Samanta
Lợi mình lợi người

TĂNG CHI BỘ KINH, CHƯƠNG IV: BỐN PHÁP

IX. PHẨM KHÔNG CÓ RUNG ĐỘNG

4.2.5.6 đến 4.2.5.9

(VI) (96) Lợi Mình (1)

1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người; hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình; hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người; hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hướng đến nhiếp phục tham cho mình, không khích lệ người khác nhiếp phục tham, hướng đến nhiếp phục sân cho mình… nhiếp phục si cho mình, không khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, khích lệ nhiếp phục tham cho người, không hướng đến nhiếp phục sân cho tự mình… không hướng đến nhiếp phục si cho tự mình, khích lệ nhiếp phục si cho người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục tham, không nhiếp phục sân cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục sân… không nhiếp phục si cho tự mình, không khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình, không hướng đến lợi người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hướng đến nhiếp phục tham cho tự mình, và khích lệ người khác nhiếp phục tham, hướng đến nhiếp phục sân cho tự mình… hướng đến nhiếp phục si cho tự mình và khích lệ người khác nhiếp phục si. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi ích cho mình và cho người.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

(VII) (97) Lợi Ích Cho Mình (2)

1. (Như kinh (96), đoạn đầu)

2. – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người, mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, thọ trì các pháp đã được nghe, suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; nhưng không phải là người thiện ngôn, khéo nói, dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác, rõ ràng, khiến cho nghĩa lý được minh bạch; không phải là người thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không có lợi người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không có lợi mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, không thọ trì các pháp đã được nghe, không suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì, không có sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp tùy pháp; là người thiện ngôn, khéo nói, dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác rõ ràng, khiến cho nghĩa lý được minh bạch; là người thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không có lợi mình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người, không hướng đến lợi mình và lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có mau mắn nhận xét trong các thiện pháp… không có sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp; không phải là người thiện ngôn, khéo nói… làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình và lợi người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người mau mắn nhận xét trong các thiện pháp… sau khi hiểu nghĩa, hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp. Là người thiện ngôn, khéo nói… làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.

(VIII) (98) Lợi Mình(3)

– Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi mình, lợi người.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

(IX) (99) Những Học Pháp

1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hướng đến lợi mình, không lợi người; hướng đến lợi người, không lợi mình; không hướng đến lợi mình, lợi người; hướng đến lợi mình, lợi người.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình từ bỏ sát sanh, không khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho, không khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, không khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục;… tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; nhưng không khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình, không lợi người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình không từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình không từ bỏ lấy của không cho;… tự mình không bỏ tà hạnh trong các dục;… tự mình không từ bỏ nói láo… tự mình không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi người, không lợi mình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi mình, lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình không từ bỏ sát sanh, không khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình không từ bỏ lấy của không cho;… tự mình không từ bỏ tà hạnh trong các dục;… tự mình không từ bỏ nói láo… tự mình không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu; không khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hướng đến lợi mình, lợi người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi mình, lợi người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho… tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục… tự mình từ bỏ nói láo… tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hướng đến lợi mình và lợi người.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

Nguồn: http://www.budsas.net/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi04-0712.htm 

 

Kinh Pháp Cú: Phẩm Tự Ngã (HT Thích Minh Châu dịch)

157. "Nếu biết yêu tự ngã,
Phải khéo bảo vệ mình,
Người trí trong ba canh,
Phải luôn luôn tỉnh thức."

158. "Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng.
Sau mới giáo hóa người,
Người trí khỏi bị nhiễm."

159. "Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục!"

160. "Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược y chỉ khó được."

166. "Dầu lợi người bao nhiêu,
Chớ quên phần tư lợi,
Nhờ thắng trí tư lợi.
Hãy chuyên tâm lợi mình."

http://www.budsas.net/uni/u-kinh-tieubo1/tb12-pc2.htm 

Kinh Pháp Cú: Phẩm Tự Ngã  (sư Indacanda dịch):

[157] 1. Nếu biết bản thân là đáng yêu thì nên bảo vệ nó một cách cẩn thận. Người sáng suốt nên cảnh tỉnh (bản thân) vào một trong ba thời.[1]  

tiṇṇamaññatara yāma: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).

[158] 2. Trước tiên nên huân tập chính bản thân ở việc đúng đắn, rồi mới nên chỉ dạy người khác, (như thế) người sáng suốt không thể bị ô nhiễm.

[159] 3. Nếu chỉ dạy người khác như thế nào thì nên thực hành đối với bản thân như vậy. Đúng vậy, người đã khéo được rèn luyện thì có thể rèn luyện (kẻ khác), bởi vì bản thân quả là khó rèn luyện.

[160] 4. Chính ta là người bảo hộ cho ta, còn người nào khác nữa có thể là người bảo hộ (cho ta)? Khi chính ta đã khéo được rèn luyện, thì đạt được người bảo hộ là việc khó mà đạt được.

[166] 10. Không nên buông bỏ lợi ích của bản thân vì lợi ích của kẻ khác cho dầu là lớn lao. Sau khi biết rõ lợi ích của bản thân, nên quan tâm đến lợi ích của mình.

http://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/28/Kh_02.htm#12