả đã được cúng dường bởi ông U Pe Thin (nay đã qua đời) và Myanaung U Tin trong quá trình thông tin giao tiếp của ngài thiền sư với du khách và hành giả của mình từ nước ngoài và trong việc dịch thuật sang tiếng Anh một số bài giảng của thiền sư về thiền Minh Sát (Vipassana). Cả hai vị này đều là thiền sinh giỏi.
Trưởng lão thiền sư Mahasi được tôn kính và tri ân sâu sắc bởi vô số các môn đệ ở Miến Điện và nước ngoài. Mặc dù mong muốn tha thiết của các môn đệ trung thành của ngài rằng trưởng lão Mahasi có thể sống thêm vài năm nữa và tiếp tục tưới tẩm phước lành Giáo Pháp (Buddha Dhamma) lên những người ai đang tìm kiếm tự do và giải thoát, nhưng luật vô thường vô tình đã chấm dứt cuộc sống đầy vị tha và cống hiến của ngài thật đột ngột bi thương vào ngày 14 tháng 8 năm 1982. Là một Phật tử thực thụ của Đức Phật, ngài sống can trường, truyền bá lời dạy của bậc Đạo sư khắp thế giới và đã trợ duyên hàng ngàn và hàng chục ngàn người đi trên Con đường Giác ngộ và Giải Thoát.
U Nyi Nyi (Hành giả và đệ tử của ngài Mahasi)
Thành viên của Ủy ban chấp hành Yangon, Miến Điện
Hiệp hội Phật pháp Nuggaha ngày 18 tháng 10 năm 1978
Nguồn: http://www.buddhanet.net/mahabio.htm
Tiểu sử trưởng lão thiền sư Mahasi
Đại đức U Sobhana Mahathera, thường được gọi là trưởng lão thiền sư Mahasi, sinh ra vào ngày 29 tháng 7 năm 1904 trong một gia đình phú nông của ông bà U Kan Htaw and Daw Shwe Ok tại Seikkhun, một ngôi làng cách thị trấn Shwebo khoảng bảy dặm về phía Tây thuộc miền Bắc Miến Điện, từng là thủ đô của người sáng lập triều đại cuối cùng của Miến Điện. Năm sáu tuổi, ngài bắt đầu đi học tại một tu viện trong làng. Năm mười hai tuổi, ngài thọ giới Sa-di (Sāmaṇera) với pháp danh là Sobhana (Tịnh Hảo). Khi bước vào tuổi hai mươi, ngài được thọ giới tỳ-kheo (Bhikkhu) vào ngày 26 tháng 11 năm 1923. Ngài đã vượt qua ba kỳ thi Paḷi do Chính phủ tiến hành ở cả ba cấp độ (sơ, trung và cao) trong ba năm liên tiếp sau đó.
Vào năm thứ tư thọ giới Tỳ-kheo (Bhikkhu), Đại đức Sobhana đã chuyển đến thành phố Mandalay, nơi nổi tiếng về việc học tập và nghiên cứu Phật giáo, để tiếp tục tìm hiểu học hỏi thêm từ các vị sư có danh tiếng về học thuật. Trong năm thứ năm, Đại đức đến Mawlamyaing để thuyết giảng kinh Phật tại một tu viện có tên là “Taung-waing-galay Taik Kyaung”.
Năm thứ tám sau khi thọ giới Tỳ kheo, ngài và một vị sư khác rời khỏi Mawlamyaing chỉ với vật dụng thiết yếu của một vị Tỳ-kheo (tam y, một bình bát), và đi kiếm tìm một phương pháp rõ ràng và hiệu quả trong thiền tập. Tại Thaton, ngài gặp một vị thiền sư nổi tiếng, đó là Đại đức U Narada, còn được gọi là ‘Đệ nhất Thiền sư Mingun Jetawun’. Sau đó, ngài được vị thiền sư trực tiếp hướng dẫn và nhanh chóng tiến hành một khóa thiền chuyên sâu. Ngài tiến bộ vượt bậc trong thiền tập đến mức có thể giảng dạy pháp thiền này một cách hiệu quả cho ba vị đệ tử đầu tiên của mình trong thời gian về thăm quê hương Seikkhun. Qua tấm gương của ba vị hành giả này mà dần dần có đến năm mươi dân làng tham gia các khóa thiền miên mật.
