Sayadaw U Tejaniya
1. Thiền là nhận biết và quan sát bất cứ điều gì sinh khởi một cách thư giãn, dù điều đó dễ chịu hay khó chịu.
2. Thiền là quan sát và chờ đợi một cách kiên nhẫn với sự hay biết và có hiểu biết.
Thiền KHÔNG PHẢI là cố gắng trải nghiệm những gì bạn đã đọc hay được nghe kể.
3. Chỉ cần để ý trong giây phút hiện tại.
Đừng lạc vào những suy nghĩ về quá khứ.
Đừng bị cuốn đi bởi những suy tưởng của tương lai.
4. Khi hành thiền, tâm và thân cần ở trạng thái thoải mái.
5. Nếu tâm và thân trở nên mệt mỏi, có điều gì đó ki đúng trong cách bạn đang thực hành và đó cũng là lúc bạn nên kiểm tra lại cách hành thiền của mình.
6. Tại sao bạn lại cố gắng tập trung khi hành thiền?
Bạn muốn điều gì chăng?
Bạn muốn điều gì xảy ra chăng?
Bạn muốn điều gì đang xảy ra dừng lại chăng?
Hãy kiểm tra xem nếu một trong các thái độ trên hiện diện, có mặt hay không.
7. Tâm hành thiền phải là tâm thư giãn và định tĩnh.
Bạn KHÔNG THỂ thực hành khi mà tâm đang căng thẳng.
8. Đừng tập trung quá nhiều, đừng kiểm soát.
Không thúc ép hay kìm nén bản thân.
9. Đừng cố tạo ra điều gì cả và cũng đừng chối bỏ những gì đang diễn ra.
Chỉ hay biết là đủ.
10. Cố gắng tạo ra điều gì đó là tham.
Chối bỏ những gì đang diễn ra là sân.
Không biết những gì đang diễn ra hoặc đã chấm dứt là mê mờ
11. Khi quan sát càng có ít tham, sân hay lo lắng thì việc hành thiền sẽ càng dễ dàng.
12. Đừng có bất kỳ mong đợi nào, đừng mong cầu bất cứ điều gì, đừng lo âu. Nếu những thái độ này có mặt trong tâm, chúng sẽ gây khó khăn cho việc hành thiền.
13. Bạn không cần cố gắng làm cho mọi thứ xảy ra theo ý mình.
Bạn chỉ cần biết những gì đang diễn ra đúng như nó đang xảy ra.
14. Tâm đang làm gì? Đang suy nghĩ hay đang hay biết?
15. Tâm đang ở đâu? Bên trong hay bên ngoài?
16. Tâm có sự quan sát hay biết rõ ràng không? Hay chỉ biết một cách hời hợt?
17. Đừng thực hành với tâm mong muốn điều gì đó xảy ra. Điều đó chỉ mang lại cho bạn sự mệt mỏi.
18. Bạn phải chấp nhận và quan sát cả kinh nghiệm tốt lẫn xấu.
Bạn chỉ muốn những kinh nghiệm tốt?
Bạn không muốn kinh nghiệm khó chịu, dù là nhỏ nhất?
Như vậy có hợp lý không? Pháp vận hành như vậy sao?
19. Bạn phải luôn kiểm tra xem mình đang hành thiền với thái độ như thế nào. Rỗng lặng và trong sáng sẽ giúp bạn hành thiền tốt.
Bạn đang có thái độ đúng hay không?
20. Đừng cảm thấy bị quấy rối bởi tâm suy nghĩ. Bạn không hành thiền để ngăn tâm suy nghĩ, mà là nhận ra và chấp nhận sự suy nghĩ khi nó sinh khởi.
21. Đừng chối bỏ bất kỳ đối tượng nào trong phạm vi hay biết của bạn. Hãy nhận biết có phiền não hiện diện cùng đối tượng và tìm hiểu thấu đáo phiền não đó.
22. Đối tượng không quan trọng, thái độ của tâm quan sát đằng sau mới quan trọng. Nếu quan với thái độ đúng thì bất kỳ đối tượng nào cũng là đối tượng của thiền.
23. Chỉ khi có đức tin (saddhā), tinh tấn mới sinh khởi.
Chỉ khi có tinh tấn (viriya), chánh niệm mới trở nên liên tục.
Chỉ khi chánh niệm (sati) liên tục, chánh định (sự vững chãi của tâm) mới được thiết lập.
Khi bạn bắt đầu hiểu biết như chúng đang là (paññā), đức tin sẽ trở nên mạnh hơn.
Chỉ khi chánh định (samādhi) được thiết lập, bạn sẽ bắt đầu hiểu biết mọi thứ như chúng đang là.