Ngài Mahasi không thể ở lại với thiền sư Mingun như mong muốn mà được yêu cầu trở về tu viện Mawlamyaing gấp. Ngài viện trưởng ốm nặng và viên tịch không lâu sau khi Đại đức Mahasi trở về. Sau đó Đại đức Mahasi được đề nghị phụ trách quản lý tu viện và giảng dạy cho các vị sư tại đây. Trong thời gian này, ngài tham dự kỳ thi Thuyết pháp Paḷi lần đầu tiên được tổ chức và ngay từ nỗ lực đầu tiên vào năm 1941, ngài đã được phong danh hiệu “Sasanadhaja Sri Pavara Dhammacariya” (Pháp Sư).
Khi Nhật Bản xâm lược thì các nhà chức trách ra lệnh sơ tán cho những người sống gần Mawlamyaing ở Tu viện Taung-waing-galay và các vùng lân cận. Những nơi này gần một sân bay và do đó bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích. Đối với ngài thiền sư thì đây là một cơ hội quý để trở về quê hương Seikkhun của mình và để cống hiến mình hết mình cho việc hành thiền Minh Sát và hướng dẫn cho người khác.
Ngài đã ngụ tại một tu viện tên là Maha-Si Kyaung, được gọi như vậy là bởi có một cái trống (Myanmar si) kích thức lớn bất thường (maha) đặt ở đó. Pháp danh thông dụng của ngài là Mahasi bắt nguồn từ chính tu viện này.
Trong khoảng thời gian năm 1945, ngài thiền sư đã viết kiệt tác của mình là cuốn Cẩm Nang thiền Minh Sát (Manual of Vipassana Meditaion), một luận thuyết toàn diện và thẩm quyền giảng giải cả các khía cạnh pháp học và pháp hành của phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Vipassana). Cuốn cẩm nang hai tập này gồm 858 trang, được ngài viết trong vẻn vẹn bảy tháng, trong khi thị trấn lân cận là Shwebo hầu như ngày nào phải hứng chịu những cuộc không kích. Cho đến nay, chỉ có một chương của tác phẩm này là chương thứ năm được dịch sang tiếng Anh và xuất bản với tựa đề “Thiền Minh Sát Thực hành: Các giai đoạn căn bản và phát triển” (Hiệp hội Xuất bản Phật Giáo) – “Practical Insight Mediation: Basic and Progressive Stages” (Buddhist Publication Society).
Không lâu sau thì danh tiếng của ngài Mahsi là một vị thiền sư giỏi về thiền Minh Sát đã lan rộng khắp vùng Shwebo-Sagaing và thu hút sự chú ý của một cư sĩ Phật giáo lỗi lạc và thuần thành, ông U Thwin, người được coi như một “Chính khách tiền bối” của Miến Điện. Mong muốn của ông U Thwin là phát huy sức mạnh nội lực của Phật giáo Miến Điện bằng việc thành lập một trung tâm thiền dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư đạo hạnh và xuất chúng. Sau khi gặp ngài Mahasi và nghe ngài thuyết pháp và hướng dẫn thiền cho các tu nữ ở Sagaing thì ông U Thwin không còn nghi ngờ rằng ông đã thấy được người lý tưởng mà mình đang kiếm tìm.
Trong năm 1947, Tổ chức Phật giáo Nuggaha được thành lập tại Yangon với ông U Thwin là vị chủ tịch đầu tiên, và mục tiêu của tổ chức này là thúc đẩy hơn nữa Pháp học (pariyatti) và Pháp hành (paṭipatti) của Phật giáo. Năm 1948, ông U Thwin đã cúng dường năm héc-ta đất tại Kokkine, Rangoon, cho Tổ chức để xây dựng trung tâm thiền. Chính trên khuôn viên này mà trung tâm Thathana (hay Sasana) Yeiktha, nghĩa là “Chốn ẩn cư của Phật giáo” tọa lạc mà hiện nay trải rộng một khu vực có diện tích hai mươi héc-ta với nhiều công trình kiến trúc, tòa nhà mọc lên.
Năm 1949, Thủ tướng Chính phủ Miến Điện thời bấy giờ là U Nu và ông U Thwin thỉnh mời thiền sư Mahasi đến Yangon để dạy thiền. Ngày 04 Tháng 12 năm 1949, ngài thiền sư giới thiệu nhóm đầu tiên gồm 25 hành giả vào thực hành phương pháp thiền Minh Sát. Trong vòng một vài năm thiền sư ở Yangon thì nhiều trung tâm thiền tương tự mọc lên khắp Miến Điện, lên tới con số hơn một trăm. Ở các nước Phật giáo Nguyên thủy láng giềng như Thái Lan và Sri Lanka thì các trung tâm như vậy cũng đã được thành lập và cũng giảng dạy và thực hành cùng phương pháp đó. Theo một điều tra dân số năm 1972 thì tổng số thiền sinh được đào tạo ở tất cả các trung tâm này (cả trong và ngoài nước Miến Điện) đã vượt qua con số 700.000 người. Ở một số nước Châu Á cũng như phương Tây, các khóa thiền Minh Sát vẫn tiếp tục được tiến hành.
Tại Đại hội Kết tập Kinh điển (Sañgāyana) lần thứ VI tổ chức tại Yangon trong hai năm, mà đỉnh cao là năm 2500 PL (1956), trưởng lão thiền sư Mahasi đã đảm trách một vai trò quan trọng. Ngài là một trong những biên tập viên cuối cùng cho các văn bản kinh điển được tuyên đọc và rồi được phê duyệt trong các phiên họp của Đại hội. Hơn nữa, ngài là người chất vấn (Pucchaka), có nghĩa là phải đặt câu hỏi những vấn đề liên quan đến các văn bản kinh điển tương ứng đã được tuyên đọc. Sau đó, các câu chất vấn sẽ được trả lời bởi một nhà sư uyên bác với một trí nhớ phi thường có pháp danh là Đại đức Vicittasarabhivamsa. Để đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của vai trò này, có thể kể ra rằng tại Đại hội đầu tiên được tổ chức một trăm ngày sau ngày Đức Phật nhập diệt, thì ngài Đại đức Maha Ca Diếp (Maha Kassapa) là người đưa ra những câu hỏi mở đầu rồi sau đó đã được trả lời bởi các ngài Đại đức Upali và Đại đức A-nan-đà (Ananda).
Sau việc trùng tuyên các bài kinh ấy thì Tam Tạng kinh điển đã được hoàn tất tại Đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ VI. Tiếp đó là một cuộc trùng tuyên các chú giải và phụ chú đi sau việc hiệu đính cẩn trọng và soi xét kỹ lưỡng. Với trọng trách lớn lao như vậy, trưởng lão Mahasi đã đảm trách một vai trò nổi bật.
Giữa tất cả những bề bộn công việc này, ngài cũng là một người đa văn và viết nhiều. Ngài là tác giả của hơn 70 bài viết và bản dịch, hầu hết bằng tiếng Miến, với một số bằng ngôn ngữ Paḷi. Một trong số những cuốn sách đáng được nêu tên là bản phụ chú giải bằng tiếng Miến về Chú giải Thanh Tịnh đạo (Thanh Tịnh Đạo Maha-ṭikā), gồm hai tập khổng lồ bằng ngôn ngữ gốc Paḷi, thậm chí còn đồ sộ hơn so với Chú giải, cho thấy nhiều khó khăn về ngôn ngữ và các nội dung của nó. Năm 1957, ngài Mahasi đã được phong tặng danh hiệu “Agga-Mahā-Paṇḍita” (Bậc đại trí tuệ cao thượng)
Tuy nhiên, tất cả những điều này đã không vắt cạn năng lực phi thường của ngài dành cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của mình. Ngài đã tiến hành nhiều chuyến du hành nước ngoài. Hai lần đầu tiên trong các chuyến du hành của ngài là để chuẩn bị cho Đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ VI, nhưng cũng được tận dụng cho việc giảng dạy và thuyết pháp.
Thái Lan, Campuchia và Việt Nam (1952)
Ấn Độ và Sri Lanka (1953, 1959)
Nhật Bản (1957)
Indonesia (1959)
Mỹ, Hawaii, Anh, châu Âu lục (1979)
Anh, Sri Lanka, Singapore, Malaysia, Thái Lan (1980)
Nepal, Ấn Độ (1981)
Giữa những hoạt động bộn bề, chồng chất và vất vả như thế, ngài không bao giờ xao lãng cuộc sống thiền định của mình để luôn có những chỉ giáo sáng suốt cho những ai được ngài hướng dẫn. Sức mạnh thân tâm phi thường cũng như sự cống hiến hết mình cho Giáo Pháp đã giúp ngài đứng vững trong suốt cuộc đời 78 năm.
Vào ngày 14 tháng 8 năm 1982, Trưởng lão Thiền sư Mahasi đã qua đời vì một cơn đau tim đột ngột và nghiêm trọng mà ngài đã phải chịu đựng trong đêm trước. Tuy nhiên, vào tối ngày 13, ngài vẫn có lời giới thiệu chỉ dẫn cho một nhóm thiền mới.
Thiền sư Mahasi là một trong những nhân cách rất hiếm hoi có sự phát triển cân bằng và ở tầm cao cả về sự uyên bác với trí tuệ sắc bén lẫn kinh nghiệm thiền tập thâm sâu. Ngài có thể giảng dạy một cách hiệu quả cả về tư tưởng Phật giáo (Pháp học) lẫn Phật giáo thực hành (Pháp hành).
Sự nghiệp hoằng pháp bằng lời cũng như thông qua những cuốn sách của ngài đã làm lợi lạc cho hàng trăm ngàn người khắp nơi ở phương Đông và phương Tây. Tầm vóc của ngài và những việc làm trong cuộc đời đã liệt ngài vào hàng những nhân vật vĩ đại trong nền Phật giáo đương thời.
Nguồn: http://www.mahasi.org.mm
Người dịch: Phạm: Thị Thu Hằng
Một số tác phẩm của ngài Mahasi đã được dịch ra tiếng Việt:
- Căn bản thiền Minh sát, Phạm Kim Khánh dịch
- Những giai đoạn tiến triển trong thiền Minh Sát, Phạm Kim Khánh dịch
- Giảng Kinh Vô Ngã Tướng, Phạm Kim Khánh dịch
- Giảng Kinh Chuyển Pháp Luân, sư Pháp Thông dịch
- Giảng Kinh Đoạn Giảm, sư Pháp Thông dịch
- Minh sát thực tiễn, sư Pháp Thông dịch
- Giảng Kinh Đại Niệm Xứ, tỳ khưu Bửu Nam
- Pháp Duyên Khởi, tỳ khưu Minh Huệ dịch
- Phương pháp chữa bệnh bằng thiền quán, sư Tăng Định dịch
- Giảng Kinh Gánh nặng, sư Pháp Thông dịch
[1] Độc giả có thể tìm đọc cuốn Satipatthana Vipassana: Cristisim and Replies có ghi lại các lời phê bình về phương pháp thiền của truyền thống Mahasi (Satipatthana Vipassana) và các bài trả lời những lời phê bình này.
[2] Cuốn sách này đã được Dịch giả Nguyễn Duy Nhiên dịch ra tiếng Việt với tiêu đề 30 ngày thiền quán.